Trường đại học đang trở thành “con sen” của xã hội hậu hiện đại
(Dân trí) - Một xã hội công nghiệp và tiêu thụ hậu hiện đại đang tạo ra những trường đại học theo mô hình doanh nghiệp. Đó là những trường đại học đặt lợi ích kinh tế lên hàng đầu từ đó biến đổi mục tiêu đào tạo: phục vụ nhu cầu nhân lực của các công ty và nhu cầu tìm việc làm có thu nhập cao của người học. Trường đại học đang trở thành “con sen” của xã hội hậu hiện đại.
Xuất phát từ tư tưởng triết học “tự do và trách nhiệm” làm nên tự trị đại học, bài viết phân tích mô hình tự trị đại học phương Tây và tham chiếu với giáo dục đại học Việt Nam, nêu lên những thay đổi của trường đại học hôm nay như là chỉ dấu cho yêu cầu cần một cuộc cải tổ đại học lần nữa.
Tự trị đại học
Những tư tưởng về tự trị và điều kiện để tự trị đã ảnh hưởng đến lĩnh vực giáo dục đại học. Đó chính là sự hình thành mô hình tự trị đại học (university autonomy), mà ở Việt Nam thường gọi là tự chủ đại học.
Tự trị đại học là quyền của trường đại học trong việc quyết định sứ mệnh và chương trình hoạt động của mình cũng như cách thức thực hiện sứ mệnh và chương trình hoạt động đó.
Nội dung tự trị đại học bao hàm quyền tự trị của các trường đại học trên ba lĩnh vực cơ bản là học thuật, quản trị và tài chính.
Tự trị đại học đóng vai trò là điều kiện tiên quyết cho việc hình thành một nền đại học mạnh, thực hiện sứ mệnh cao cả của mình là những think tank mở đường cho sự cải cách và phát triển xã hội.
Phương Tây ngay từ thế kỷ 13, 14 đã xuất hiện tư tưởng về tự trị đại học. Hiến chương thành lập Đại học Vienna năm 1365 đã đưa ra tư tưởng về “universitas” (đại học) với hai bộ phận: 1. Tính phổ quát: nghiên cứu và giảng dạy tri thức trong tính phổ quát của nó; 2. Tính tự do: hình thành một cộng đồng khoa học thầy – trò mà trong đó tôn trọng tự do đối thoại.
Theo Kant (Immanuel Kant (1724-1804), nhà triết học Đức), nhiệm vụ của trường đại học là đào tạo những chủ thể cộng hoà: những người có khả năng sử dụng lý trí một cách tự do, đồng thời có tinh thần công dân trong quan hệ với nhà nước. Chính những người này, trong khi làm tốt nghĩa vụ của mình, thông qua tự do tư tưởng, đem đến những điều chỉnh tiến bộ cho xã hội. Mô hình ấy của Kant đã góp phần giải quyết được hai mục tiêu của trường đại học: vừa đáp ứng yêu cầu của nhà nước, vừa khai phóng tư tưởng.
Mở đầu cho tự trị đại học chính là mô hình đại học của Humboldt, sau này đã trở thành phong trào trong các trường đại học hiện đại ở phương Tây.
“Lý tưởng đại học” Humboldt (Wilhelm von Humboldt (1767-1835) nhà giáo dục,nhà ngôn ngữ học người Đức, người sáng lập ĐH Humboldt tại Berlin) là sự kết hợp của ba yếu tố: tư tưởng đại học thời trung cổ, tư tưởng dân chủ xã hội thời Khai sáng, yêu cầu của xã hội hiện đại; từ đó đưa ra hai tư tưởng chủ đạo và hai điều kiện cần.
Hai tư tưởng chủ đạo: cá nhân tự trị và tinh thần công dân thế giới.
- Cá nhân tự trị: trường đại học phải là nơi đào tạo ra những cá nhân tự trị–những người biết tự quyết và biết sử dụng lý trí của mình trên cơ sở tri thức phổ quát và toàn diện mà linh hồn của nó là tư tưởng nhân bản; để những tri thức ấy thực sự là tinh túy thì chúng phải được tiếp tục nghiên cứu, xem xét và phê phán; để tinh thần phê phán được duy trì hiệu quả thì cần có sự tự trị.
