Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn công bố nghiên cứu về môi trường
(Dân trí) - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGH) và Đại học Justus Liebig Giessen, CHLB Đức vừa có Báo cáo quốc gia về Chính sách môi trường ở Việt Nam.
Báo cáo cung cấp một cái nhìn tổng quan về những vấn đề môi trường cấp thiết mà Việt Nam đang phải đối mặt và những chính sách, biện pháp cụ thể nhằm giảm thiểu, loại bỏ hay ngăn chặn các vấn đề đó.
Trình bày các kết quả nghiên cứu chính trong Báo cáo "Chính sách môi trường ở Việt Nam", TS. Detlef Briesen, Đại học Justus Liebig Giessen - đồng chủ biên của Báo cáo cho biết: Trái đất và toàn bộ sinh quyển trên hành tinh đang phải đối mặt với những mối đe dọa lớn gây ra bởi biến đổi khí hậu. Là một đất nước nhiệt đới với đường bờ biển dài, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.
Ngoài những vấn đề môi trường toàn cầu, Việt Nam cũng phải đối mặt với các thách thức môi trường lớn trong nước. Quá trình phát triển của các thành phố, của nền kinh tế, hệ thống giao thông vận tải và sự tăng trưởng mạnh mẽ của sản xuất công nghiệp và nông nghiệp đã dẫn đến ô nhiễm không khí, nước và đất và những thiệt hại nghiêm trọng đối với hệ động, thực vật của đất nước.
Việt Nam thông qua Luật Bảo vệ Môi trường đầu tiên vào năm 1993. Sau hai lần sửa đổi, việc thông qua Luật Bảo vệ Môi trường mới vào năm 2020 thể hiện bước đổi mới quan trọng nhất của hệ thống chính sách về môi trường quốc gia. Có hiệu lực từ tháng 1 năm 2022, Luật Bảo vệ Môi trường mới sẽ tạo một khung pháp lý vững chắc cho các công cụ chính sách bao gồm giấy phép môi trường, kinh tế tuần hoàn, mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất và nhiều công cụ chính sách khác.
Ông Michael Siegner, Trưởng đại diện Tổ chức Hanns Seidel Foundation tại Việt Nam phát biểu: "Nhằm cải thiện hiệu quả của các chính sách môi trường, Báo cáo đưa ra một số khuyến nghị: đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường phối hợp giữa chính sách môi trường với các chính sách khác của nhà nước, kiểm soát chặt chẽ hơn các chuỗi sản xuất, tăng nguồn lực tài chính, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và chống lại sự xâm nhập của các loài ngoại lai, quy hoạch hệ thống giao thông phù hơp với nhu cầu của người dân, nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng, hay thực hiện các chiến dịch nâng cao nhận thức của người dân và chính quyền.
Theo GS.TS. Phạm Quang Minh, nguyên Hiệu Trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, đồng chủ biên của Báo cáo, "bảo vệ môi trường bây giờ cũng quan trọng và khó khăn không kém bảo vệ Tổ quốc trước sự tấn công của kẻ thù, mà một trong những kẻ thù đó đôi khi là chính mình".