Trò không sợ điểm kém nhưng thầy sợ

Nghe đâu đó người ta lên án, phê phán ngành giáo dục, giáo viên chúng tôi cũng chột dạ, cảm thấy có lỗi. Nhưng chính bản thân chúng tôi như những người mắc trong đám kẹt xe, cứ phải lầm lũi mệt nhọc mà tiến, không cách nào thoát ra được.

Cứ cuối mỗi năm học, tổng kết điểm, báo cáo các loại số liệu, xét danh hiệu thi đua, chúng tôi đều cảm thấy mệt mỏi, thậm chí gần như đuối sức vì phải chạy theo những thành tích ảo - được thổi phồng thành những số liệu và tỉ lệ rất đẹp nhưng không biết để làm gì.

Cuối năm, rất nhiều giáo viên khóc dở mếu dở vì không được xét hoàn thành nhiệm vụ năm học. Chẳng phải vì dạy dở, vì vi phạm đạo đức nhà giáo, vì bỏ giờ trễ tiết... mà chỉ vì không đạt chỉ tiêu đặt ra. Thấp hơn 85% học sinh đạt điểm trung bình trở lên thì không được xét hoàn thành nhiệm vụ năm học. Không quá 90% học sinh đạt điểm trung bình trở lên thì không được xét lao động tiên tiến. Bất kể môn học nào và bất kể tình hình học sinh như thế nào, giáo viên bắt buộc phải đạt chỉ tiêu trên nếu không muốn bị mất danh hiệu thi đua.

Lẽ tất yếu, ai ai cũng cố đạt cho được cái chỉ tiêu cao ngất ngưởng đó (đương nhiên không phải do sự hấp dẫn của khoản tiền thưởng cuối năm 100.000 đồng dành cho lao động tiên tiến và 70.000 đồng dành cho hoàn thành nhiệm vụ) bởi chẳng ai muốn trong hồ sơ lý lịch của mình lại có những năm “không hoàn thành nhiệm vụ” (và việc nâng lương dĩ nhiên cũng vì thế mà chậm lại).

Thật ra đạt được chỉ tiêu như vậy hoàn toàn không hề khó chút nào. Bài kiểm tra nếu không quá 50% học sinh trên điểm trung bình thì giáo viên phải cho kiểm tra lại lần 2, lần 3... (cho đến khi nào đạt được tỉ lệ đó thì thôi). Đối với những bài thi học kỳ không thể cho kiểm tra lại thì giáo viên phải đưa đề cương ôn tập sát với đề thi trước. Nên có nghịch lý trớ trêu là mỗi lần có bài kiểm tra thì người sợ bị điểm kém không phải học sinh mà là giáo viên!

(Buồn thay tình hình này xuất hiện ở cả cấp tiểu học. Hôm nghe kết quả thi học kỳ của con trai đang học lớp 1: có 45/47 em đạt học sinh giỏi, tôi buột miệng khen các con giỏi ghê. Con trai tôi “bật mí”: bài thi đã được cô cho làm trước nhiều lần rồi, đến khi thi chỉ việc chép lại thôi!).

Học sinh đi học không sợ điểm kém, không sợ lưu ban nên rất khó bảo và ngang ngược. Có nhiều người không giữ được bình tĩnh nên đã có những hành vi thiếu kiềm chế bị quay clip tung lên mạng. Dư luận xã hội lại được dịp phê phán chê bai giáo viên đủ cả. Nhưng ít ai biết được rằng phần lớn chúng tôi đều phải kiềm chế hết mức, mỗi ngày đi dạy về đều rất mệt mỏi và bức bối. Trớ trêu thay, giáo viên đi dạy phải sợ học trò!

Đối với giáo viên dạy các môn thi tốt nghiệp tình hình còn căng thẳng hơn. Vì sau mỗi kỳ thi tốt nghiệp sẽ có bảng thống kê tỉ lệ đậu rớt theo từng bộ môn, từng giáo viên giảng dạy. (Bất luận tình hình đầu vào như thế nào, cho dù điểm tuyển sinh của trường này chỉ bằng 1/3 của trường kia thì tỉ lệ tốt nghiệp cũng phải được so sánh ngang bằng nhau). Giáo viên cũng theo tỉ lệ đó mà được đánh giá nên ai nấy đều cực kỳ căng thẳng. Chúng tôi đều phải “dạy dỗ” theo đúng nghĩa - dỗ dành học sinh học được chữ nào mừng chữ ấy!

Chúng tôi thường ao ước “bao giờ cho đến ngày xưa”, khi học sinh đi học đều phải lo lắng bài vở của mình, sợ bị điểm kém, sợ bị thầy cô phê bình, sợ thi rớt. Còn giáo viên sẽ được thoải mái dạy dỗ và đánh giá học sinh một cách khách quan, không bị áp lực của những chỉ tiêu “trên trời” kia nữa.

Theo Anh Minh
Tuổi Trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm