Trường ĐH Thương Mại công bố Báo cáo về Kinh tế trong bối cảnh Covid-19
(Dân trí) - Ngày 12/7, Trường ĐH Thương mại đã tổ chức công bố Báo cáo thường niên Kinh tế và Thương mại Việt Nam 2020 với chủ đề chuyên sâu về "Đầu tư và tăng trưởng trong bối cảnh đại dịch Covid - 19".
Giáo sư Đinh Văn Sơn, Tổng biên tập Tạp chí Khoa học Thương mại, chủ biên Báo cáo thường niên cho biết, đây là báo cáo lần thứ 3 được công bố và nằm trong chuỗi báo cáo được xuất bản hàng năm nhằm tổng kết các vấn đề kinh tế và thương mại lớn một năm qua, nhấn mạnh vào những vấn đề nổi bật trong năm, đồng thời đề xuất các chính sách liên quan.
Báo cáo thường niên Kinh tế và Thương mại Việt Nam được nghiên cứu dựa trên những số liệu và minh chứng có chọn lọc từ các tổ chức cung cấp dữ liệu chính thống và tin cậy; nghiên cứu những vấn đề ngắn hạn nhưng trong tầm nhìn trung và dài hạn với cấu trúc thống nhất bao gồm: Bối cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam; Các khía cạnh quan trọng phản ánh tình hình kinh tế và thương mại vĩ mô hàng năm.
Đặc biệt, báo cáo có lựa chọn những vấn đề chuyên sâu theo từng năm liên quan đến chủ đề của báo cáo và chủ đề cho năm 2020 là "Đầu tư và tăng trưởng trong bối cảnh đại dịch Covid-19"; trên cơ sở những dự báo kinh tế - thương mại để đưa ra những khuyến nghị chính sách phát triển kinh tế và thương mại Việt Nam cho năm tiếp theo.
Theo Giáo sư Đinh Văn Sơn, để kinh tế tiếp tục tăng trưởng trong bối cảnh đại dịch, về phía cung, cần tháo gỡ các nút thắt về thể chế kinh tế, cải cách thị trường lao động, đất đai, tài chính, tái định hình chuỗi cung ứng, đảm bảo chính sách an sinh và ổn định xã hội; về phía cầu, khuyến khích tiêu dùng nội địa, thúc đẩy đầu tư tư nhân, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công và thúc đẩy phát triển thương mại nội địa và xuất nhập khẩu.
Báo cáo đã đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế bình quân năm của Việt Nam năm 2021 có thể đạt 6,1%, CPI trung bình khoảng 4,0%.
Để đạt được kết quả đó, Giáo sư Đinh Văn Sơn cho rằng, Việt Nam phải kiểm soát và có hệ thống giải pháp căn cơ giảm thiểu các thiệt hại do đại dịch Covid-19; đồng thời phải có giải pháp "ứng phó" trong điều kiện dịch bệnh như: Thực thi chính sách tiền tệ chủ động và linh hoạt; áp dụng phù hợp các công cụ thuế và đầu tư công; đồng thời hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân; phát triển nền kinh tế số và các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Đối với thương mại trong nước, phải triển khai áp dụng bản đồ chung sống an toàn với Covid-19, đặc biệt đối với hệ thống phân phối; tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, duy trì và khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh; phát triển thương mại điện tử trong nước để thúc đẩy lưu chuyển hàng hóa; bám sát tình hình kinh tế - chính trị thế giới, đặc biệt là các cuộc chiến tranh thương mại, cuộc chiến tiền tệ để xây dựng các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu thị trường trong nước.
Báo cáo cho rằng, đại dịch có thể là chất xúc tác thúc đẩy nhanh hơn sự dịch chuyển sản xuất và dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam; một số lĩnh vực ghi nhận sự gia tăng đáng kể về dòng vốn đầu tư nước ngoài; hậu COVID-19 là thời điểm vàng để doanh nghiệp (DN) trong nước bước chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các DN FDI.
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra, đại dịch Covid-19 làm sụt giảm dòng vốn đầu tư nước ngoài và số lượng dự án đầu tư mới giảm, một số lĩnh vực ghi nhận sự sụt giảm về dòng vốn đầu tư nước ngoài, ảnh hưởng tiêu cực tới cơ cấu vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài theo địa bàn.