Trường quê cụ Trạng có 4 thủ khoa

Nói giọng Hải Phòng, hàng xóm của tôi “hơi bị” giàu. Anh làm thầu khoán xây dựng, nhìn tiền như thấy cát sỏi. Thế nhưng, ông trời chẳng cho ai được tất cả. Anh chị lại buồn về đường con cái - thằng bé thích người đến nhà thu tiền cá độ hơn thầy cô giáo ở trường.

Có người mách bảo: Nhà có con học đại học còn sang hơn trong phòng khách đặt cái đàn piano. Anh chị thấy đúng. Thế là chạy “đặc cách” cho thằng bé được vào trường chuyên, lớp chọn. Chưa đủ, anh chị còn cất công đi tìm thầy, nghe nói tiền còn đắt hơn kiến thức, cho con học thêm. Ở nhà thằng bé có mỗi việc học, chỉ mất thời gian cúi xuống để buộc dây giày. Thế mà thi trượt đại học. Sáng 8.8, nghe tiếng rao báo ngoài đường: “Một lớp có 4 thủ khoa đại học...”, anh chị thở dài tiếc nuối: “Trường quê cụ Trạng có khác. Biết thế cho con nó về quê học!”.
Trường quê cụ Trạng có 4 thủ khoa  - 1
Bốn thủ khoa (từ trái sang: Trường, Quân, Hoà, Hường) của Trường THPT Vĩnh Bảo (huyện Vĩnh Bảo, TP.Hải Phòng).

Một lớp có 4 thủ khoa

Là lớp 12A1 Trường THPT Vĩnh Bảo, huyện Vĩnh Bảo, TP.Hải Phòng - quê hương cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Sáng 5.8, chúng tôi đã được gặp 3 thủ khoa ở trường. Thủ khoa Đại học Bách khoa (29 điểm) Phạm Mạnh Trường là người duy nhất đạt điểm 10 môn toán trong số 9.400 thí sinh thi vào trường này. Em còn thi đỗ vào Đại học Y với 26,5 điểm. Chàng thanh niên 17 tuổi thân hình mảnh khảnh, gương mặt xương xẩu, có vẻ ít quan tâm chuyện ăn uống. Thực ra, Trường con nhà nghèo, mẹ làm nông nghiệp, bố làm bốc vác cách nhà 50km. Trừ lúc học ra, em phải giúp mẹ công việc trong nhà, ngoài đồng.

Thế nhưng, tên Trường gắn liền với nhiều chữ "nhất": Học giỏi nhất lớp toàn "sao" 12A1, giải nhất (điểm 10) thi học sinh giỏi toán toàn thành phố, giải nhất cuộc thi thử vào đại học (TP.Hải Phòng tổ chức) 3 môn thi toán, lý, hoá. Thủ khoa Đại học Lâm nghiệp (khối B, 26 điểm) là Nguyễn Bích Hoà. Em thích câu chuyện con lừa của Buridan đứng ở giữa bó cỏ tươi và thùng nước mát, bởi vì em còn lưỡng lự giữa Trường Lâm nghiệp và Trường Kinh tế quốc dân - nơi em đỗ với 24 điểm.

Hoà có khuôn mặt ngây thơ như một cô bé trong ban đồng ca thiếu nhi. Em hiền nhưng không nhút nhát, dễ khóc nhưng khó bắt nạt. Em có cái nhìn đen láy của một người không biết sợ. Giỏi toán, nhưng vẫn quan tâm đến trần nợ công ở Mỹ và tình hình trên biển Đông. Em thích đọc truyện, nhưng lại không thích học văn. Hình thức mạnh mẽ hơn Hoà là thủ khoa Đại học Y Hải Phòng (28 điểm) Lê Thị Thu Hường. Em cũng đỗ Trường Đại học Khoa học tự nhiên với 26,5 điểm. Tôi hỏi đùa em có thích làm bác sĩ răng, vì răng có đến 32 chiếc? Hường rất thật thà từ chối (những người to béo thường ý nghĩ đều vuông vắn).

Em muốn học về ung thư, ở làng đã có nhiều người chết vì bệnh này. Hường là người sống hướng ngoại. Em có khẩu khiếu, gương mặt hồng hào tự nhiên, tựa như có ai lấy tay véo vào hai má. Thủ khoa chúng tôi không được gặp mặt là Phạm Ngọc Quân. Em bị các bạn rủ đi thi “chơi” Đại học Hải Phòng và đỗ đầu trường. Song, Quân sẽ mang 28 điểm vào học tại Trường Đại học Bách khoa.

54 học sinh của lớp 12A1 đều đỗ đại học. Các em coi đó đương nhiên như mũi phải nằm giữa mặt! Cuộc đời làm báo đã cho tôi gặp nhiều học sinh từng đi thi quốc tế. Đấy là những gương mặt đẹp, thông minh, nhưng bình dị và thản nhiên như 4 thủ khoa của lớp 12A1 thì tôi chưa gặp. Giáo viên chủ nhiệm 12A1 - cô Nguyễn Thị Thuý - nói rằng: Học sinh của cô là những em “giỏi, hiền, chăm, tình cảm”. Tình cảm thầy - trò ở quê khác lắm.

Nghe họ gọi học sinh là “thằng nọ, con kia” không thấy khó chịu, chỉ thấy âm điệu của sự âu yếm như lời cha mẹ gọi yêu con cái. Chẳng như mẹ con thì sao học sinh dám thản nhiên vào nhà cô (đi vắng) mua vịt về mổ, chờ cô về cùng ăn uống với nhau. Chẳng phải ngày 20.11, học sinh vẫn ồn ào đến nhà thầy để "truy quét" vườn cây quả của thầy. Nhân ngày 8.3, cả lớp 12A1 nhận thi đấu môn cắm hoa và nhảy aerobic. Các bạn trai đã xung phong cắm hoa để bạn gái nhảy aerobic (may không thi môn vật tay). Hài hước là một phẩm chất của những người có bản lĩnh.

Một điều lạ là các em 12A1 đều muốn học lớp cử nhân tài năng, nhưng lại không thích phấn đấu vào đội tuyển để đi thi quốc tế. Đại học là mục tiêu của các em. Chẳng ai muốn vào “Trần Phú” - cái lò đào tạo học sinh đi thi quốc tế của thành phố "hoa phượng đỏ", dù nhiều em có thừa điểm. Thứ các em thiếu là... tiền! Cả lớp là con nhà nghèo làm sao dám mơ đến học trường mà tiền học một tuần bằng các em học cả tháng ở trường phố huyện. Trớ trêu nhất là, các em bảo nhau, tài năng cũng vẫn chưa đủ đảm bảo để được chọn vào đội tuyển. Những tiêu cực trong tuyển chọn nhân tài đã phổ cập đến tận tai các học sinh trường quê.

Con người quyết định

Vĩnh Bảo có làng Cổ Am - quê của rất nhiều người đỗ đạt cao, được vinh danh "bắc Cổ Am, nam Hành Thiện", có thuốc lào ngon nổi tiếng Việt Nam. Ngày nay người hút thuốc lào đã ít, nhưng các giáo sư, tiến sĩ Vĩnh Bảo thì vẫn bao la. Góp phần đào tạo nên các ông nghè, ông cử hiện đại có Trường THPT Vĩnh Bảo.

Chúng tôi đến trường vào đầu tháng 8, học sinh nghỉ hè, sân trường vắng lặng. Cái vắng lặng không đè nặng lên tâm hồn, mà mang cái vẻ thanh bình như làn sương mai lãng đãng trên các cánh đồng. Trường chưa đạt chuẩn quốc gia vì quá nhỏ bé (9.000m2) để chứa đựng hơn 2.000 học sinh - con cháu những nông dân nghèo chỉ dám quan tâm chứ không mơ đến đầu tư cho chuyện học hành. Trường nhiều bảng đen, phấn trắng, nhưng ít máy tính, máy chiếu, máy camera...

