Trung Quốc hỗ trợ việc làm cho thí sinh trượt đại học

(Dân trí) - Đưa ra chương trình vừa học vừa làm là một trong những cách thức mà Trung Quốc tạo thêm công ăn việc làm cho những thí sinh trượt đại học. Như vậy, các thanh niên nước này có cơ hội được đào tạo nghề tương lai trong khi vẫn không phải chịu cảnh thất nghiệp.

Ba tháng sau khi tốt nghiệp cấp ba, Wang Mingyuan, 18 tuổi, kiếm đuợc công việc làm thêm tại Tập đoàn KTK, một trong những công ty sản xuất linh kiện đường ray hàng đầu Trung Quốc ở tỉnh Giang Tô, đông Trung Quốc.

Không giống như những công nhân nhập cư khác, ngay khi bắt đầu công việc, Wang cũng theo học khóa đào tạo nghề kéo dài trong ba năm. Đó là nhờ chương trình vừa học vừa làm do chính quyền tỉnh Giang Tô đưa ra năm nay.

Chương trình này mang lại cơ hội việc làm trong các ngành công nghệ cao và dịch vụ cộng đồng cho những học viên trường nghề. Hiện nay, Wang làm việc 3 ngày/tuần ở công ty và dành 2 ngày để học về khoa học và công nghệ máy tính.

"Tôi cảm thấy rất chán nản về tương lai sau khi biết rằng mình trượt đại học. Nhưng sau khi tham gia chương trình vừa học vừa làm, tôi nghĩ rằng nếu mình chăm chỉ, mình có thể vươn lên tốt như những người được học đại học", Wang cho biết.

"Nhờ chương trình này, tôi có thể thu thập được những kinh nghiệm việc làm cần thiết cho công cuộc săn tìm và phát triển nghề nghiệp”.

Trung Quốc hỗ trợ việc làm cho thí sinh trượt đại học  - 1
Công nhân tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc may quần áo tại một nhà máy địa phương sau khi được đào tạo nghề. (Ảnh: China Daily)

Theo Tân Hoa Xã, trong một thời gian dài, trường đại học là một tấm vé cần thiết đối với dân trung lưu ở Trung Quốc. Tuy nhiên, số lượng sinh viên đại học ngày càng tăng nhanh ở nước này kể từ cuối những năm 1990 đã gây ra một số lượng ngày càng lớn các cử nhân không thể tìm được việc làm.

Trong khi đó, Trung Quốc rất cần các công nhân lành nghề, đến cuối năm 2009, nước này thiếu 4 triệu công nhân vững tay nghề.

Huo Jianguo, giám đốc Viện Nghiên cứu Thương mại thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc, nhận định: "Khi công cuộc tái cơ cấu công nghiệp của Trung Quốc đẩy mạnh, nhu cầu cần công nhân lành nghề sẽ trở nên ngày càng sôi sục".

Một mặt thị trường việc làm của Trung Quốc lại thiếu hụt nhân công lành nghề. Mặt khác, tình hình việc làm ở Trung Quốc vẫn ảm đạm khi hàng triệu người bị thất nghiệp.

Tính đến cuối năm 2009, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị Trung Quốc ở mức 4,3% với 9,21 người không có việc làm.

Theo số liệu của Bộ Nhân lực và An sinh xã hội, năm nay có 24 triệu người, trong đó có 6,3 tân cử nhân và 6 triệu tú tài, sẽ gia nhập thị trường việc làm trong khi chỉ có 12 triệu việc làm.

Zhao Shuming, giáo sư ngành quản lý nhân lực tại Trường đại học Nam Kinh thuộc tỉnh Giang Tô, cho rằng: "Chúng tôi không chỉ cần những ông chủ nhà băng và các nhà kinh tế học, mà còn cần các thợ hàn chì và thợ cơ khí lành nghề để giúp chúng tôi khai thông những rãnh thoát nước và sửa xe hơi".

Giáo sư Zhao chỉ ra rằng việc đưa ra những chương trình vừa học vừa làm giống như chương trình được thực hiện tại tỉnh Giang Tô là một cách tốt để hướng cho những công nhân trẻ tuổi chuẩn bị cho nghề nghiệp tương lai trong khi vẫn giải quyết được vấn đề không có việc làm.

Câu chuyện của chàng trai trẻ tuổi Wang là một ví dụ về cách Trung Quốc xúc tiến tình trạng việc làm và đẩy mạnh việc đào tạo nhân lực nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân công.

Để đáp ứng nhu cầu của những nhóm người khác nhau trong việc tìm việc làm và chuẩn bị kỹ năng để làm những nghề nghiệp khác nhau, chính phủ Trung Quốc đã thực hiện nhiều chương trình đào tạo nghề. Đến cuối năm 2009, có hơn 6.000 trường kỹ thuật và trung tâm đào tạo nghề cùng với hơn 2.000 cơ sở đào tạo nghề tư thực ở Trung Quốc.

Đồng thời, chính phủ nước này cũng đưa ra các khóa học hướng nghiệp sớm cho những tú tài đã trượt đại học nhằm giúp các em nắm được kỹ năng nghề hoặc lấy được chứng chỉ nghề trước khi bắt đầu tìm việc.

Từ năm 2005 đến 2009, hơn 50 triệu việc làm mới được tạo ra tại các khu vực thành thị ở Trung Quốc, và gần 45 triệu công nhân dư thừa ở các vùng nông thôn đã được chuyển sang làm tại các ngành phi nông nghiệp.

"Đối mặt với những khó khăn gây ra do nguồn cung lao động vượt quá cầu, chính phủ cần tiếp tục thực hiện những nỗ lực để hỗ trợ cho người lao động, ví dụ như đào tạo nghề, để tạo ra nhiều việc làm hơn trong các ngành khác nhau", giáo sư Zhao Shuming kết luận.

Xuân Vũ
Theo Tân Hoa Xã

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm