Trường duy nhất phân loại trình độ ngoại ngữ của SV đầu vào

Dù trải qua 9-12 năm phổ thông học tiếng Anh rồi, các sinh viên vào ĐH vẫn phải học lại từ hello, goodbye... Đây là tình trạng bất cập, và hiện có duy nhất một trường ĐH giải quyết bằng cách phân loại sinh viên đầu vào về trình độ ngoại ngữ. Đó là trường ĐHDL Thăng Long.

Việc không khó...

 

Bà Đặng Kim Nhung, Phó hiệu trưởng Trường ĐHDL Thăng Long cho biết: Trường Thăng Long đã thí điểm phân loại trình độ sinh viên từ năm 2004. Năm đầu tiên, chúng tôi chỉ phân hai loại: Anh 0 và Anh 1. Qua việc phân loại, chúng tôi thấy có những sinh viên đã học hết chương trình C tiếng Anh. Cá biệt có sinh viên đạt 500 điểm TOEFL.

 

Bởi vậy, năm nay trường tôi sẽ phân loại theo bốn trình độ, từ Anh 0 đến Anh 4. Môn tiếng Pháp cũng phân loại từ Pháp 0 - Pháp 4.

 

Trường ĐH DL Thăng Long đã thực hiện đào tạo theo tín chỉ. Để tốt nghiệp, sinh viên không phải chuyên ngành ngoại ngữ phải hoàn thành 21 trình (tín chỉ) thuộc môn ngoại ngữ. Trong đó có ba trình ngoại ngữ chuyên ngành 1 và ba trình ngoại ngữ chuyên ngành 2.

 

Bà Nhung cho biết: áp dụng phân loại trình độ đầu vào, có nhiều sinh viên đạt trình độ Anh 4, có nghĩa sẽ đương nhiên được tích lũy 12 trình (xem như đã hoàn thành rồi), tiết kiệm được bốn học kỳ. Những sinh viên này sẽ có thể tốt nghiệp sớm hơn những sinh viên phải học từ Anh 0.

 

Cái lợi lớn nhất là sinh viên có thêm thời gian để học nâng cao trình độ, với những sinh viên đã đạt trình độ Anh 4 sẽ được tăng cường số tiết luyện nghe nói ngoại ngữ nhiều hơn, có thời gian học ngoại ngữ theo chuyên ngành. Ví như sinh viên Quản trị kinh doanh, Ngân hàng cần ngoại ngữ khác với ngành Công tác xã hội , tin học...

 

SV năm thứ nhất vào Trường ĐHDL Thăng Long sẽ được kiểm tra trình độ ngoại ngữ bằng bốn bài kiểm tra theo dạng trắc nghiệm, mỗi bài có 50 câu hỏi. Hoàn thành mỗi bài, tương ứng với một trình độ.

Sau khi SV đã hoàn thành bốn bài ở mức độ đạt yêu cầu sẽ được kiểm tra khả năng nghe nói.

Vẫn phải "nhai lại" kiến thức

 

Cho đến nay ngoại trừ trường Thăng Long, chưa có trường ĐH nào làm được công việc "phân loại trình độ ngoại ngữ cho sinh viên năm thứ nhất". Có nghĩa "nhai lại kiến thức cũ" vẫn là phổ biến.

 

Như Quỳnh, một thủ khoa tốt nghiệp ĐH Quốc gia Hà Nội bức xúc: Đa số sinh viên năm thứ nhất khi bước chân vào trường ĐH đều đã học tiếng Anh, thi tốt nghiệp phổ thông môn tiếng Anh, nhiều người đã học đến bảy năm ngoại ngữ ở bậc phổ thông, chưa kể học thêm bên ngoài. Thế nhưng ở đại học lại phải bắt đầu học lại từ đầu. Mất thời gian để học những thứ đã biết từ lâu, trong khi không có điều kiện để học nâng cao hơn trình độ ngoại ngữ của mình. Sinh viên muốn khá hơn về ngoại ngữ đều phải bỏ tiền đi học ở bên ngoài, mà không phải ai cũng có điều kiện để làm thế!

 

Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng việc lặp lại chương trình dạy ngoại ngữ ở các bậc học, nhất là bậc đại học là một trong những vấn đề "kéo lùi" chất lượng dạy học.

 

Một sinh viên trường Kinh tế kêu trời: Đã 7-8 năm rồi, không biết đã mấy lần em phải học "Hello", "How are you?". Dĩ nhiên, cũng có những sinh viên chưa được học tiếng Anh từ bậc phổ thông, nhưng số đó rất ít. Chẳng lẽ vì thiểu số đó mà bắt đa số sinh viên mất thời gian vô ích, nhà trường phải trả lương giáo viên, chi phí cho cơ sở vật chất khác mà không mang lại hiệu quả.

 

Vì sao các trường không làm?

 

Dễ xử lý và dễ nhìn thấy hiệu quả chỉ có thể áp dụng với những trường đã chuyển từ đào tạo niên chế sang học chế tín chỉ (việc sinh viên tốt nghiệp một ngành học nào đó tương ứng với việc tích lũy được số tín chỉ nhất định, còn thời gian học, học môn gì trước, môn gì sau, lệ thuộc vào sự lựa chọn của sinh viên).

 

Với các trường đại học đang đào tạo theo niên chế (từng năm một), việc phân loại để cùng lúc dạy các chương trình khác nhau với sinh viên cùng một khóa học là việc rất phức tạp, từ việc tổ chức lớp đến việc thi cử, tính điểm cho sinh viên... Bởi vậy, mặc dù nhìn thấy sự phi lý nhưng các trường nói chung đều phải chấp nhận một giải pháp được xem là "hợp lý" nhất: Học chương trình từ đầu, và những sinh viên có trình độ cao buộc phải... chờ những sinh viên có điểm xuất phát chậm hơn.

 

Đào tạo theo niên chế cũng không có chuyện sinh viên tốt nghiệp nhanh, chậm khác nhau mà phải tuân theo chương trình đã cố định theo học kỳ nên cho dù có được "phân loại" sinh viên vẫn phải đợi đến thời điểm tốt nghiệp giống nhau.

 

Thế nhưng nhìn từ góc độ thực tế, tình trạng "nhai lại kiến thức" trước sau cũng phải thay đổi. Nhất là sau này, khi giữa các trường ĐH có tính cạnh tranh cao hơn bây giờ.

 

Theo Thể thao và Văn hóa