Trung Quốc: Lo ngại về việc xóa bỏ chuyên ngành khó xin việc

(Dân trí) - Quyết định mới đây của Bộ Giáo dục Trung Quốc về việc loại bỏ những chuyên ngành đại học có ít triển vọng việc làm đã khiến các chuyên gia nhận định rằng việc này sẽ dẫn đến “xu hướng vụ lợi” trong giáo dục đại học.

Cần phải thực hiện các nỗ lực để điều chỉnh các chuyên ngành theo sự phát triển của đất nước và kế hoạch phát triển của chính các trường đại học, hơn là triển vọng nghề nghiệp việc làm của sinh viên, tờ Nhân dân nhật báo trích lời của Li Zhenyu, giám đốc Văn phòng Tuyển sinh sinh viên của Đại học Thiên Tân.

Tuy vậy, chính sách đào tạo theo định hướng việc làm vẫn có thể sử dụng để điều chỉnh các trường dạy nghề, giám đốc Li nói thêm.

Theo Tân Hoa Xã, tháng trước Bộ Giáo dục Trung Quốc thông báo chỉ tiêu tuyển sinh của những những chuyên ngành mà sinh viên tốt nghiệp có tỷ lệ việc làm dưới 60% trong 2 năm liên tiếp có thể giảm cho đến khi các chuyên ngành này bị loại bỏ hoàn toàn.

Chính sách này được đưa ra trong tình trạng những khó khăn trong xin việc của sinh viên mới tốt nghiệp ngày càng tăng.
 
Trung Quốc: Lo ngại về việc xóa bỏ chuyên ngành khó xin việc - 1
Sinh viên tham dự một hội chợ việc làm ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc hồi tháng 3 năm 2011. Bộ Giáo dục Trung Quốc vừa ra quyết định sẽ loại bỏ những chuyên ngành có ít triển vọng việc làm. (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Xiong Bingqi, phó giám đốc Viện Nghiên cứu Giáo dục thế kỷ 21, cho rằng nếu các trường đại học được yêu cầu phải điều chỉnh các chuyên ngành theo triển vọng việc làm, các trường có thể sẽ hỗ trợ sinh viên trong các hoạt động săn việc làm.

Bởi vì nhiều cử nhân làm việc trong những lĩnh vực không liên quan trực tiếp đến chuyên ngành học, tỷ lệ có việc làm không thể được sử dụng như là một chỉ số chính sách trong việc xác định chất lượng của các chuyên ngành, phó giám đốc Xiong nhấn mạnh.

Các chương trình đào tạo của trường đại học không nên chạy theo nhu cầu của thị trường và chính phủ nên hỗ trợ thêm cho những chuyên ngành ít được ưa chuộng, phó giám đốc Xiong nói thêm.

Theo một khảo sát do Trường đại học Nam Khai thực hiện với 5.201 sinh viên thuộc 99 trường đại học ở Trung Quốc, tăng cường năng lực bản thân và phục vụ nhu cầu phát triển của xã hội là 2 lý do chính trong việc sinh viên học lên cao học, lý do thứ 3 mới là triển vọng việc làm.

Xuân Vũ
Theo Tân Hoa Xã

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm