Trung Quốc: Nan giải bài toán du học sớm
Theo số liệu của Bộ Giáo dục Trung Quốc, hơn 700.000 trẻ em du học nước ngoài vào năm 2019, tăng 6% so với năm 2018.
Trong đó, nhiều em mới chỉ 10 tuổi. Con số này dự kiến sẽ tăng trong những năm tới, làm dấy lên lo ngại từ Chính phủ Trung Quốc.
Tháng 1/2021, Bộ Giáo dục Trung Quốc cho biết sẽ xây dựng "cơ chế mới nhằm thu hút trẻ vị thành niên duy trì học tập trong nước" vì một số em còn quá nhỏ để xa gia đình đi du học.
Tuy nhiên, cha mẹ của Mingming, 12 tuổi, sống tại thành phố Thượng Hải, không tán thành với kế hoạch mới của Bộ Giáo dục. Mingming chuẩn bị chia tay gia đình, chuyển đến học tại một trường phổ thông nội trú ở Washington DC.
Bố mẹ Mingming tin rằng nếu con trai học trung học tại Mỹ, em sẽ vượt qua kỳ thi chuyển cấp và giành suất vào một trường đại học hàng đầu. Mẹ của Mingming nhận xét: "Chất lượng giáo dục tại Trung Quốc không kém nhưng đối với những đứa trẻ, nó quá khó. Tôi biết rằng để vào đại học có rất nhiều cách nhưng tôi hy vọng con đường của con trai không quá hạn hẹp".
Kết quả khảo sát năm 2016 của một công ty nghiên cứu ở Thượng Hải cho thấy hơn 80% triệu phú Trung Quốc đang có kế hoạch cho con cái du học. Bất chấp sự bùng phát của đại dịch Covid-19 vào năm 2020, số học sinh từ lớp 7 - 12 tại Trung Quốc tham gia các khóa học và kỳ thi phục vụ mục đích du học vẫn tăng.
Các chuyên gia giáo dục cho rằng áp lực học tập căng thẳng tại quê nhà là một trong những lý do khiến phụ huynh gửi con đi học nước ngoài. Trong đó, kỳ thi đại học quốc gia Gaokao, cơ hội giành suất vào các trường đại học Trung Quốc, được đánh giá là khốc liệt nhất nhì thế giới.
Chu Zhaohui, Nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Khoa học Giáo dục quốc gia, cho biết nhiều gia đình giàu có tin rằng bằng cấp quốc tế sẽ mang lại triển vọng nghề nghiệp tốt hơn cho con cái khi các em trở về Trung Quốc. Số khác nhận định hệ thống giáo dục nghiêm ngặt của Trung Quốc khiến trẻ em gần như không thể phát triển các sở thích cá nhân, ví dụ như thể thao.
Jia Jia, có con trai Yangyang du học Australia từ năm lớp 7, cho biết ban đầu, gia đình dự định cho con du học từ bậc đại học. Tuy nhiên, họ đẩy nhanh kế hoạch tại cấp THCS khi nhận thấy Yangyang không có thời gian chơi thể thao do phải làm quá nhiều bài tập về nhà.
Trước đó, tại trường tiểu học, Yangyang được nhận xét là học tập tốt, yêu thích bóng đá, bơi lội nhưng em không thể tận hưởng đam mê dưới áp lực của hệ thống giáo dục Trung Quốc.
Jia cho biết: "Những tin nhắn liên tục của giáo viên về điểm số, thứ hạng khiến vợ chồng tôi lo lắng con trai không thể làm tốt trong Zhongkao (Kỳ thi tuyển sinh vào THPT Trung Quốc). Gia đình tôi có quá nhiều áp lực".
Nhà nghiên cứu Chu Zhaohui cho biết chính phủ cần khuyến khích các nhà tuyển dụng sử dụng nhân tài trong nước thay vì ưu tiên du học sinh nếu muốn đảo ngược xu hướng du học quốc tế. "Tuy nhiên, du học vẫn là quyết định riêng của từng gia đình.
Vì vậy, tôi nghĩ rằng không thể có một chính sách cụ thể, ngay lập tức nhằm hạn chế phụ huynh gửi con cái ra nước ngoài du học", ông Zhaohui nói thêm.
Xiong Bingqi, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Giáo dục thế kỷ 21 tại Thượng Hải, cho biết để khuyến khích các phụ huynh như Jia cho con cái học tập trong nước, chính phủ cần thúc đẩy nền giáo dục cá nhân hóa và thay đổi cách đánh giá học sinh.
Theo Tú Anh
Giáo dục & Thời đại