Trung tâm học tập cộng đồng và sáng kiến tiết kiệm hàng trăm tỷ

(Dân trí) - Hiện có 9 tỉnh đã bố trí giáo viên biệt phái làm việc tại 100% Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) tại địa phương. Trong khi đó, nhiều tỉnh số giáo viên được điều động đến rất thấp. Vì thế cần có thông tư liên tịch giữa Bộ GD&ĐT cùng Bộ Nội vụ để bố trí cán bộ chuyên trách.

Một số giáo sư và chuyên gia đầu ngành của Hội Khuyến học Việt Nam đã chia sẻ ý kiến tại hội thảo “Đánh giá hiệu quả biệt phái giáo viên làm việc tại TTHTCĐ”, do Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức tại Hà Nội ngày 20/1.

Quang cảnh buổi hội thảo.
Quang cảnh buổi hội thảo.

Cần thông tư liên tịch giữa Bộ GD&ĐT cùng Bộ Nội vụ

Năm 2010, cả nước có có hơn 9.990 TTHTCĐ (so với 78 TT vào năm 2000). Tuy nhiên, do phát triển quá nhanh chóng, số trung tâm hoạt động hiệu quả chỉ chiếm khoảng 30%. Trong rất nhiều nguyên nhân, một lý do cơ bản sau khi khảo sát và tìm hiểu là do Ban Giám đốc của TT này đều hoạt động kiêm nhiệm.

Để khắc phục tình trạng trên, ngày 30/12/2010, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 40/2010, quyết định bố trí giáo viên tiểu học hoặc THCS làm việc tại trung tâm này, sau khi có sự đồng  ý của địa phương. Đây là bước chuyển biến quan trọng để các TTHTCĐ phát triển và nâng cao năng lực hoạt động của mình.

Nhờ đó, đến năm 2015, trong hơn 10.000 TTHTCĐ ở cả nước, có trên 50% giáo viên đã được biệt phái đến làm việc như một cán bộ chuyên trách.

Theo ông Nguyễn Xuân Phương, Phó Ban Phong trào Hội Khuyến học Việt Nam, qua khảo sát tại 43 tỉnh trên cả nước, có 9 tỉnh đã bố trí giáo viên biệt phái làm việc tại 100% TTHTCĐ tại địa phương. Trong khi đó, nhiều tỉnh số giáo viên được điều động đến rất thấp.

Nguyên nhân do một số địa phương chưa quan tâm nên chưa đầu tư đúng mực cho sự phát triển của TTHTCĐ. Một số địa phương còn thiếu giáo viên nên không có nguồn để điều động. Ngoài ra, một số địa phương cho rằng, do Thông tư 40 chưa mang tính bắt buộc nên các địa phương khó thực hiện.

Vì thế, mong muốn của các địa phương thể hiện trong phiếu khảo sát mà Hội Khuyến học thực hiện, trên cơ sở tầm quan trọng của TTHTCĐ, cần có thông tư liên tịch giữa Bộ GD&ĐT cùng Bộ Nội vụ để chính thức cho phép bố trí một cán bộ chuyên trách làm việc tại TTHTCĐ.

Lớp học tại điểm trường bản Pảng, xã Chiềng Đen, thành phố Sơn La phải học nhờ trong CLB Khuyến nông. 
Lớp học tại điểm trường bản Pảng, xã Chiềng Đen, thành phố Sơn La phải học nhờ trong CLB Khuyến nông. 

Sáng kiến tiết kiệm hàng trăm tỉ

Trong khi nhiều tỉnh có kết quả biệt phái rất thấp, có 9 tỉnh đã bố trí được 100% giáo viên đến làm việc tại TTHTCĐ. Ở miền Bắc, sở dĩ Thanh Hóa và Hòa Bình làm tốt công tác biệt phái là do Hội Khuyến học và Sở GD&ĐT làm tốt công tác tham mưu đề xuất nên được UBND tỉnh ủng hộ.

Ở miền Nam, tại 7 tỉnh đã có giáo viên đến làm việc tại 100% TTHTCĐ là do các tỉnh này đã sáp nhập TTHTCĐ với với TT Văn hóa, thành TT Văn hóa Học tập Cộng đồng nên đã tạo điều kiện bố trí được một giáo viên chuyên trách làm việc.

Ông Phạm Thanh Phong, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Long An cho biết, trước khi chưa có cán bộ chuyên trách, TTHTCĐ hoang vu, nhếch nhác vì rác rưởi. Việc tổ chức hoạt động của TTHTCĐ ngày càng khó khăn do không có cơ sở vật chất, kinh phí và đội ngũ quản lý…

Từ năm 2008, một số địa phương trong tỉnh được ngành Văn hóa đầu tư xây dựng TT Văn hóa Thể thao. Xét thấy nội dung hoạt động của hai TT có nhiều điểm tương đồng nên đã sáp nhập hai TT thành TT Văn hóa - học tập cộng đồng.

“Từ khi có một đồng chí biệt phái đến ở tại đây, TTHTCĐ đã được chăm lo rất tốt. Sau hai năm thực hiện việc sáp nhập, chúng tôi nhận thấy đây là xu thế tất yếu và thu hút nửa triệu lượt người tham gia các chuyên đề khuyến nông, khuyến ngư; Dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn với trên 13.000 lượt người tham gia...

Đồng thời, tận dụng hết công năng của cơ sở vật chất, tránh lãng phí khi xây dựng cả hai trung tâm Văn hóa và TTHTCĐ. Tính riêng Long An có 192 xã phường, thị trấn, nếu xây dựng mỗi nơi một Trung tâm thì tiết kiệm trên 700 tỉ đồng. Cả nước có hơn 11.000 xã, nếu tính ra, việc sáp nhập này sẽ tiết kiệm khoảng 40.000 tỷ đồng cho việc xây dựng”, ông Phong cho biết.

Cũng tại hội thảo, ông Nguyễn Đức Hải, Trưởng ban phong trào và Tuyên truyền - Chánh Văn phòng Hội Khuyến học tỉnh Hòa Bình cho hay, năm 2008, tỉnh đã có 100% TTHTCĐ có giáo viên được biệt phái.

Sau khi điều động giáo viên sang, Sở GD&ĐT đã phối hợp với Hội Khuyến học tỉnh xây dựng kế hoạch tập huấn nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ thường trực TTHTCĐ.

Hàng năm, Sở GD&ĐT tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ với nhiều nội dung đa dạng như: Phương pháp dạy học chuyên đề, dạy học người lớn, tổ chức hoạt động vui chơi ở trung tâm… Sở GD&ĐT đã tổ chức tổng hợp , biên soạn và cung cấp tài liệu cho các TTHTCĐ, tổ chức hội thảo, thi giáo viên giỏi… nhằm góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng nhiệm vụ được giao.

Chính vì vậy, TTHTCĐ ở địa phương này đã thu hút được nhiều người tham gia. Thậm chí, có những hội thảo chuyên đề… lên đến hàng trăm người.

Tại Thanh Hóa, 100% TTHTCĐ cũng đã được biệt phái giáo viên sang thường trực. Theo đại diện của tỉnh này, đây là một trong những địa phương xây dựng nhiều hoạt động bổ ích cho bà con từ TT học tập cộng đồng, kết hợp với các trường thực hiện công tác xóa mù và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ, vận động học sinh thất học ra lớp phổ cập để củng cố vững chắc chất lượng giáo dục.

Mỹ Hà

(Email:myha@dantri.com.vn)