- Tinh thần công dân thế giới: trường đại học phải là nơi tạo ra mối dây liên kết những cá nhân tự trị, độc lập với nguồn gốc và trình độ văn hoá, kinh nghiệm xã hội, biết quan tâm đến những vấn đề toàn nhân loại như nỗ lực cho hoà bình và công lý, sự đối thoại văn hoá đa dạng, sự bình đẳng giới và bảo vệ môi trường; văn hóa là sợi dây liên kết giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, làm nên bản sắc của một quốc gia và đưa con người tới tự do.
Hai điều kiện cần: tự do học thuật và kết hợp nghiên cứu với giảng dạy.
- Tự do học thuật: tự do học thuật, tự do khoa học là sự phát triển tự thân và loại trừ mọi sự can thiệp từ bên ngoài, từ đó mới có điều kiện đưa ra những giả thuyết khác nhau với tư cách là tiền đề sản sinh tri thức mới;sự tự do này biểu hiện ở sự độc lập về kinh tế, quản trị, giảng dạy và nghiên cứu.
- Kết hợp nghiên cứu với giảng dạy: hướng đến sự thống nhất của tri thức và thực tiễn, nghiên cứu bổ trợ cho giảng dạy và giảng dạy trên cơ sở nghiên cứu, tạo nên tri thức mới có tác dụng thúc đẩy tiến bộ, người thầy đóng vai trò chủ đạo, là linh hồn của quá trình nghiên cứu và giảng dạy.
Tự trị về học thuật mới làm nên sức mạnh và vai trò của trường đại học
Trong khi đó, các trường đại học ở Việt Nam, ngay từ thời thuộc Pháp, đặc biệt là sau năm 1945, đều mang dấu ấn sâu sắc của nhà nước: nhà nước lập quy hoạch các trường, thành lập trường, quản lý nhân sự trường, hoạch định mục tiêu và xây dựng chương trình đào tạo, tổ chức tuyển sinh, phê duyệt và cấp kinh phí hoạt động từ nguồn ngân sách. Kể cả sau này xuất hiện các trường dân lập, tư thục, một số trường công lập được tự chủ về tài chính, thì vẫn phải tuân thủ về mặt học thuật, nhân sự và một phần các quy định tài chính của nhà nước.
Trong bối cảnh và cơ chế đó, vấn đề tự trị đại học ở Việt Nam không hề đơn giản, vì nó vừa liên quan đến sự cải tổ tương đối khó khăn hệ thống quản lý hành chính, vừa liên quan đến vấn đề quyền lực và lợi ích cục bộ.
Do đó cải cách giáo dục đại học Việt Nam là một quá trình lâu dài và liên tục mà trọng tâm là cải cách mô hình quản trị đại học hướng tới tự trị đại học.
Về mặt điều kiện, để hình thành nền đại học tự trị cần phải có khung pháp lý để từ đó thiết kế quy tắc quản lý nhà nước và quản trị nội bộ trường đại học.
Về mặt nội dung, nói đến tự trị đại học ở Việt Nam, nhiều khi người ta chỉ nói đến vấn đề tự trị về tài chính và quản trị, trong khi tự trị về học thuật mới thật sự làm nên sức mạnh và vai trò của trường đại học. Tự do học thuật là yếu tố quyết định thành công của một trường đại học, vì chính nó tạo nên sự sáng tạo tri thức thay vì sao chép tri thức, từ đó tạo nên nguồn nhân lực ưu tú cho đất nước.
Với một dân tộc hiếu học như Việt Nam, tự trị đại học còn là một phương thức mở rộng cánh cửa học tập cho mọi người theo các tiêu chuẩn nhập học và tốt nghiệp của trường đại học đề ra.
Từ tự trị đại học, Việt Nam mới có thể tạo nên được những tên tuổi đại học khu vực và quốc tế trên nền tảng danh dự, trách nhiệm, minh bạch. Một minh chứng là Đại học Quốc gia Hà Nội do được trao quyền tự chủ mà đã đạt được những thành tựu vượt bậc, trở thành cơ sở giáo dục đại học giữ vị trí số 1 ở Việt Nam, thuộc top 200 châu Á và top 5% thế giới.
Tự trị đại học sẽ buộc các trường đại học gắn liền với thực tiễn thay vì xa rời như hiện nay, đào tạo theo nhu cầu của xã hội, của nền kinh tế, thường xuyên cập nhật tri thức mới để trở thành môi trường học thuật dẫn dắt.
Lúc đó, nhà nước sẽ được giảm bớt gánh nặng truyền thống để chuyển thành cơ quan quản lý trên các lĩnh vực về quy hoạch đào tạo, hỗ trợ chính sách và giám sát chương trình, chất lượng đào tạo.
Người thầy dần trở thành người làm thuê cho nhà quản lý giáo dục
Xã hội công nghiệp thời kỳ hậu hiện đại đang dần phủ nhận những tư tưởng cốt lõi của thời kỳ hiện đại là tính phổ quát, lý trí, văn hóa và chủ thể, thay vào đó là đề cao sức mạnh của khoa học công nghệ và quyền lực kinh tế chính trị. Xã hội ấy đang làm thay đổi sâu sắc tính chất của các trường đại học hiện đại.
Một xã hội công nghiệp và tiêu thụ hậu hiện đại đang tạo ra những trường đại học theo mô hình doanh nghiệp. Đó là những trường đại học đặt lợi ích kinh tế lên hàng đầu từ đó biến đổi mục tiêu đào tạo: phục vụ nhu cầu nhân lực của các công ty và nhu cầu tìm việc làm có thu nhập cao của người học. Trường đại học đang trở thành “con sen” của xã hội hậu hiện đại.
Các trường đại học đang dần rời bỏ vai trò think tank của mình để đến với thị trường và phục vụ khách hàng. Doanh nghiệp nhìn trường đại học như là nơi cung cấp thợ lành nghề, người học lựa chọn trường đại học với tiêu chí việc làm và lương cao, dẫn tới nguồn nhân lực được phân bố không hợp lý: một số khu vực đem lại nhiều lợi ích thu hút nhiều sinh viên và sinh viên giỏi hơn những khu vực khác.
Trầm trọng hơn, vai trò của người thầy giảm sút cùng với sự gia tăng quyền lực của nhà quản lý giáo dục và sinh viên: người thầy không còn là trí thức và linh hồn của trường đại học mà trở thành người làm thuê cho nhà quản lý giáo dục, sinh viên trở thành khách hàng được phục vụ dưới khẩu hiệu “người học là trung tâm” – khác với mô hình đại học Humboldt “người thầy là trung tâm”.
Cùng với quá trình doanh nghiệp hóa trường đại học là sự suy giảm vị thế của các môn khoa học xã hội và nhân văn, vì chúng – dù rất cần cho xã hội nhưng dường như không trực tiếp phục vụ cho sự thịnh vượng kinh tế của quốc gia cũng như của người học và bản thân các trường, do đó các ngành đào tạo thuộc lĩnh vực này bị co hẹp dần, và các trường cũng không chú trọng đầu tư có chiều sâu nữa.
Con người cần giáo dục khai phóng
Theo Adler (Mortimer Jerome Adler (1902-2001), nhà triết học, nhà giáo dục người Mỹ), trường đại học không chỉ đào tạo ra những con người biết làm việc một cách lành nghề, mà còn phải đào tạo ra những con người có phẩm chất đạo đức và trí tuệ phê phán, và sự phát triển các phẩm chất trí tuệ là nhiệm vụ của nền giáo dục khai phóng, cả trong và ngoài nhà trường.
Dewey (John Dewey (1859-1952), nhà triết học nhà tâm lý học, nhà cải cách giáo dục người Mỹ. Một trong những người sáng lập triết học thực dụng và tâm lý học chức năng)nhận xét: nếu chỉ đào tạo ngành nghề thôi thì sẽ chỉ tạo ra những người máy nô lệ, những bánh răng trong cỗ máy công nghiệp. Vì thế, con người cần giáo dục khai phóng để có thể sử dụng quyền tự do của mình.
Một nền đại học tự trị và khai phóng là kết quả trực tiếp từ những tư tưởng về tự do và tự trị. Tự trị đại học sẽ tạo nên những think tank góp phần mở đường cho tiến bộ xã hội. Sự khai phóng sẽ tạo nên những công dân tự do, sáng tạo và mang tinh thần trách nhiệm. Nếu chỉ chú trọng giáo dục nghề nghiệp, thì chỉ có thể đào tạo ra những người máy biết làm việc thuần thục trong một lĩnh vực vì lợi ích kinh tế, và đó chỉ có thể là một nền giáo dục bóp méo tính người.
TS. Võ Minh Tuấn
* Tít bài do Tòa soạn đặt