Trường Đại học VinUni: Giảng viên Tây dạy lịch sử Việt
(Dân trí) - Nét đặc biệt trong chương trình đào tạo của Trường Đại học VinUni là sinh viên dù theo học ngành nào, đều được học môn lịch sử Việt Nam. Ngoài ra, người dạy các sinh viên môn này là một người Mỹ.
TS Jason Picard là một người Mỹ nghiên cứu và giảng dạy lịch sử Việt Nam, bén duyên và gắn bó với Việt Nam từ 26 năm nay. Ông nói tiếng Việt trôi chảy, hiện là giảng viên Viện Khoa học giáo dục và Khai phóng, Trường Đại học VinUni.
Chia sẻ về công việc của mình, TS Jason cho biết ông không đào tạo ra các nhà sử học, mà giúp các tài năng tương lai của VinUni (dù sau này các em làm nghề gì) có năng lực tư duy lịch sử, nghĩa là có khả năng học hỏi từ quá khứ để hiểu hiện tại.
Dưới đây là chia sẻ của T.S Jacson Picard (hoàn toàn bằng tiếng Việt) về lý do giảng dạy bộ môn lịch sử Việt Nam của mình.
Trải nghiệm của ông khi dạy lịch sử Việt Nam?
- Tôi dạy 2 môn, Lịch sử Việt Nam cổ trung đại và Lịch sử Việt Nam hiện đại. Thoạt tiên, khi bước vào lớp, tôi nhận ra sinh viên có vẻ "choáng" khi người dạy Lịch sử Việt Nam lại là một giảng viên Mỹ. Ban đầu các em có vẻ hơi ngại, nhưng sau đó thích lắm. Có thể do tôi mang đến cho các em một góc nhìn khác về lịch sử mà trước đó các em chưa từng được tiếp cận.
Tôi dạy bằng tiếng Việt, dù các em đều nghe nói tốt tiếng Anh. Nhưng tôi nghĩ nếu dùng tiếng Việt thì sinh viên sẽ cảm nhận được tốt nhất những gì tôi muốn chia sẻ với các em về lịch sử của chính đất nước các em.
Ông đã từng dạy lịch sử Việt Nam cho sinh viên Mỹ, và giờ dạy lịch sử Việt Nam cho chính sinh viên Việt Nam. Ông thấy sự khác nhau như thế nào trong việc giúp mọi người tiếp cận môn học của ông?
- Từ kinh nghiệm của cá nhân mình, tôi thấy việc dạy lịch sử Việt Nam cho người Mỹ dễ hơn nhiều. Thứ nhất, vì tôi biết quan điểm của người Mỹ là như thế nào khi họ học môn lịch sử. Thứ hai, sinh viên của tôi không biết gì cả về Việt Nam. Không phải là vì tôi có thể muốn nói gì cũng được, mà bởi tôi chỉ cần bắt đầu từ những kiến thức cơ bản, việc này thì đơn giản.
Nhưng sinh viên Việt Nam khi học với tôi thì các em đã có sẵn kiến thức nền tảng rồi, cho nên việc của tôi là phải giúp các em mở rộng kiến thức ấy. Và mở rộng đến đâu, theo cách nào, tôi phải suy nghĩ. Nhưng tôi cũng có chút thuận lợi trong việc thu hút sự chú ý của sinh viên, khi mà tôi nhìn nhận về lịch sử Việt Nam với tư cách "người ngoài". Tôi là người ngoài cuộc, mà người ngoài cuộc nhìn lịch sử thì họ sẽ có góc nhìn khác với người bản địa.
Nhiều sinh viên VinUni cũng cho biết, ban đầu nếu là lựa chọn tự do trong số các môn học thì việc chọn môn lịch sử sẽ ít có lợi thế. Nhưng đến khi vào học rồi, các em rất thích môn sử của ông. Ý kiến của ông về vấn đề này?
- Khi học lịch sử với tôi, sinh viên không cần phải học thuộc mà chỉ cần đặt câu hỏi. Câu hỏi đầu tiên luôn luôn là "Why (tại sao)?", "Tại sao xảy ra sự việc đó?", "Tại sao phải học bài học này?"… Em nào có câu hỏi thì giơ tay, tôi muốn được nghe bất kỳ câu hỏi nào lúc đó.
Tôi thường tổ chức cho sinh viên đi điền dã. Trước khi đi các em hỏi đi về có phải viết bài không, tôi trả lời tất nhiên đây là đi học, nhưng không nhất thiết phải viết bài, các em có thể làm podcast (chương trình phát thanh).
Vậy là các em hào hứng, dành nhiều thời gian để tìm hiểu, chụp ảnh, quay clip, phỏng vấn… Sản phẩm các em làm ra rất thú vị. Cách học của sinh viên ngày nay không giống như ngày xưa, và thầy nên tôn trọng điều đó. Nếu thầy cứ ép sinh viên học theo cách của thầy thì sẽ không thành công.
Tại sao sinh viên lại phải học môn lịch sử của ông?
- Đó chính là câu hỏi tôi đã suy nghĩ rất nhiều khi bắt đầu dạy lịch sử cho sinh viên ở VinUni. Sinh viên của tôi là những người được tuyển chọn để đào tạo thành bác sĩ, nhà kinh doanh, nhà kỹ thuật, nhà công nghệ… trong tương lai. Không có em nào sẽ trở thành nhà sử học cả. Vậy tại sao các em lại cần học môn lịch sử của tôi?
Tôi nói với sinh viên rằng tôi biết họ không định trở thành nhà sử học, thậm chí nhiều người vốn dĩ không thích học môn lịch sử, nhưng tôi đảm bảo một điều, nếu họ cố gắng hết sức mình trong quá trình học thì chắc chắn về sau họ sẽ thấy thời gian này hữu dụng.
Các sinh viên học để có năng lực tư duy lịch sử, là một năng lực sẽ được dùng đến trong tương lai, khi họ đi làm. Tư duy lịch sử là một năng lực mà có thể áp dụng trong bất kỳ lĩnh vực nào, ngành nào cũng đều có lịch sử của nó. Và khi người ta có tư duy lịch sử tốt thì người ta hiểu hiện tại hơn, từ đó giải quyết tốt hơn các vấn đề hiện tại từ chính các bài học đã từng có trong lịch sử.
Như trên ông đã nói, học lịch sử ở VinUni, sinh viên được mở rộng kiến thức lịch sử, cụ thể là như thế nào?
- Khi học lịch sử với tôi, các em sẽ được học về văn hóa, về con người. Tôi cho sinh viên đọc rất nhiều tác phẩm văn học, để các em được nhìn thấy lịch sử trong các tác phẩm đó. Người Việt Nam vẫn tự hào vì lịch sử Việt Nam rất phong phú. Tôi nói với sinh viên lịch sử Việt Nam phong phú hơn họ nghĩ vì Việt Nam có 54 dân tộc anh em, và lịch sử về mối quan hệ của 54 dân tộc này có nhiều điều rất thú vị. Sinh viên học xong mê lắm.
Là một "người ngoài" khi tiếp cận lịch sử Việt Nam, có lúc nào giữa thầy và trò có bất đồng không và ông giải quyết điều này thế nào?
- Đối với tôi, giờ học muốn sôi nổi thì phải có bất đồng. Tôi không thích cách trò phải phục tùng thầy. Tôi muốn thầy đóng vai trò người hướng dẫn, thầy không phải là vua nên lời của thầy không phải là mệnh lệnh. Đặc biệt với môn lịch sử, để đi đến nhận thức thì nên qua việc trao đổi. Khả năng sở hữu kiến thức của sinh viên sẽ thêm chắc chắn khi các em được trao đổi, tranh luận trong lớp.
Tôi vẫn nói với sinh viên, mỗi em khi bước chân vào lớp học đã có sẵn điểm A (điểm 10). Để bảo vệ điểm A đó các em phải "chiến đấu, chiến đấu, chiến đấu". Lịch sử là một khoa học, cách "chiến đấu" hiệu quả là dùng bằng chứng.