Trò chuyện với hai chàng trai “vàng” Olympic Vật Lý châu Á

(Dân trí) - Mặc dù mới làm quen với nhau trong thời gian được triệu tập đội tuyển dự kì thi Olympic Vật Lý châu Á nhưng hai chàng trai “vàng” Ngô Phi Long và Bùi Quang Tú lại có những sự lựa chọn bước đi tiếp theo của mình khá giống nhau.

Chia sẻ với PV Dân trí trong lúc chờ đợi cậu con trai của mình xuống máy bay, chị Vũ Thị Ngọc Bích (hiện là giảng viên Trường ĐH Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp, mẹ của Bùi Quang Tú) chia sẻ: “Tú là con cả trong gia đình, dưới có một em trai đang chuẩn bị thi vào lớp 10. Đường đi của Tú là sự tổng hòa của các yếu tố định hướng và ý thích. Sau khi giành giải nhất ở kì thi HSG quốc gia, Tú đã làm hồ sơ tuyển thẳng vào trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN) và ĐH Bách khoa HN”.

Mặc dù đã nộp hồ sơ tuyển thẳng nhưng Bùi Quang Tú vẫn chưa xác định rõ ràng là mình sẽ học ở trong nước hay không. Trong thâm tâm, em vẫn ấp ủ dự định phát triển tài năng của mình ở một chân trời mới.

“Đối với tôi thì Tú vẫn còn trẻ con lắm. Lúc thì thích đi du học để như các bạn, lúc lại muốn ở nhà để được ăn cơm mẹ” - chị Ngọc Bích tươi cười tiết lộ.

Trong khi đó, bố của Tú là anh Bùi Quang Tuấn thì lại nhìn thẳng vào thực tế: Vì điều kiện kinh tế có hạn nên muốn cho con học trong nước. Quan điểm của anh về lựa chọn ngành nghề cho con đó là không học theo ngành “nóng” mà phải theo sở thích, năng khiếu và học thật tốt.

Phút trò chuyện của hai chàng trai vàng: Ngô Phi Long (phải) và Bùi Quang Tú (trái)
Phút trò chuyện của hai chàng trai "vàng": Ngô Phi Long (phải) và Bùi Quang Tú (trái).

Tuy nhiên, sự lo lắng về tài chính của anh Bùi Quang Tuấn khi cho con đi du học có thể sẽ hoàn toàn tan biến khi Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Bộ GD-ĐT đang triển khai “Đề án đào tạo cán bộ ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước giai đoạn 2013- 2020”; trong đó một trong các mục tiêu của Đề án là nhằm đào tạo chất lượng cao ở nước ngoài trình độ trình độ đại học đối với các tài năng trẻ thuộc các lĩnh vực khoa học cơ bản, khoa học và công nghệ trọng điểm, các lĩnh vực năng khiếu đặc biệt. Những học sinh đoạt giải hôm nay và các đội tuyển quốc gia Việt Nam dự thi quốc tế các môn khác đều là nguồn lực tốt nhất cho Đề án này.

Trong khi Bùi Quang Tú chưa xác định rõ ràng việc tương lai của mình thì Ngô Phi Long lại có sự chuẩn bị khá chu đáo. Theo chị Trần La Giang–mẹ của Ngô Phi Long thì sau khi đạt HC Vàng Olympic Vật Lý quốc tế năm 2012, Long đã ấp ủ dự định tiếp tục theo đuổi môn học đam mê là Vật lý và trau dồi tiếng Anh để du học. Đích đến của Long là theo đuổi ngành Vật lý ứng dụng và muốn trở thành một nhà khoa học. Ngôi trường mà Long có mong muốn được học tập và nghiên cứu trong thời gian tới là Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Hoa Kỳ.

“Long cũng có trao đổi với các anh chị đi trước về điều kiện để được theo học ở MIT. Về cơ bản, các điều kiện về thành tích thì Long đã đáp ứng đủ, trở ngại “nho nhỏ” còn lại của Long đó là cần phải nâng cao trình độ tiếng Anh để đáp ứng nhu cầu của MIT” - chị Giang chia sẻ.

Hai chàng vàng đều ấp ủ dự định phát triển tài năng của 
Hai chàng "vàng" đều ấp ủ dự định phát triển tài năng của mình ở một chân trời mới.

Cũng theo chị Giang, vì chưa chắc chắn có được sang MIT để học hay không nên Long vẫn làm hồ sơ đăng ký tuyển thẳng. Hai ngôi trường mà em lựa chọn hoàn toàn giống sở thích của Bùi Quang Tú.

Về thành tích đạt được của Long, chị Giang bộc bạch: “Trước khi lên đường bản thân Long và gia đình cũng gặp đôi chút áp lực bởi năm 2012, Long đạt đoạt HC Vàng Olympic Vật lí quốc tế. Chính vì thế khi nhận tin con đạt HC Vàng tôi vừa ngập tràn niềm vui nhưng lại vừa nhưcó cảm giác nhẹnhõm”

Cùng một chí hướng, cùng chung một ước mơ nhưng trước mắt, Ngô Phi Long và Bùi Quang Tú vẫn còn một nhiệm vụ trước mắt đó là chinh phục kì thi Olympic Vật lý quốc tế năm 2013 sắp tới (cơ hội có mặt trong đội tuyển của hai chàng trai “vàng” gần như là chắc chắn). Nếu ở kì thi này các em tiếp tục đạt kết quả cao thì cơ hội được đi du học để phát triển tài năng của mình càng rộng mở hơn.

S.H

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm