Trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh đã thực sự hiệu quả?
(Dân trí) - Nhiều phụ huynh cho con làm quen tiếng Anh ở trường mầm non không hài lòng với kết quả của con đạt được sau quá trình theo học.
Hiện nhiều trường Mầm non trên địa bàn Thanh Hóa liên kết với các trung tâm ngoại ngữ tổ chức cho trẻ làm quen tiếng Anh. Theo tìm hiểu, nhiều trường mầm non trên địa bàn thành phố Thanh Hóa có học sinh tham gia chương trình làm quen tiếng Anh như: Trường Mầm non Tân Sơn, Hoa Mai, Đông Sơn…
Tuy nhiên, theo nhiều phụ huynh có con em tham gia chương trình tỏ ra chưa hài lòng với kết quả mà chương trình mang lại cho con mình.
Anh Lê Văn D. (trú phường Đông Sơn) cho biết, anh có con gái đang học lớp 1. Trước đó, với mong muốn con tiếp cận với tiếng Anh sớm, khi con gái đang học bậc Mầm non, anh D. đăng ký cho con tham gia làm quen tiếng Anh tại Trường Mầm non Đông Sơn.
Theo anh D., qua 2 năm tham gia chương trình, con gái anh chỉ biết một vài từ, không nói được câu nào tiếng Anh. "Khi cho con tham gia, tôi mong muốn con sẽ sớm tiếp thu thêm anh ngữ. Nhưng sau một thời gian, không thấy hiệu quả chút nào", anh D. chia sẻ.
Anh D. cho biết, kể từ khi con học tiếng Anh ở trường, anh chưa từng thấy con được tiếp cận giáo trình giảng dạy của các giáo viên. Trong khi đó, cơ sở vật chất của nhà trường để phục vụ dạy học tiếng Anh thiếu thốn, nhưng vì đã trót đăng ký nên anh đành cố gắng cho con theo học.
Là một trong số những trường có thâm niên liên kết làm quen tiếng Anh với trung tâm Anh ngữ, Trường Mầm non Tân Sơn, phường Tân Sơn hiện có khoảng 200 trẻ tham gia chương trình này.
Cô Phạm Thị Hòa - Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Sơn cho biết, nhà trường có 500 trẻ, 48 giáo viên. Tuy nhiên, không có giáo viên có chứng chỉ tiếng Anh. Chương trình liên kết này hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện giữa phụ huynh và trung tâm anh ngữ. Học phí mỗi tháng là 360.000 đồng, mỗi tuần các cháu sẽ được học 3 buổi, mỗi buổi 45-50 phút.
Trung tâm sẽ phân công 3 giáo viên tham gia giảng dạy vào các giờ ngoại khóa của nhà trường. Các giáo viên của trung tâm được phòng chuyên môn của Sở GD&ĐT thẩm định và kiểm tra chất lượng, năng lực theo quy định.
Tuy nhiên, theo cô Hòa, các giáo viên này chỉ có chứng chỉ về tiếng Anh và nghiệp vụ sư phạm cấp Tiểu học, THCS, còn không có nghiệp vụ về sư phạm Mầm non.
"Thông thường, sau mỗi buổi học chính khóa vào cuối buổi chiều, nhà trường sẽ mở lớp để các cháu làm quen với tiếng Anh. Hiện nay nhà trường đang bố trí 2 lớp học riêng dành cho chương trình làm quen tiếng Anh, cơ sở vật chất là do nhà trường sắp xếp. Mỗi tháng phía trung tâm sẽ khấu trừ 20% số học phí của mỗi học sinh để chi cho các khoản điện nước, tiền quản lý và hao mòn cơ sở vật chất", cô Hòa cho biết thêm.
Cô Hòa cũng thừa nhận việc làm quen với tiếng Anh còn nhiều bất cập, đặc biệt là điều kiện cơ sở vật chất hiện nay ở các nhà trường thiếu thốn, ảnh hưởng đến hiệu quả chương trình.
"Cơ sở vật chất ở trường chưa thực sự đảm bảo tốt công tác dạy và học như ở các trung tâm tư nhân. Tuy nhiên, việc học ở trường sẽ tiết kiệm thời gian đi lại và chi phí hơn so với ở ngoài. Thông thường trong chương trình, giáo viên của trung tâm đánh giá kết quả bằng các bài khảo sát và test kiến thức, sau đó ghi hình và gửi về cho phụ huynh. Việc kiểm tra này cũng có sự phối hợp của Phòng GD&ĐT thành phố", cô Hòa chia sẻ.
Theo thống kê từ Sở GD&ĐT Thanh Hóa, tính đến cuối năm 2022, trên địa bàn tỉnh này có 162 trường tổ chức liên kết cho trẻ làm quen với tiếng Anh.
