Trường đại học đào tạo nhiều ngành "trái tay", bình thường hay bất thường?
(Dân trí) - Trường đại học kinh tế đào tạo công nghệ, trường kỹ thuật dạy quản lý giáo dục, kinh tế, tâm lý, xã hội, trường y dược tuyển khối C, D... đặt vấn đề về sự bất thường hay không.
Mạnh tay với ngành "lạ"
Mùa tuyển sinh năm 2024, nhiều trường đại học danh tiếng trong các khối lĩnh vực đã mạnh mẽ "lấn sân" sang đào tạo mảng "lạ".
Đáng chú ý, khối ngành khoa học sức khỏe có chuyển biến khi hai "ông lớn" là Trường Đại học Y Hà Nội và Trường Đại học Y Dược TPHCM có xu hướng tuyển sinh mới.
PGS.TS Lê Đình Tùng, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Y Hà Nội, cho biết năm nay, trường tuyển khối C, D ở 2 ngành tâm lý học và y tế công cộng.
Theo ông Tùng, ngành tâm lý học thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và hành vi, có nhiều kiến thức liên quan đến các môn xã hội. Điểm mạnh của trường là chú trọng đến các lĩnh vực liên quan đến thực hành, thực tập, các vấn đề tâm lý học y học.
Các trường đại học đào tạo ngành này đều sử dụng tuyển sinh bằng các tổ hợp truyền thống, trong đó có C00 (văn, sử, địa) và D01 (toán, văn, tiếng Anh). Do đó, việc Trường Đại học Y Hà Nội xét tuyển khối C, D là hoàn toàn phù hợp.
Về lý do ngành y tế công cộng tuyển sinh thêm tổ hợp D01, ông Tùng lý giải sinh viên ngành này ra trường chủ yếu làm cho các tổ chức quốc tế, phi chính phủ, các dự án cần sử dụng tiếng Anh nhiều. Nhu cầu thực tế của nhà tuyển dụng là một trong những lý do khiến nhà trường mở rộng tổ hợp xét tuyển.
Ở phía Nam, lần đầu tiên Trường Đại học Y dược TPHCM sử dụng phương thức xét tuyển từ kết quả kỳ thi SAT (scholastic aptitude test), một kỳ thi được đánh giá là trọng tâm về kiến thức toán. Trong năm 2024, trường chỉ áp dụng cho 2 ngành là y khoa và răng-hàm-mặt, vốn ưu tiên tổ hợp B00 (lý, hóa, sinh).
Ngoài ra, xu hướng tới đây, trường này cũng mở thêm khối ngành kỹ thuật bên cạnh 14 ngành sức khỏe truyền thống.
Ở khối kinh tế, các trường cũng đẩy mạnh phát triển trong lĩnh vực công nghệ. Điển hình là Đại học Kinh tế quốc dân (NEU) mở 6 ngành mới, trong đó 5 ngành thuộc lĩnh vực máy tính và công nghệ thông tin, gồm khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, kỹ thuật phần mềm, hệ thống thông tin, an toàn thông tin. Ngoài ra, trường này còn mở thêm ngành quản trị giải trí và sự kiện.
Tương tự, Trường Đại học Ngoại thương (FTU) cũng dự kiến tuyển sinh ngành khoa học máy tính.
Từ năm ngoái, Đại học Kinh tế TPHCM (UEH) gây chú ý khi bắt đầu tuyển sinh, đào tạo ngành trí tuệ nhân tạo. Năm nay, trường mở thêm 2 chương trình đào tạo là arttech (công nghệ nghệ thuật) và điều khiển thông minh và tự động hóa.
Theo lý giải của lãnh đạo nhà trường, với cách tiếp cận đa ngành, liên ngành và xuyên ngành, kiến thức của một ngành học tại UEH được thiết kế giao thoa trong mối tương tác lĩnh vực đó với nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ, thiết kế ứng dụng.
Bên cạnh đó, với môi trường học tập, rèn luyện năng động, tạo điều kiện phát triển bản thân, sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể làm việc ở nhiều ngành/nhóm ngành khác nhau và có năng lực thích ứng nhanh chóng nghề nghiệp ở đa dạng lĩnh vực thay vì giới hạn trong một ngành nghề nhất định.
Ở khối ngành kỹ thuật, nhiều trường cũng chuyển sang dạy... khối xã hội, giáo dục. Trong đó, Đại học Bách khoa Hà Nội (HUST), ngôi trường nổi tiếng đào tạo kỹ thuật lại mở ngành quản lý giáo dục.
Ông Vũ Duy Hải, Trưởng Ban Tuyển sinh - Hướng nghiệp, Đại học Bách khoa Hà Nội, lý giải, ngành quản lý giáo dục được (HUST) đào tạo sẽ thiên về ứng dụng khoa học kỹ thuật vào giáo dục, chứ không phải ngành đào tạo về sư phạm như một số người nghĩ.
