Đắk Lắk:

Trường học di dời dang dở, hơn 300 học sinh buộc phải học muộn

(Dân trí) - Dù học sinh tại nhiều địa phương đã nhập học nhưng trên 300 học sinh người dân tộc Mông học lớp mầm non và tiểu học ở thôn Noh Prông (xã Hòa Phong, huyện Krông Bông, Đắk Lắk) đang mong chờ từng ngày được tới trường, bắt đầu năm học mới.

Do trường cũ bị xuống cấp trầm trọng buộc phải dở bỏ và di dời, trường mới đang dựng lại tạm bợ, sơ sài chưa được hoàn thành vì thiếu kinh phí nên việc học nơi đây tạm thời bị gián đoạn.

Trường học cũ xuống cấp

Thôn Noh Prông nằm cách trung tâm xã Hòa Phong (huyện Krông Bông, Đắk Lắk) 10km, nhưng do địa hình cách trở nên khá biệt lập với xã, cộng với đường sá đi lại khó khăn, học sinh phải băng cầu tạm, vượt những đoạn đường lầy lội mới tới được trường ở xã, nên việc học tập của con em nơi đây chưa được chú trọng.

Đến năm 2001, Trường Mẫu giáo Hòa Phong và Trường Tiểu học Cẩm Phong thành lập điểm trường tại thôn, việc xây dựng trường được người dân cho nhờ đất và bỏ công dựng  những lớp học tạm bợ để con em trong vùng được đến trường. Hơn 10 năm qua, việc xây dựng điểm trường nơi đây đã giúp học sinh được đến trường và được học chữ theo đúng độ tuổi. Tuy nhiên, qua mỗi năm các lớp học đều xuống cấp nghiêm trọng, gỗ xung quanh lớp học đã mục ruỗng, nguy hiểm cho thầy cô và học sinh nên buộc phải di dời địa điểm mới.

Cô Đậu Thị Hằng - Hiệu phó Trường Tiểu học Cẩm Phong cho biết: Các lớp học tại thôn Noh Prong đã hư hỏng và xuống cấp, mưa gió làm tốc mái, hư hỏng là chuyện bình thường, Trường Tiểu học Cẩm Phong hiện có 6 phòng học, có khoảng 200 học sinh, 12 giáo viên phụ trách giảng dạy tại thôn.

“Chúng tôi cũng mong muốn lớp học sớm hoàn thành để học sinh được sớm ngày tựu trường, tránh học quá trễ giáo viên và học sinh phải dạy và học bù quá nhiều, rất mong lớp mới sẽ vững chải, kiên cố hơn so với lớp cũ để được an tâm dạy và học” - cô Hằng chia sẻ.

Theo đó, địa điểm mới của trường nằm tại khu vực đất thuộc dự án sắp xếp ổn định dân cư tự do hỗ trợ bố trí dân cư cho đồng bào người Mông địa phương. Vào năm 2012, thôn được đầu tư 1,7 tỷ đồng xây dựng điểm trường THCS Hòa Phong với 4 phòng học được xây dựng kiên cố, khang trang. Riêng trường tiểu học và mầm non vẫn chưa được hưởng dự án này nên kinh phí chủ yếu để di dời  trường vẫn do huyện hỗ trợ xuống xã và xã làm nhiệm vụ trực tiếp mua vật liệu để dựng trường.

Việc di dời được thực hiện gần 2 tháng nay, người dân trong thôn Noh Prông đã dành nhiều thời gian để tháo dỡ khu vực trường cũ lên khu vực quy hoạch này, để mong con em sớm được đến trường. Ông Cù Duy Tân (thôn Noh Prông) cho biết: “Khi biết trường sắp dời điểm trường mới, chúng tôi huy động người dân trong làng dời bàn ghế, tủ kệ, gỗ, mái lên địa điểm mới. Nhưng giờ mới lắp ráp được một số ít vì còn thiếu vật liệu xây dựng”.
 
Trường học ngổn ngang gỗ, đá.
Trường học ngổn ngang gỗ, đá.
 
Nền lớp học hiện tại chỉ toàn đá dăm.
Nền lớp học hiện tại chỉ toàn đá dăm.
 
Trường học được lắp ghép sơ sài vì thiếu kinh phí.
 
Trường học được lắp ghép sơ sài vì thiếu kinh phí.
Trường học được lắp ghép sơ sài vì thiếu kinh phí.

Thầy cô, học sinh lo lắng vì chưa được tới lớp

Chứng kiến ngôi trường đang dựng khiến nhiều người không khỏi xót xa, trường chỉ mới dựng phần khung, lắp ghép các tấm ván cũ, nền lớp học vẫn còn đá dăm lởm chởm, mấp mô. Ván được đóng ghép thưa, còn một số phòng cũng chưa hoàn thành, bàn ghế xuống cấp mục gãy, chất đống 1 góc, sân trường toàn đá dăm không một bóng cây, gạch đá vương vãi khắp trường…

Thầy Phan Dũng (giáo viên Trường Tiểu học Cẩm Phong) cho biết: Tại đây điều kiện vật chất khó khăn, việc đi lại của giáo viên gặp nhiều trở ngại, lớp học tạm bợ “dời lên chỗ mới, tôi cũng hi vọng hỗ trợ để xây lớp học chắc chắn để học sinh và chúng tôi yên tâm giảng dạy, chứ tình trạng này chưa biết khi nào các em mới có thể tới lớp để theo kịp chương trình, thấy lớp học sơ sài không biết tới mùa mưa sẽ ra sao”.
 
Thầy Dũng lo lắng vì trường hiện chưa làm xong.
Thầy Dũng lo lắng vì trường hiện chưa làm xong.
 
Nhiều học sinh tiểu học nơi đây vẫn hàng ngày ngóng chờ được đến lớp, được học chữ. Em Hàu Thị Hằng (9 tuổi) rất mong ngày được cắp sách tới lớp, để được đi học như các anh chị bậc THCS. “Em muốn được đi học lắm, thấy mấy anh chị đi học rồi mà em chưa được đi học nữa, ngày nào em cũng lên trường xem trường xây xong chưa để được tới lớp” - em Hằng mong muốn.
 
Học sinh mong ngóng ngày tựu trường.
Học sinh mong ngóng ngày tựu trường.
 
Chỉ có trường THCS Hòa Phong được xây dựng kiên cố
Chỉ có trường THCS Hòa Phong được xây dựng kiên cố.

Cô Trương Thị Bạch Yến - Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Hòa Phong cho biết: điểm trường tại thôn Noh Prông có 3 lớp học với khoảng 90 học sinh, 3 cô giáo của trường phụ trách. Việc các lớp học bị hư hỏng nặng, phải di dời điểm mới nên theo dự kiến sẽ dời ngày nhập học cho học sinh khoảng cuối tháng 8 này “việc dời trường nên học sinh buộc nhập học trễ, nên sau đó chúng tôi sẽ tích cực dạy bù cho các cháu, với hiện trạng lớp học hiện tại tôi cũng hơi lo lắng lớp sẽ được học đúng thời gian dự kiến hay phải dời lại nữa”, cô Yến nói.

Trao đổi với PV Dân trí về hiện trạng này, ông Huỳnh Viết Trinh - Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phong cho biết: Thôn Noh Prông có 371 hộ dân đa số là người dân tộc Mông, từ khi xây dựng phân hiệu của các trường tại thôn, việc học hành của học sinh nơi đây được chú trọng, quan tâm. Riêng việc dựng lại trường tiểu học và mầm non, hiện xã có văn bản đề nghị huyện hỗ trợ kinh phí xây dựng, và được người dân địa phương hỗ trợ công xây dựng “xã dự kiến sẽ xây 8 phòng học, xã đã nhận được một số kinh phí nên đang đặt mua gỗ để làm xong các phần cơ bản của trường học. Hiện xã vẫn đang chờ các nguồn kinh phí để tiếp tục xây dựng, sẽ cố gắng để sớm hoàn thành trường sớm nhất có thể, nhằm giúp các em học sinh được đến lớp kịp chương trình”- ông Trinh cho hay.

Trương Nguyễn
 
 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm