Trước giờ G thi tốt nghiệp THPT:
Trò căng thẳng, thầy lo lắng!
(Dân trí) - Hôm nay, hơn 1 triệu học sinh lớp 12 trong cả nước tập trung chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2009. Đây có lẽ là kỳ thi “đặc biệt” nhất từ trước tới nay, trò không còn cơ hội thi lần 2, thầy “vật lộn” với các điểm mới của kỳ thi.
Thí sinh chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2008 (Ảnh: Việt Hưng)
Đến thời điểm này thì việc ôn tập thi tốt nghiệp coi như đã hoàn tất, nhưng Nguyễn Thị Nga, lớp 12 trường THPT Trần Hưng Đạo (Hà Đông - Hà Nội) vẫn không thể yên tâm được, cứ ngủ được một chút lại bật dậy xem lại sách, tâm trạng mệt mỏi, đau nhức nửa đầu.
Trong 6 môn thi tốt nghiệp, em sợ nhất là môn Địa lý và Văn, tuần vừa qua em chỉ dành thời gian cho việc học thuộc 2 môn này nhưng khi gấp sách lại vẫn thấy mông lung lắm, không nhớ được cụ thể bài nào. “Em cố gắng làm sao “qua” 2 môn này là được” - Nga tâm sự.
Vũ Thị Ngân, trường THPT Nhân Chính - Hà Nội, 1 tuần nay gia đình phải cho truyền nước và đạm do hơn tháng qua đã thức quá khuya dẫn đến suy kiệt sức khoẻ.
Do xác định từ lớp 10 là thi vào ĐH Kinh tế Quốc dân nên trong thời gian học, Ngân chỉ tập trung chú trọng vào các môn khối A. Khi biết thông tin thi các môn tốt nghiệp có Địa lý, Ngân cuống cuồng lao vào ôn tập dẫn đến tình trạng trên.
Phạm Kim Minh, trường THPT Trần Hưng Đạo - Hà Nội cũng sợ nhất môn Địa lý. Tháng qua Minh đã dành nhiều thời gian cho môn này nhưng kỳ thi thử vừa qua, thiếu 1 điểm nữa Minh mới đạt trung bình. Minh tăng tốc bù đắp lỗ hổng, tuy nhiên, thời gian quá ngắn, kiến thức không “nạp” được là bao nhiêu. Áp lực đó đè nặng làm Minh không thể nào ăn ngon, ngủ yên.
Cô giáo Trần Thị Lệ, Hiệu trưởng Trường THPT Bán công Ninh Bình chia sẻ, năm trước các em trượt lần 1 còn cơ hội lần 2, năm nay nếu em nào trượt thì niềm hy vọng vào ĐH coi như vụt tắt. Không chỉ các em căng thẳng mà hơn tháng qua giáo viên trường chúng tôi cũng mệt nhoài người ra, cố tập trung ôn tập củng cố lại kiến thức cho các em.
Bên cạnh đó, hàng loạt những quy định chặt chẽ như môn thi tự luận chấm chéo giữa các tỉnh, thi liên trường, thanh tra Bộ GD-ĐT tham gia coi thi… thì không chỉ học sinh mà ngay cả giáo viên cũng có lo lắng - cô Lệ nói.
Lo lắng vì những điểm mới
Vấn đề lo lắng nhất đối với các Sở GD-ĐT bây giờ là vận chuyển bài thi và đi lại của các thí sinh. Theo phân công chấm chéo bài thi của Bộ thì khoảng cách vận chuyển dưới 50km giữa các Sở là rất ít, đa số là từ 100km trở lên. Đặc biệt, khoảng cách giữa một số Sở còn lên đến trên 300km.
Theo phân công này, bài thi của thí sinh Hà Nội sẽ do giáo viên Hải Phòng, Hà Nam và Nghệ An đảm nhiệm. Để bảo đảm an toàn khi vận chuyển bài thi, Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ thuê xe đặc chủng và công an hộ tống. Cẩn thận hơn, Sở còn lên các phương án đề phòng ngập lụt, hỏa hoạn, đặc biệt xin giấy ưu tiên các xe này để đề phòng tắc đường.
Không có điều kiện thuê xe đặc chủng như Hà Nội, Thanh Hoá (năm nay cũng do 3 tỉnh chấm là Hà Nội, Hà Tĩnh, Ninh Bình) đã chuẩn bị 2 xe tải chở bài thi vào Hà Tĩnh và ra Hà Nội. Để an toàn, Sở GD-ĐT Thanh Hoá bố trí đại diện lãnh đạo Sở, Phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng và công an hộ tống xe.
Còn Nghệ An thì yêu cầu các Ban chỉ đạo thi các huyện, thị xã, thành phố có nhiệm vụ đi gom bài thi trên địa bàn và nộp thẳng về Ban chỉ đạo tỉnh tại thành phố Vinh. Tỉnh sẽ bố trí 2 xe ô tô, có công an bảo vệ đểđưa bài thi ra Thanh Hóa chấm.
Song song với việc lo lắng vận chuyển bài thi, nhiều tỉnh lên phương án hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh.
Thanh Hoá, với hơn 58.000 thí sinh, lại có địa bàn miền núi đông nên khi ghép cụm việc đi lại, sinh hoạt của học sinh sẽ gặp khó khăn. Có thí sinh sẽ phải đi hơn 30km để tới được điểm thi nên Sở phải huy động ký túc xá của các trường dân tộc nội trú để học sinh ở xa tới nghỉ trong những ngày thi. Ngoài ra, Sở GD-ĐT Thanh Hoá đã yêu cầu huyện Mường Lát bố trí xe ô tô đưa đón những thí sinh đi xa và bố trí chỗ ở an toàn cho các em. Còn những học sinh nào đi thi phải qua đò thì sẽ được chở miễn phí trong những ngày thi.
Đối với Phú Thọ, có những học sinh ở một số địa phương thuộc các huyện như Tân Sơn, Thanh Ba, Yên Lập... phải đi xa từ 15-30km để dự thi. Để không xảy ra tình trạng thí sinh bỏ thi vì lí do tổ chức thi theo cụm trường, Sở GD-ĐT đã sắp xếp địa điểm thi thuận tiện cho thí sinh như: Thí sinh của Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX) Yên Lập sẽ thi tại cụm của Thanh Sơn; Trung tâm GDTX Thanh Ba thi tại cụm Hạ Hoà... và sẵn sàng đáp ứng việc ăn, nghỉ đảm bảo vệ sinh, an toàn đối với thí sinh ở xa và có nhu cầu.
Đặc biệt, tỉnh Kontum còn hỗ trợ tiền ăn cho học sinh dân tộc thiểu số là 20.000đ/ngày...
Lịch thi tốt nghiệp THPT và Bổ túc 2009:
Ngày | Buổi | THPT | Bổ túc THPT | ||
Môn thi | Thời gian | Môn thi | Thời gian | ||
02/6 | Sáng | Văn | 150 phút | Văn | 150 phút |
Chiều | Sinh học | 60 phút | Sinh học | 60 phút | |
03/6 | Sáng | Địa lý | 60 phút | Địa lý | 60 phút |
Chiều | Vật lý | 60 phút | Vật lý | 60 phút | |
04/6 | Sáng | Toán | 150 phút | Toán | 150 phút |
Chiều | Ngoại ngữ | 60 phút | Hóa học | 60 phút | |
Lịch sử | 60 phút |
Hồng Hạnh