"Hiện nay, việc quản lý giáo dục bằng các công nghệ hiện đại là xu thế. Khi công nghệ số phát triển, nhu cầu về lĩnh vực này càng lớn, do đó đây là năm đầu tiên nhà trường mở ngành này", ông Hải nói.
Năm ngoái, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cũng đã bắt tay tuyển sinh khối xã hội với ngành luật và tâm lý học.
Phát triển quá nhanh sẽ bất ổn
Trước xu hướng này, nhiều câu hỏi đặt ra đây là hiện tượng bình thường hay bất thường?
TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Phó chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, cho rằng vừa bình thường, vừa bất thường.
Ông phân tích, trong xu hướng của giáo dục đại học từ xưa tới nay, có 2 trường phái. Trường phái đầu tiên là giáo dục nghề nghiệp, chuyên về 1 nghề càng sâu càng tốt, theo hướng "nhất nghệ tinh, nhất thân vinh", học gì ra trường sẽ làm công việc ấy.
Hướng phát triển khác là giáo dục đại học khai phóng, cung cấp cho người học hiểu biết rộng, liên ngành, trang bị những kiến thức cơ bản, có khả năng ứng xử với biến động xã hội. Do đó, mức độ hiểu biết sâu về 1 nghề sẽ giới hạn hơn, nhưng khi đổi nghề, thay đổi môi trường làm việc sẽ dễ dàng hơn vì đã được đào tạo rộng.
Ông đánh giá, xu hướng giáo dục khai phóng đang cực kỳ phát triển và được nhiều đại học lớn trên thế giới áp dụng.
Nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học nhận định việc đại học phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực là xu hướng tất yếu. Khi chuyển sang nền kinh tế nhiều thành phần, các trường muốn phát triển phải trở thành đa ngành, đa lĩnh vực.
Dẫu vậy, TS Lê Viết Khuyến bày tỏ để chuyển từ một cơ sở giáo dục đơn lĩnh vực sang đa lĩnh vực không phải dễ dàng.
Cách thứ nhất là hợp nhất các trường đại học đơn lĩnh vực thành đại học lớn, đa lĩnh vực. Cách phát triển này được đánh giá là nhanh và dễ nhất, song, sẽ khó khăn trong công tác tổ chức nhân sự, xây dựng nội bộ đoàn kết bởi được ghép từ những thành phần đơn lẻ.
Cách khác là từ một trường đơn lĩnh vực, phát triển thêm lĩnh vực khác thành đa lĩnh vực... đòi hỏi thời gian và sự nỗ lực nếu muốn phát triển thật sự bền vững.
"Để trở thành đại học đa lĩnh vực từ trường đơn lĩnh vực mà vẫn đảm bảo chất lượng, các trường đại học trên thế giới phải tốn từ vài chục năm đến cả trăm năm chứ không thể là "ngày một, ngày hai" được. Song, ở Việt Nam, quá trình này diễn ra quá nhanh", ông Khuyến nêu vấn đề.
Ông nói, đã là trường đa lĩnh vực thì lĩnh vực nào của trường cũng phải nổi tiếng, phải mạnh cả chứ không phải có ngành đầy đủ thương hiệu, uy tín như một ông già, nhưng có ngành lại chập chững như trẻ con.
"Xu hướng phát triển đa ngành, đa lĩnh vực ở các trường đại học có cái hay song cũng không ít cái dở. Cách chuyển mình quá nhanh như hiện nay dẫn tới khó trong đảm bảo, kiểm soát chất lượng và sự phát triển đồng bộ", TS Lê Viết Khuyến cảnh báo.
Ông cho rằng khi mở bất kỳ ngành đào tạo nào, các trường cần có sự chuẩn bị chu đáo về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất và các điều kiện khác. Đồng thời, Bộ GD&ĐT cần xem xét rất kỹ lưỡng, tổng quan về xu hướng này.
Ông thẳng thắn nêu ra xu hướng này có thể ảnh hưởng bởi yếu tố "thiếu lành mạnh" khi các trường tự chủ, buộc phải đảm bảo nguồn thu, dẫn đến muốn nhanh chóng tăng quy mô sinh viên, mục tiêu tuyển sinh được nhiều.
Lãnh đạo tại một trường đại học chuyên đào tạo về khối ngành kinh tế tại TPHCM cũng thừa nhận xu hướng này đang phát triển mạnh mẽ, song, cái gì nhanh cũng sẽ để lại những lỗ hổng. Ông cho rằng, các trường cần nghiêm túc nhìn nhận vấn đề, không "chạy đua" để trở thành đa ngành bằng mọi cách.