Trưởng Ban Dân vận Trung ương làm việc với Hội Khuyến học Việt Nam
(Dân trí) - Chiều ngày 7/6, đồng chí Trương Thị Mai, Bí thư TƯ Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận TƯ cùng Đoàn kiểm tra thực hiện kết luận số 102-KL/TW của Bộ Chính trị về Hội quần chúng đã đến thăm và làm việc với TƯ Hội khuyến học Việt Nam.
Đi cùng đoàn có ông Nguyễn Phước Lộc, Phó Trưởng ban Dân vận, Phó Trưởng Ban chỉ đạo sơ kết thực hiện kết luận 102-KL/TW cùng các cán bộ, chuyên viên cao cấp.
Đề xuất, không sát nhập Hội Khuyến học với các tổ chức xã hội khác
Tại buổi làm việc, GS.TS Phạm Tất Dong, Tổng Thư ký kiêm Phó Chủ tịch Hội Khuyến Học Việt Nam(HKH VN) đã báo cáo ngắn gọn công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng cả nước trở thành xã hội học tập trong 20 năm qua, tính đến hết năm 2018 cả nước có hơn 18,5 triệu hội viên đang sinh hoạt tại 63 Hội Khuyến học cấp tỉnh và hơn 300.000 chi hội địa phương các cấp.
Mạng lưới hội viên đã phát triển rộng khắp cả nước gắn với các nhiệm vụ khuyến học tiêu biểu như: xây dựng gia đình học tập; dòng họ học tập; cộng đồng, đơn vị học tập; xây dựng quỹ khuyến học và phát triển hội viên mạnh mẽ… thực sự trở thành phong trào lớn đi sâu vào trong quần chúng nhân dân.
Hội đã hoàn thành nhiệm vụ và báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 11-CT/TƯ của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác khuyến học, khuyến tài, xã hội học tập trên cả nước. Tham gia các đoàn kiểm tra, đánh giá, sơ kết việc thực hiện Quyết định 89/QĐ-TTg; Quyết định 281/QĐ-TTg; Quyết định 971/QĐ-TTg…của các địa phương.
Phát biểu tại buổi làm việc, GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đưa ra một số kiến nghị mong Chính phủ tiếp tục chỉ đạo nhất là việc thực hiện Quyết định 281/QĐ-TTg về xây dựng xã hội học tập từ TƯ đến địa phương.
Đồng thời, sớm bổ sung Luật giáo dục trong đó cần có điều khoản về học tập suốt đời nhằm đưa giáo dục người lớn phát triển mạnh mẽ và thực sự hiệu quả hơn nữa.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền và quán triệt chủ trương của Đảng về học tập suốt đời, học tập thường xuyên của người lớn trong các cấp ủy, trong cơ quan, đơn vị từ trung ương đến cơ sở.
Đặc biệt, GS Doan nhấn mạnh đề xuất, không sát nhập Hội Khuyến học với các tổ chức xã hội khác, do không cùng tôn chỉ mục đích hoạt động. Đơn cử, tại một số địa phương cấp xã, phường vội vàng sát nhập, kéo theo nhiều khó khăn bất cập, gây ra tình trạng chán nản và dẫn đến giải tán tổ chức hội khuyến học cơ sở. Điều này cực kì cấp bách và cần nghiêm túc xem xét lại.
Tăng cường vị thế Hội Khuyến học
Tại buổi làm việc, Trưởng Ban Dân vận TƯ Trương Thị Mai đã ghi nhận, biểu dương và đánh giá kết quả hoạt động của Hội trong phong trào khuyến học, khuyến tài, đẩy mạnh sự học toàn dân, học ở mọi lứa tuổi trên cả nước trong suốt 20 năm qua.
Bà Mai cho rằng, Hội Khuyến học là hội đặc thù, thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm lớn được giao phó: tập hợp đoàn kết phát triển hội viên; bảo vệ lợi ích và quyền lợi của hội viên; là cầu nối các chính sách giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân với 2 kết quả nổi bật được ghi nhận:
Thứ nhất, trong 20 năm qua, HKH VN đã cơ bản xây dựng được một mô hình xã hội học tập đúng theo chuẩn của UNESCO khuyến khích; định hình được các công tác, hướng đi cụ thể trong việc đưa tri thức đến với quần chúng nhân dân lao động ngoài môi trường lớp học. Điều đó làm thay đổi lớn bộ mặt công tác giáo dục nói chung và khuyến học, khuyến tài nước nhà nói riêng.
Thứ hai, các mô hình phong trào Hội cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu, nhu cầu tìm hiểu và tích lũy kiến thức của từng người dân trong nhiều điều kiện kinh tế khác nhau.
Để thực hiện được thành công đó, phải kể đến sự nhiệt huyết từ chi hội khuyến học các cấp dưới sự chỉ đạo của TƯ Hội đã đóng góp to lớn vào việc khuyến khích, hỗ trợ phong trào học tập, tìm hiểu kiến thức mới. Bằng nhiều hình thức tự học thành tài, mô hình học tập đã giúp nhân dân vùng khó khăn thực sự thoát nghèo, có công ăn việc làm ổn định…
Bà Trương Thị Mai chia sẻ, dù công tác còn nhiều khó khăn trong khâu tổ chức nhưng Hội luôn bám sát các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, đi đúng tôn chỉ mục đích và phương hướng hành động trong thời gian qua, phù hợp với ý chí và định hướng của Bộ Chính trị, Ban Bí thư tin tưởng giao phó.
Các vấn đề xây dựng xã hội học tập ở người lớn dù chưa được rõ ràng trong Luật nhưng đã phần nào được lồng ghép trong điều mục về giáo dục thường xuyên của Luật Giáo dục sửa đổi mới đây; nên các cấp Hội, cán bộ hội viên hoàn toàn yên tâm về các công tác tổ chức, phân luồng, cơ chế lương, trợ cấp cho hoạt động…
Đặc biệt, Trưởng ban Dân vận TƯ Trương Thị Mai nhấn mạnh, căn cứ kết luận 49-KL/TW của Ban Bí thư vừa ban hành 5/2019 về tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW của Bộ Chính trị, đề nghị Hội cần nghiên cứu, xem xét lại các kết quả đã được ghi nhận, từ đó đề xuất xây dựng nhiệm vụ mới với tầm nhìn 10 năm, 20 năm nhằm tiếp tục triển khai Chỉ thị của Đảng đến gần hơn nữa với quần chúng nhân dân.
Đoàn kiểm tra sẽ trình ý kiến với Ban Bí thư là Hội nên có tổ chức đảng đoàn độc lập, từ đó thành lập Đảng bộ Hội Khuyến học và có các chi bộ trực thuộc gắn với sự lãnh đạo cụ thể trong đổi mới các phong trào học tập địa phương.
Trưởng ban Dân vận TƯ cũng khuyến khích Hội nên chủ động rà soát, quan tâm hơn các vấn đề liên quan tới giáo dục ở người lớn nằm trong khối dịch vụ hành chính Nhà nước. Điều này, giúp Hội thực hiện được kỳ vọng là đơn vị tổ chức chính trị- xã hội có vai trò giám sát, phản biện; vừa khẳng định vị thế Hội, vừa tăng tính minh bạch, phục vụ nhân dân cho nền hành chính công.
Hà Cường