TPHCM:

Trường có 34 trẻ và GV bị tay chân miệng, phụ huynh rào rào cho con nghỉ

Hoài Nam

(Dân trí) - Tại quận 11, TP.HCM, ghi nhận từ đầu tháng đến thời điểm này có khoảng 50 trẻ mắc tay chân miệng. Trong đó, trường đông nhất với 33 trẻ và 1 giáo viên mắc bệnh.

Trao đổi với Dân trí trưa ngày 14/3, cô Nguyễn Ngọc Phượng, Hiệu trưởng Trường mầm non 10, Q.11, TP.HCM cho biết, đến thời điểm này, tại trường ghi nhận 33 trẻ và 1 giáo viên bị tay chân miệng. 

Ca đầu tiên nhà trường phát hiện là vào ngày 31/3 ở lớp cơm nát. Nay tăng lên 5 lớp có trẻ bị mắc bệnh. 

Trường có 34 trẻ và GV bị tay chân miệng, phụ huynh rào rào cho con nghỉ  - 1

Trường mầm non 10, Q.11, TP.HCM đến thời điểm này có 33 trẻ và 1 giáo viên mắc tay chân miệng 

Trường đang liên tục phối hợp với các cơ quan y tế, phòng GD&ĐT quận kiểm soát bệnh. Tất cả trẻ được kiểm tra ngay trước khi vào lớp ở tất cả các cổng, công tác vệ sinh trường lớp được thực hiện.

Ông Phan Trí Dũng, chuyên viên Phòng GD&ĐT Q.11 thông tin, tính từ đầu tháng đến nay, địa bàn ghi nhận khoảng 50 trẻ mắc tay chân miệng. 

Trường ghi nhận có số trẻ mắc nhiều nhất là Trường mầm non 10 rồi đến Trường mầm non quận 11 em 10 em, Trường mầm non 16 là 6 ca, Trường mầm non 5 là 2 ca... 

Trường có 34 trẻ và GV bị tay chân miệng, phụ huynh rào rào cho con nghỉ  - 2

Kiểm tra, tầm soát học sinh trước dịch bệnh tay chân miệng tại Trường mầm non 10, Q.11, TP.HCM

Ông Dũng cho hay, trước đây nếu lớp có vài ca bệnh là đóng cửa nhưng hiện nay quận chưa thực hiện việc đóng cửa trường lớp. Các trường vẫn đang thực hiện việc kiểm soát, thực hiện các biện pháp phòng ngừa theo hướng dẫn của ngành y tế. 

Tại huyện Bình Chánh, số ca bệnh tay chân miệng trong trường học cũng liên tục tăng cao trong những ngày gần đây. 

Theo đại diện Phòng GD&ĐT huyện, đến nay hơn 20 trẻ mắc tay chân miệng trong trường mầm non được phát hiện mắc bệnh, còn bên ngoài trường còn nhiều hơn. Đặc biệt, có trường hợp một lớp 3 - 4 em nên trường cho cả lớp nghỉ học vài ngày để làm công tác phòng bệnh. 

Cho con nghỉ học vì sợ lây bệnh 

Cô Nguyễn Ngọc Phượng cho biết, các cơ quan y tế cùng trường đang thực hiện giám sát tình hình dịch bệnh tay chân miệng, trường không tiến hành đóng cửa trường, lớp. 

Tuy nhiên, rất nhiều phụ huynh đã chủ động cho con nghỉ học ở nhà để phòng bệnh, giữ an toàn. Sĩ số của trường đến nay giảm một nửa, chỉ khoảng 50% trẻ đến trường. 

Trường có 34 trẻ và GV bị tay chân miệng, phụ huynh rào rào cho con nghỉ  - 3

Cuối tuần rồi, chị Nguyễn Thị Nhung, có con học tại một trường mầm non ở Bình Tân, TP.HCM nghe thông tin lớp của con mình có trường hợp bị tay chân miệng, ở trường cũng đã có nhiều học sinh mắc bệnh. Lo lắng, chị Nhung đã cho con gái nghỉ học, nhờ ông bà trông, chờ tình hình lắng xuống mới tính cho con đi học trở lại. 

"Bé nhà tôi sức đề kháng kém, nếu bị vừa nguy hiểm mà nếu phải vào viện nữa thì cả nhà sẽ càng đuối hơn. Nên trước mắt, tôi cho con ở nhà một thời gian để theo dõi thêm", người mẹ cho biết. 

Hiệu trưởng một trường mầm non Q. Bình Tân, địa bàn có nhiều ca bệnh tay chân miệng trong trường học cho biết, những ngày qua, từ quản lý đến nhân viên, giáo viên ở trường đứng ngồi không yên sau khi trường có trường hợp trẻ mắc bệnh.

Quản lý thì liên tục theo dõi, ghi nhận, liên lạc với phụ huynh, nắm tình hình học sinh nghỉ học, xác minh vì sao nghỉ. Còn giáo viên thì liên tục kiểm tra, theo dõi trẻ, làm công tác vệ sinh. Còn phụ huynh họ cũng rất lo lắng, nhiều người đã cho con tạm nghỉ ở nhà.

Trường có 34 trẻ và GV bị tay chân miệng, phụ huynh rào rào cho con nghỉ  - 4

Khuyến cáo của ngành Y tế TP.HCM, bệnh tay chân miệng đang tăng nhanh ở mức báo động trong giai đoạn thời tiết chuyển mùa. Các trường học cần tuân thủ thực hiện hoạt động kiểm soát bệnh truyền nhiễm trong trường học. 

Đặc biệt, nhà trường cần theo dõi giám sát phát hiện sớm trẻ bệnh để cách ly kịp thời thông qua hoạt động điểm danh, ghi nhận những trường hợp nghỉ vì bệnh mỗi ngày. Bên cạnh đó nhà trường cũng cần đề nghị phụ huynh thông báo rõ lý do nếu con em mình nghỉ học. Phụ huynh khi có con mắc bệnh cần chủ động cho trẻ nghỉ học, thông tin đến nhà trường lý do trẻ nghỉ học. 

Chú ý khi chăm sóc trẻ bị tay chân miệng tại nhà 

BSCKII Dư Tấn Quy- Phó Trưởng khoa Nhiễm- Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho hay, bệnh tay chân miệng hiện nay chưa có thuốc đặc trị và chưa có vắc xin phòng bệnh.

Trường có 34 trẻ và GV bị tay chân miệng, phụ huynh rào rào cho con nghỉ  - 5

Trẻ mắc tay chân miệng được điều trị tại bệnh viện (Ảnh: Vân Sơn)

Với trường hợp mắc bệnh nhẹ, có thể điều trị tại nhà theo hướng dẫn của thầy thuốc. Điều trị chủ yếu cho trẻ dùng các loại thuốc hạ sốt, giảm đau, đủ bù nước nếu có biểu hiện sốt cao. 

Thời gian này, bệnh nhi cần ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, đồ ăn lỏng, dễ tiêu; vệ sinh miệng thường xuyên bằng các dung dịch sát khuẩn, bôi các dung dịch sát khuẩn ngoài da tránh bội nhiễm. 

Gia đình chú ý cách ly trẻ, cho trẻ nghỉ học 7 - 10 ngày để tránh lây lan giữa các trẻ trong gia đình, trường lớp, cộng đồng; làm kỹ vệ sinh quần áo, đồ dùng của trẻ. 

Theo dõi kỹ các dấu hiệu nặng của trẻ, nhập viện ngay khi có các triệu chứng: Sốt cao trên 39 độ C, giật mình liên tục; đi đứng loạng choạng, rung chi, đảo mắt; nôn nói nhiều, khó thở; quấy khóc, bứt rứt, co giật. Hay các khi có biến chứng viêm não, màng não, viêm cơ tim, viêm phổi.