Trường Tiểu học Tây Tiến Thượng Cốc đạt chuẩn Quốc gia
(Dân trí) - “Năm nay, Trường Tiểu học Tây Tiến Thượng Cốc được trao danh hiệu “Trường Tiểu học đạt chuẩn Quốc gia mức độ I” đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Trung đoàn 52-Tây Tiến (27/2/1947 - 27/2/2017). Các chiến sĩ Tây Tiến đều đã qua tuổi 90, dù tuổi cao sức yếu, nhưng chúng tôi tiếp tục hoạt động truyền ngọn lửa tình yêu đất nước non sông với thế hệ trẻ với tinh thần Tây Tiến.”
Đó là tâm sự của bác Hoàng Sâm - đại diện Ban liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 52-Tây Tiến. Bác Sâm đã lên dự buổi lễ Trường Tiểu học Thượng Cốc (huyện Lạc Sơn, Hòa Bình) nhận danh hiệu này. Bác Sâm đã chuyển tấm chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp do gia đình Đại tướng ủy quyền tặng trường và tấm ảnh chân dung những bác sĩ y tá và hộ lý Quân y xá Châu Trang thời kỳ đầu cho nhà trường.
Trước đó, vào năm 2014, Trường Tiểu học Thượng Cốc nằm ngay bên cạnh khu di tích Tây Tiến được đổi tên là Trường Tiểu học Tây Tiến - Thượng Cốc. Thầy Trần Mạnh Tuấn - hiệu trưởng trường xúc động nói “Từ khi trường mang tên đơn vị, thầy trò chúng tôi như có một động lực mới, mọi người hăng hái phấn đầu theo lời dạy của Bác Hồ “Học tốt, dạy tốt”, trường lại ngay cạnh bên Đài tưởng niệm trung đoàn 52-Tây Tiến nên hàng tuần các em được phân công sang dọn dẹp cho khu tưởng niệm phong quang trong những buổi lao động. Những buổi kết nạp Đội TNTP Hồ Chí Minh được tổ chức trong khuôn viên này mang lại ấn tượng niệm sâu đậm trong lòng các em đội viên mới.
Sự phấn đấu của thầy trò và cán bộ nhà trường đã đạt kết quả khi được cấp trên kiểm tra xét duyệt để trao danh hiệu cao quý “Bằng công nhận trường Tiểu học đạt chuẩn Quốc gia mức độ I”.
Câu chuyện về chiến sỹ quân y cuối cùng trong tấm ảnh
Bà Thanh Huyền (Lê Thị Thành): “Năm chị em tôi học xong lớp cấp tốc về y tế liền ra hiệu ảnh ở thị xã Sơn Tây chụp tấm ảnh này. Nay bốn chị em đã ra đi mãi mãi, chỉ còn lại mỗi mình tôi”
Cuối năm 1947, quân Pháp nhảy dù xuống thị xã Hòa Bình, tiến theo đường số 6 lên chợ Bờ, suối Rút. Trung Đoàn 52 Tây Tiến sau những trận đánh ác liệt không cân sức, phải cơ động chiến đấu liên tục nhiều ngày trên địa hình miền Tây hiểm trở, núi rừng trùng điệp, dân cư thưa thớt. Phần đông bộ đội từ thành phố hoặc đồng bằng lên chưa quen khí hậu, thời tiết khắc nghiệt vùng miền Tây, lương thực thiếu thốn, thường phải ngủ đất, muỗi rừng, vắt như trấu nên sốt rét hoành hành. Bệnh lỵ lan tràn, các chiến sĩ bị ốm ngày một nhiều, cùng với số bị thương trong chiến đấu khiến có đại đội chỉ còn khoảng một phần ba quân số. Quân y xá Trung đoàn được lệnh chuyển về Châu Trang (nay là xóm Trang), xã Thượng Cốc, huyện Lạc Sơn, Hòa Bình để điều trị cho các thương bệnh binh.
Hồi đó biên chế Quân y xá có BS Đặng Nguyên Đức, và các y tá Nguyễn Đình Thọ, Nguyễn Văn Kỷ, nữ hộ lý có Kiều Thanh Thôn, Ngọc Minh, Tú Hằng, Phương Lan, Thanh Liêm, và tôi Thanh Huyền (Tên ở nhà là Lê Thị Thành) và chú em liên lạc tên là Cù.
