Trò có quyền "phế truất" thầy!

Ở nhiều trường dân lập và bán công, kinh phí để nhà trường hoạt động và trả lương giáo viên chủ yếu lấy từ nguồn học sinh đóng góp. Vì thế, lãnh đạo nhà trường phải thuê giáo viên giảng dạy theo yêu cầu của học sinh. Thầy mà không “vừa mắt” trò là bị đuổi ngay...

Cậu bạn tôi, dạy ở trường THPT bán công NK (Điện Bàn, Quảng Nam) cho biết nhiều thầy dạy chính khoá ở trường quốc lập vẫn dạy thuê cho vài trường dân lập để tăng thu nhập. Nhưng dạy thêm kiểu này cũng gian nan lắm.

 

Thầy M. giáo viên Vật Lý của trường PTTH NDH - một trường có tiếng của huyện – có dạy hợp đồng cho 1 trường dân lập cũng trong địa bàn huyện. Mới giảng dạy dân lập chưa đầy 2 tháng, thầy đã phải “ra đi” chỉ vì một lá đơn học sinh trình lên Ban giám hiệu. Các em cho biết: “Tại thầy nghiêm quá, lại cho điểm mắc nữa. Chúng em thích những thầy vừa dạy giỏi lại vừa vui tính cơ, đồng thời cho điểm thoáng thoáng!”.

 

Trường hợp cô giáo H. cũng dở khóc dở cười không kém. Vừa mới tốt nghiệp Đại học Sư phạm, xin về một trường dân lập dạy hợp đồng, H. tâm sự: “Dạy dân lập cứ phải chiều học sinh, học sinh bảo “cô hát đi cô” là phải hát. Học sinh thích nghe kể chuyện là phải kể chuyện. Thậm chí đang say sưa giảng bài, học sinh yêu cầu cho lớp nghỉ, cũng đành nghỉ”.

 

Đối với hệ dân lập, thay đổi giáo viên là “chuyện thường ngày ở huyện”. Một thầy Hiệu trưởng dân lập cho biết: “Có môn, chúng tôi thuê giáo viên theo buổi, dạy buổi nào thì thanh toán tiền công ngay hôm đó”. Vì sao cứ phải chiều học sinh như thế? Thầy Hiệu trưởng phân trần: “Không làm vậy học sinh sẽ bỏ sang trường khác, dạy ai? Ai chu cấp kinh phí để trường tốn tại?”.

 

Khi tôi bày tỏ nỗi lo lắng: Liệu có giảm sút chất lượng giảng dạy? Thầy khẳng định: “Phương thức này thể hiện nét hay riêng, giáo viên vào đây nếu dạy kém sẽ bị chính học sinh “cho nghỉ”. Các em đều sẵn nhu cầu học tập nghiêm túc nên rất quan tâm tới chất lượng giảng dạy của thầy cô. Còn nếu các em muốn thầy cô vui và hài hước thì cũng là môi trường để giáo viên rèn luyện khả năng… tâm lý giáo dục tốt chứ sao!”

 

Có thật là học sinh học dân lập có sẵn nhu cầu học tập nghiêm túc hay không? Liệu có thể có “tâm lý giáo dục tốt” được trong một môi trường mà thầy vừa phê bình, trò đã phán: “Ông không dạy được thì nghỉ đi!”.

 

Thầy không được làm trò phật ý, nhưng trò lại toàn quyền “phế truất” thầy. Có phải truyền thống “Tiên học lễ, hậu học văn” và quan hệ thiêng liêng giữa thầy và trò đang bị “bát cơm manh áo” làm đảo ngược?

 

Theo Trần Văn Nghĩa

 GD&TĐ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm