1. Dòng sự kiện:
  2. Điểm chuẩn các trường đại học năm 2024

Trường học “chạy”… theo kỳ thi THPT Quốc gia

(Dân trí) - Vội vã xếp lại lớp học theo nguyện vọng; tổ chuyên môn dốc sức tập thành ra đề trắc nghiệm rồi rút kinh nghiệm; miệt mài tổ chức khảo sát, thi thử, tăng tiết theo phương thức thi mới…

Nhiều trường THPT đang quay mòng mòng, đổ hết tâm sức để giúp học trò đương đầu kỳ thi THPT Quốc gia 2017 với nhiều thay đổi so với các năm trước. Các kế hoạch, chiến lược dày đặc cho kỳ thi được các trường liên tục đưa ra.

Trường THPT Ngô Quyền (Q.7, TPHCM) phải tìm hiểu lại nguyện vọng của toàn bộ học sinh khối 12 để tổ chức lớp ôn tập cho hợp lý. Cũng như phải phổ biến cách dạy học mới đến thầy và trò để…. ứng phó cách thức thi mới.

Nhiều trường THPT ở TPHCM phải sắp xếp lại lớp học ở buổi 2, tổ chức khảo sát, tăng tiết... để ứng phó với kỳ thi THPT Quốc gia sắp tới
Nhiều trường THPT ở TPHCM phải sắp xếp lại lớp học ở buổi 2, tổ chức khảo sát, tăng tiết... để ứng phó với kỳ thi THPT Quốc gia sắp tới

Hiệu trưởng nhà trường, ông Ngô Thanh Hải cho hay, do phương thức và cấu trúc đề thi năm nay công bố muộn khi đã vào học chính thức một thời gian nên trường rất bị động trong việc sắp xếp lớp học theo nguyện vọng, bố trí giáo viên đứng lớp.

Trường phải điều chỉnh lại bằng việc tổ chức kiểm tra năng lực học sinh để sắp xếp lớp ôn tập. Còn giáo viên cũng phải tập tành cách ra đề trắc nghiệm đối với các môn xưa nay chưa có trắc nghiệm.

Tổ chuyên môn phân công giáo viên chịu trách nhiệm ra đề trắc nghiệm theo từng mảng kiến thức. Sau đó tổng hợp lại và lựa chọn thành từng bộ đề thi.

Khi nắm được phương án thi của Bộ, Trường THPT Tân Phong (TPHCM) đã tập trung học sinh lớp 12 để thông báo phân tích cho các em hiểu những điểm mới của kỳ thi sắp tới, những thuận lợi và khó khăn so với cách cũ nhằm trấn an các em yên tâm học tập.

Đồng thời, trường phổ biến đến phụ huynh và các tổ chuyên môn để chuẩn bị các kế hoạch.

Ông Hoàng Sơn Hải, hiệu trưởng Trường THPT Tân Phong cho hay, theo phương án cũ trường đã có sự phân hóa đối tượng học sinh cho buổi hai theo cách 3 + 1 (môn Văn, Toán, Anh cộng thêm môn bắt buộc) hoặc 3 + 2 để các em xét ĐH rất ổn. Nhưng khi có phương án mới thì buộc phải thay đổi, nhà trường phải cho các em chọn lại nguyện vọng, sắp xếp lại lớp học ở buổi hai để cho phù hợp, phân hai mô hình lớp theo KHTN và KHXH.

Trường vừa tổ chức khảo sát chất lượng giữa kỳ, kiểm tra nhẹ nhàng 6 môn theo hướng trắc nghiệm. Các môn bây giờ mới trắc nghiệm thì chia tỷ lệ 50:50 hoặc 30:70 giữa trắc nghiệm và tự luận để các em thích nghi.

Sau khi có kết quả khảo sát, nhà trường sẽ họp để đánh giá đợt thi giữa kỳ với đề như vậy có ổn không. Trường sẽ nhờ chuyên gia từ Sở GD-ĐT xem đề có phù hợp không để có những điều chỉnh. “Tổ chuyên môn thì làm việc liên tục vì chính giáo viên cũng chưa quen việc ra đề”, ông Hải nói.

Ra đề thi trắc nghiệm, nhất là ở các môn chưa từng trắc nghiệm là vấn đề làm đau đầu các trường bởi chính thầy cô cũng… không quen, không có kinh nghiệm. Nhiều trường ở TPHCM phải nhờ đến các chuyên gia để tập huấn cách ra đề thi trắc nghiệm cho giáo viên.

Cách dạy và học của thầy trò đang thay đổi cho phù hợp với kỳ thi
Cách dạy và học của thầy trò đang thay đổi cho phù hợp với kỳ thi

Như Trường THPT Trưng Vương đã mời một chuyên gia từ Trường ĐH Sư phạm TPHCM đến tập huấn cách ra đề thi trắc nghiệm. Trên cơ sở đó, trường sẽ thống nhất cách dạy trong các tổ để không chệch hướng, nhất là hướng trắc nghiệm, đồng thời luyện cho học sinh cách giải đề thi trắc nghiệm.

Đây là năm thứ 3 liên tiếp thay đổi hình thức, phương án thi THPT Quốc gia. Cứ mỗi lần thay đổi là các trường lại chạy như máy quay. Thi thay đổi kéo theo rất nhiều vấn đề trong dạy học cũng như các hoạt động khác của nhà trường.

Ông Ngô Thanh Hải, hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền chia sẻ, kế hoạch dạy các môn các em chọn thi và kế hoạch dạy các môn các em không thi cũng là một vấn đề. Các em chọn thi Khoa học Tự nhiên thì việc dạy các môn Khoa học Xã hội cho các em như thế nào và ngược lại để đảm bảo chương trình. Học mà không thi thì học kiểu nào? Giáo viên dạy học mà các em không thi thì dạy kiểu nào, còn các em thi thì dạy kiểu nào?

Phải nói, lúc này, mọi kế hoạch trong trường THPT đều tập trung hết cho kỳ thi THPT sắp tới. Nhiều hiệu trưởng thừa nhận, thay vì tập trung, xây dựng các hoạt động giáo dục, đạo đức cho học sinh thì trường đang dồn hết lực cho thầy và trò ứng phó với việc thi cử.

Tất cả mối bận tâm, sức lực, dạy - học ra làm sao của thầy và trò đang xoay theo đúng một mục tiêu: thi sao cho trúng!

Tổ chức thi thử THPT Quốc gia

Sắp tới, Sở GD-ĐT TPHCM sẽ tổ chức thi thử cho học sinh khối 12 với quy trình như kỳ thi THPT quốc gia. Tùy điều kiện thực tế, các trường có thể đăng ký tham gia để học sinh làm quen và không sử dụng kết quả đánh giá học sinh.

Sắp tới Sở sẽ tập hợp các câu hỏi đề nghị từ các trường để thành lập ngân hàng đề thi trắc nghiệm phục vụ cho việc hướng dẫn giảng dạy và học tập của các trường.

Hoài Nam

(Hoainam@dantri.com.vn)