Trung Quốc:
Trường mẫu giáo dạy trẻ tư tưởng của Khổng Tử
(Dân trí) - Với sự ủng hộ của chính phủ Trung Quốc, hàng trăm trường tư thục giảng dạy cho trẻ về tư tưởng của Khổng Tử đã nở rộ khắp nước này nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về phương pháp giáo dục truyền thống.
Tại một ngôi trường ở thành phố Vũ Hán, khoảng 30 trẻ em từ 2 đến 6 tuổi đồng thanh nói: “Chúng con tôn kính thầy, thầy Khổng Tử. Cảm ơn thầy về những lời dậy và lòng yêu thương của thầy”.
Cậu bé 5 tuổi Zhu Baichang thừa nhận rằng em không hiểu tất cả những câu châm ngôn em đọc nhưng em nói: “Rất thú vị”.
Mở ra vào năm 2015, ngôi trường này có khoảng 160 học sinh. Bố mẹ các em đóng học phí mỗi kỳ là 7.000 nhân dân tệ (1.000 USD) với hy vọng con em mình sẽ hấp thu được tư tưởng của Khổng Tử về đạo làm con và tính chính trực.
Bố của cậu bé Baichang, ông Zhu Minghui nói: “Chúng tôi không hiểu tất cả những câu châm ngôn mà cháu trích đọc”. Nhưng ông cũng thừa nhận rằng những nguyên tắc đạo đức này đã xuyên suốt 2.000 năm và ngấm vào xương tủy của ông.
Theo AFP, những lời dạy của Khổng Tử (551-479 trước công nguyên) yêu cầu phải tôn trọng truyền thống và người cao tuổi, đây là tư tưởng chính thống của Trung Quốc từ thời xưa.
Tại các trường, học sinh bắt đầu học về những tư tưởng của Khổng Tử từ khi còn rất nhỏ.
Giám đốc ngôi trường Khổng Tử ở Vũ Hán cho biết: “Khi trẻ từ 2 đến 6 tuổi, khả năng ghi nhớ rất xuất sắc. Chúng tôi lên kế hoạch dạy cho trẻ về đạo làm con, tôn trọng thầy cô giáo và dạy về tình yêu thương”.
Tại các ngôi trường kiểu này, các hoạt động giải trí cũng rất truyền thống. Trẻ em nam thì học chơi cờ Trung Quốc, trẻ em gái thì học về nghi thức trà.
Nhưng sau khi trẻ được 6 tuổi, hầu hết các bậc cha mẹ đăng ký cho con vào học các trường tiểu học chính thống.
Trong khi các trường dạy về tư tưởng Khổng Tử còn ở ngoài rìa của hệ thống giáo dục Trung Quốc, thì các bậc phụ huynh tầng lớp trung lưu càng ngày càng chuộng những ngôi trường này. Kể từ đầu năm ngoái, Quỹ Khổng Tử Trung Quốc có khoảng 300 cơ sở kiểu này, và dự định mở thêm 700 cơ sở nữa, trong khi đó số trường mẫu giáo thông thường ở Trung Quốc là 223.700 trường.
Một tổ chức Khổng Tử khác, Tongxueguan, mở trường học cuối tuần đầu tiên vào năm 2006 và hiện có hơn 120 cơ sở kiểu này khắp nước Trung Quốc với khoảng 40.000 học sinh.
Nhà sáng lập Li Guangbin nói với hãng AFP: “Khi kinh tế phát triển, người Trung Quốc cảm thấy nhu cầu quay về nguồn cội. Họ cũng cần nâng cao về tinh thần”.
Việc đọc lại các lời dạy và tham dự các lớp học đạo đức có thể không khơi gợi tính sáng tạo ở trẻ. Nhưng nhà sáng lập Li nói rằng điều quan trọng hơn với trẻ là “hiểu rằng cái gì làm nên một con người, làm nên tính ngay thẳng đạo đức, sự tương tác xã hội”.
Michael Schuman, hiện sống ở Bắc Kinh, tác giả một cuốn sách về Khổng Tử, nói rằng người Trung Quốc “đang tìm kiếm một thứ gì đó thêm nữa trong cuộc sống của họ”. Michael nói: “Tôi nghĩ rằng xã hội Trung Quốc đã trở nên rất giàu có, nhưng cùng lúc lại mất đi một cái gì đó thuộc về tinh thần. Và họ cảm thấy nhiều vấn đề mà Trung Quốc đang đối mặt chính là hậu quả của việc thiếu những chỉ dẫn đạo đức”.
Xuân Vũ
Theo AFP/Chinadaily