Thương bệnh binh của Trung đoàn được tập trung về đây. Thuốc men trang bị y tế rất thiếu thốn, một viên ký-ninh pha loãng cho 5 người uống “làm phép”, kiết lỵ thì chữa bằng lá mơ lông hái ở bờ rào, phải lấy lá chuối non cắt nhỏ ra hấp cho tiệt trùng đắp vết thương thay gạc. Hồi đó các nữ hộ lý chúng tôi mới 16-17 chưa được học nhiều về nghề y, thấy các anh bị thương vết thương mủ máu và dòi bọ lúc nhúc đau đớn lắm lúc đó chăm sóc các anh chả sợ gì chỉ thương các anh sao khổ thế. Nhớ lần Quân y xá được ông Thi Sơn thay mặt Ủy ban Kháng chiến Khu II đến thăm mang tặng ba ngàn viên ký ninh quả là một kho thuốc quý (ông Thi Sơn vốn là tướng của Cụ Đề Thám). Trong buổi tặng thuốc này, chính trị viên trung đoàn Hùng Thanh đã xúc động đọc bài thơ vừa làm:
Một buổi sớm mọi người đều hoan hỷ
Từ bệnh nhân đến bác sĩ đều vui
Vì được tin kháng chiến Chiến khu II
Vừa tặng ba ngàn viên thuốc sốt….
(Theo hồi ký nhà thơ Quang Dũng)
Ngày nào cũng có một hai đồng đội qua đời. Có sáng đi qua thăm thương binh thấy có anh kêu “Đồng chí ơi, gỡ hội tôi với. Tối qua cậu ấy còn ôm tôi ngủ mà sáng ra nó chết từ lúc nào, hai tay ôm cứng tôi không sao gỡ ra được”.
Các mẹ chiến sĩ ở Hòa Bình đi bộ 8 km tự tìm đến thăm thương binh có bà: Phó Khôi, Tài Thọ, Phẽm Nhỡ, Lý Mô, Ký Đông thấy gian khó quá, các mẹ về kêu gọi mang gạo muối, và gần trăm chiếc chiếu để bộ đội dùng vừa trải nằm và đắp thay chăn và dùng khâm liệm bằng chiếc chiếu này khi lam chung. Sau chiếu cũng hết đành phải đẵn cây tre cây nứa, đập dập rồi đan thành “chiếu” để khâm liệm.
Quân y xá phải để riêng một buồng gọi là “buồng liệt” những đồng chí chỉ còn thoi thóp thì đưa vào đây. Chỉ hơn ba tháng mà có khoảng 200 đồng chí đã qua đời, mộ chôn kín cả quả đồi hoang...
Người đã từng nằm ở “nhà liệt”
Bác Nguyễn Hoàng Sâm - Trưởng ban cố vấn - Ban Liên lạc kể: “Sau trận Sốp Hào - Sốp Bao, tôi bị sốt rét ác tính, đơn vị cáng về Quân y xá Châu Trang. Sốt cao li bì bác sĩ đành đưa vào “buồng liệt” lúc tỉnh lại nhìn lên trời: Nhà sàn không có nóc nhà, xung quanh là vài đồng chí bệnh binh gầy guộc thở dốc, vách nứa thủng lỗ chỗ. Đúng lúc nằm chờ chết thì Chính trị viên trung đoàn (Sau gọi chức danh này là Chính ủy) Hùng Thanh đến thăm mang tờ báo Cứu quốc số mới, tôi được cô hộ lý đỡ dạy cho uống thìa thuốc ký ninh đắng ngắt. Anh Hùng Thanh đọc bài báo kể về chiến công ở trận Sốp Hào - Sốp Bao, thượng cấp tặng Giấy khen cho bốn đồng chí trong đó có tôi. Mọi người vỗ tay hoan nghênh, tai tôi ù đặc, cầm tờ báo mà không đọc được chữ nào. Cô hộ ký mang báo ra đọc dần dần nghe rõ, mới tin là mình được giấy khen. Một lúc sau nhìn vườn thấy có cây đu đủ có vài quả còn xanh. Tôi lần cầu thang chập chững ra bẻ quả đu đủ, cho vào bếp lửa nướng qua rồi lấy dao bổ ra ăn. Ai ngờ tôi dứt cơn sốt, chả biết có phải vì “chất đu đủ” hay vì tin động viên từ bài báo, hay vì sức trẻ mà tôi dần dần hồi phục. Rồi được các mẹ chiến sĩ đón nuôi “bồi dưỡng” dăm ngày. Khỏe lên là tìm về đơn vị chiến đấu.
Nguyễn Gia Khoa