Trường không có những thầy “khủng” như Lê Tự Cường, Nguyễn Đình Thuý, Vũ Trường Sơn ở Trường Năng khiếu Trần Phú -những cái tên đến đồng nghiệp cũng phải ngả mũ kính chào. Điểm đầu vào của trường thấp hơn hẳn nhiều trường nội thành. Vậy sao 3 năm liên tục (2008-2010) trường quê Vĩnh Bảo luôn đứng trong top 50 trường có điểm thi đại học cao nhất Việt Nam?

Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Bảo Nguyễn Hữu Kiên là người học toán, từng 10 năm làm Trưởng phòng Giáo dục Vĩnh Bảo. Dưới “triều đại” của thầy Kiên, 6 năm trường có 13 thủ khoa các trường đại học danh tiếng. Chỉ vào 2 cây lộc vừng mọc trước cổng trường năm nay không chịu nở hoa, thầy Kiên nói: “Mừng quá! Cây không nở hoa, nhưng thủ khoa vẫn cứ có!”. Rồi thầy kể với chúng tôi về truyền thống đỗ đạt của đất Vĩnh Bảo, về khát vọng "đổi đời" của những người nông dân nghèo nơi này bằng con đường học, về những giáo viên được chính học trò tôn vinh “cực kỳ...” như Phạm Quốc Hiệu, Lê Công Hiển, Nguyễn Thị Thuý...

Họ hết lòng với học trò như lời thừa nhận của thầy toán Phạm Quốc Hiệu: “Trường quê chúng em hơn trường nội thành được mỗi chỗ ấy!”. Chúng tôi đồng ý, nhưng vẫn cảm thấy như những mảnh vụn ghép hình chưa đủ. Đất nước có thiếu gì các vùng quê hiếu học với những người thầy tận tụy và các học sinh chăm chỉ. Rồi ngay ở chính trường này, tại sao thủ khoa mới mọc như nấm từ khi thầy Kiên về làm hiệu trưởng? Ở đây rõ ràng có vai trò của cá nhân, mà vì khiêm tốn thầy hiệu trưởng không đề cập.

Thầy Hiệu, thầy Hiển nói rằng: Hiệu trưởng rất giỏi dùng người, ai có sở trường đều có đất diễn. Nhưng thầy không phải một miếng mút dễ tính hút tất cả. Thầy đòi hỏi các giáo viên - cái gạch nối giữa “trường thân thiện” với “học sinh tích cực” - sự tâm huyết và trách nhiệm, cao nữa là sự sáng tạo. Và thầy dám gạt bỏ những lão làng về chuyên môn đã lạc hậu mà vẫn cứ đắc nhân tâm. Học sinh được ngồi đúng lớp mà không phải mất tiền “chạy”. Uy tín của thầy tránh cho thầy những sức ép từ quyền lực và tiền bạc. Thầy là nhà chỉ huy giỏi đã biến nhà trường thành một “dàn nhạc giao hưởng” học tập sôi nổi, mà sự tự học là cây đàn violin số 1, còn học thêm chỉ là bè phụ hoạ.

Chia tay chúng tôi, thầy hiệu trưởng không được vui, có sự trục trặc về mặt thủ tục để trường được nhận cờ thi đua của thành phố. Sự công nhận không phải thứ để ban ơn, càng không phải của bố thí, xin những người xét thi đua Hải Phòng đừng làm hàng ngàn phụ huynh, học sinh huyện Vĩnh Bảo phải thất vọng. Bởi họ đã được đọc tin trên mạng: “Bạn muốn con đỗ thủ khoa? Hãy cho vào Trường THPT Vĩnh Bảo!”.

Tạm biệt nhé những thủ khoa có cặp mắt to hơn các vì sao trên bầu trời đêm, nụ cười quấn quýt như cái nắm tay. Một thiền sư Nhật Bản nói: “Điều tồi tệ nhất trên thế gian này là làm hỏng những thanh niên ưu tú bằng một phương pháp giáo dục sai lầm”. Cầu cho các em tiếp tục được gặp trên đường học tập của mình những giáo viên như thầy Kiên, cô Thuý, thầy Hiệu...

Theo Hà Linh Quân
Lao Động