Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội: Học sinh đánh giá giáo viên!

Từ bốn năm nay, cuối mỗi học kỳ, tại Trường THPT chất lượng cao Chu Văn An, Hà Nội thường diễn ra một hoạt động tuy không mới mẻ nhưng chưa được chú ý coi trọng ở các trường phổ thông: lấy nhận xét, đánh giá của học sinh về giáo viên, cán bộ quản lý các hoạt động của trường.

Ông Phạm Vương Tấn, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết hiệu quả của việc làm này, và có thể nói đây là một kinh nghiệm hay cho công tác quản lý giáo dục.

 

Xin ông cho biết, từ đâu lãnh đạo trường có ý tưởng này?

 

Từ chính thực tế công tác quản lý nhà trường, chúng tôi nhận thấy phải có những thông tin ngược từ học sinh để biết thầy cô dạy ra sao, các hoạt động có phù hợp với học trò hay không, các em mong muốn gì ở thầy cô và nhà trường. Đây là một hình thức dân chủ trong trường học. Ban đầu, cũng có người cho rằng không nên để học sinh được nhận xét, đánh giá thầy, cô giáo. Song chúng tôi thấy việc làm này rất cần thiết, vấn đề là làm thế nào và xử lý thông tin sau đó ra sao.

 

Để có câu trả lời chính xác, khách quan phải có câu hỏi rõ ràng, khoa học. Vậy trong phiếu điều tra của các ông, những vấn đề nào được đưa ra và trường đã làm thế nào để học sinh trả lời chính xác điều muốn biết?

 

Chúng tôi đã chuẩn bị rất kỹ câu hỏi để học sinh không hiểu lầm, hoặc trả lời không thật suy nghĩ của mình. Đồng thời, trước mỗi đợt lấy phiếu đánh giá, ban giám hiệu đã họp và phổ biến rất kỹ cho đội ngũ cán bộ lớp, cán bộ Đoàn để các em hiểu rõ hiểu đúng tinh thần của nhà trường.

 

Trong phiếu này, chúng tôi nêu ra những câu hỏi để học sinh trả lời về khả năng sư phạm của thầy cô giáo, giáo viên dạy có đảm bảo kiến thức cơ bản không, có nâng cao không? Thầy cô cho điểm có chính xác không, có đảm bảo đúng thời gian trả bài không? Thầy cô có khách quan khi đối xử với học sinh hay không?

 

Ngoài những câu hỏi dành cho việc đánh giá giáo viên bộ môn, trong phiếu còn có mục để học sinh đánh giá về công tác chủ nhiệm với những câu hỏi như thầy cô chủ nhiệm có gần gũi với học sinh và công tác chủ nhiệm có hiệu quả không? Học sinh còn được đánh giá về các hoạt động khác cũng như về công tác quản lý.

 

Bên cạnh những câu hỏi có sẵn mà học sinh có thể đánh dấu vào câu trả lời, nhà trường còn khuyến khích học sinh góp ý cụ thể về mọi hoạt động, từng thầy cô giáo và những vấn đề khác.

 

Sau khi có thông tin, Ban giám hiệu sẽ xử lý thế nào?

 

Sau khi tổng hợp, chúng tôi sẽ linh hoạt xử lý trên quan điểm phải quan tâm đến đánh giá của các em, nhưng không nên coi tất cả là đúng hoặc tất cả là sai. Khi xử lý, chúng tôi phải căn cứ cả quá trình.

 

Ví dụ, khi học sinh có nhận xét về một giáo viên nào đấy, chúng tôi phải xem xem những năm trước các lớp khác có nhận xét thế không. Có những thông tin chúng tôi xử lý ngay, nhưng cũng có cái phải tìm hiểu cặn kẽ. Ví dụ, chúng tôi đã nhận được một phiếu học sinh viết, đại ý mong nhà trường quan tâm đến những điều em đã viết, không bỏ xó những cái phiếu này.

 

Với những trường hợp này, chúng tôi xem xét, xử lý những vấn đề em đó kiến nghị, để cho em đó thấy rằng nhà trường thực sự quan tâm đến điều em nói. Sau đó một thời gian sẽ gặp gỡ, trao đổi để học sinh thấy rằng suy nghĩ như vậy là không đúng và em phải có niềm tin vào nhà trường.

 

Nói chung, không có quy tắc nào cụ thể khi xử lý thông tin phản hồi từ học sinh, nhưng điều quan trọng là cần phải công tâm, công bằng và vì mục tiêu nâng cao chất lượng dạy, học.

 

4 năm qua, ông thấy việc làm này thực sự có hiệu quả?

 

Tất nhiên là có hiệu quả thì chúng tôi mới duy trì. Với giáo viên, khi đọc bảng tổng hợp ý kiến nhận xét của học sinh về mình, dù muốn hay không cũng phải có sự điều chỉnh. Còn với ban giám hiệu, những thông tin này rất quan trọng. Ví dụ như khi đa số học sinh trong một lớp nói rằng thầy dạy khó hiểu, nhưng chúng tôi biết giáo viên đó có trình độ, thì có nghĩa là việc phân công của ban giám hiệu chưa đúng, chưa phù hợp với đối tượng và phải điều chỉnh cho hợp lý hơn.

 

Hay với việc phân công giáo viên chủ nhiệm, có thể học sinh đánh giá thầy cô nhiệt tình song hiệu quả không cao thì có nghĩa  là người đó chưa có phương pháp, chúng tôi phải góp ý và quan tâm giúp đỡ. Nói chung, những thông tin này không phải là tất cả nhưng rất có ích. Còn với học sinh, các em sẽ thấy được tôn trọng, có ý thức hơn đối với mọi việc của trường.

 

Ông có bao giờ nghĩ đến chuyện sẽ phối hợp với các nhà khoa học và các cơ quan quản lý để xây dựng một quy trình lấy ý kiến đánh giá của học sinh về giáo viên với những công cụ đánh giá khoa học, chính xác hơn để áp dụng đại trà?

 

Chúng tôi cũng rất mong muốn điều này nhưng hiện nay thực tế chưa có điều kiện. Khoa học đo lường đánh giá đã khẳng định và thực tế triển khai ở trường chúng tôi trong 4 năm qua cũng đã chứng minh điều đó.

 

Theo Hà Nội Mới