Trao đổi với Dân trí, bà Lê Thị Kim Dung - chuyên viên Phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho biết, việc liên kết giữa các trường Mầm non với trung tâm ngoại ngữ chủ yếu theo tinh thần tự nguyện, việc liên kết này nhằm mục đích cho trẻ sớm làm quen với tiếng Anh.
Theo bà Dung, việc đánh giá chất lượng và hiệu quả của học sinh tham gia lớp liên kết thuộc phạm vi của nhà trường và trung tâm.
"Tiếng Anh đối với trẻ mầm non hiện nay chỉ ở phương diện làm quen. Sở GD&ĐT chỉ kiểm tra và khảo sát về điều kiện cơ sở vật chất có đảm bảo hay không, còn đánh giá về chất lượng làm quen của trẻ là do nhà trường và trung tâm. Đôi khi phụ huynh quá kỳ vọng nhưng không hiểu được tâm sinh lý của trẻ. Vì trẻ mầm non nhanh nhớ và nhanh quên, nếu không được trải nghiệm thường xuyên thì trẻ rất nhanh quên", bà Dung thông tin thêm.
Đối với những bất cập liên quan đến cơ sở vật chất, bà Dung cho biết, hiện nay tổ chức làm quen tiếng Anh ở trường mầm non được thực hiện theo phương thức dịch vụ với nhau. Vì vậy, nhà trường và trung tâm sẽ phối hợp để đảm bảo cơ sở vật chất theo quy định.
"Đây là chương trình dịch vụ, để mở lớp tiếng Anh, nhà trường sẽ tự bố trí các lớp học riêng, đầy đủ điều kiện cho trẻ làm quen, đồng thời hoạt động vào thời gian ngoại khóa. Việc thu chi học phí và cơ sở vật chất do nhà trường và trung tâm phối hợp với nhau", bà Dung nói.
Thông tư số 50/2020/TT-BGDĐT ban hành chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ em mẫu giáo, quy định:
Các điều kiện thực hiện Chương trình
2.1. Giáo viên
Giáo viên người Việt Nam đủ điều kiện tham gia tổ chức hoạt động cho trẻ mẫu giáo làm quen tiếng Anh khi đáp ứng được một trong các tiêu chuẩn sau:
a) Có bằng cao đẳng trở lên các ngành Sư phạm tiếng Anh, ngôn ngữ Anh, tiếng Anh; đã hoàn thành chương trình bồi dưỡng chuyên môn về nghiệp vụ sư phạm Giáo dục Mầm non hoặc phương pháp cho trẻ làm quen tiếng Anh do các trường Cao đẳng, Đại học có đào tạo giáo viên Mầm non tổ chức (chương trình bồi dưỡng tối thiểu 120 tiết, trong đó có ít nhất 45 tiết thực hành tại cơ sở Giáo dục Mầm non);
b) Có bằng Cao đẳng trở lên ngành Giáo dục Mầm non, có chứng chỉ năng lực tiếng Anh trình độ bậc 4 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24/1/2014 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT (hoặc tương đương theo quy định).
Giáo viên người nước ngoài
- Đối với giáo viên người bản ngữ: có bằng Cao đẳng trở lên, có chứng chỉ giảng dạy tiếng Anh được công nhận; đã hoàn thành chương trình bồi dưỡng chuyên môn về nghiệp vụ sư phạm Giáo dục Mầm non hoặc phương pháp cho trẻ làm quen tiếng Anh do các trường Cao đẳng, Đại học sư phạm có đào tạo giáo viên Mầm non tổ chức (chương trình bồi dưỡng tối thiểu 120 tiết, trong đó có ít nhất 45 tiết thực hành tại cơ sở Giáo dục Mầm non).
- Đối với giáo viên người nước ngoài không phải người bản ngữ: đủ điều kiện cho trẻ Mầm non làm quen với tiếng Anh khi đạt một trong các tiêu chuẩn sau:
a) Có bằng Cao đẳng trở lên các ngành Sư phạm tiếng Anh/giảng dạy tiếng Anh; đã hoàn thành chương trình bồi dưỡng chuyên môn về nghiệp vụ Giáo dục Mầm non hoặc phương pháp cho trẻ làm quen tiếng Anh do các trường Cao đẳng, Đại học sư phạm có đào tạo giáo viên Mầm non tổ chức (chương trình bồi dưỡng tối thiểu 120 tiết, trong đó có ít nhất 45 tiết thực hành tại cơ sở Giáo dục Mầm non)
b) Có bằng Cao đẳng trở lên; có chứng chỉ giảng dạy tiếng Anh quốc tế hoặc chứng chỉ về năng lực tiếng Anh trình độ B2 trở lên (theo khung tham chiếu chung châu Âu về ngôn ngữ), đã hoàn thành chương trình bồi dưỡng chuyên môn về nghiệp vụ Giáo dục Mầm non hoặc phương pháp cho trẻ làm quen tiếng Anh do các trường Cao đẳng, Đại học sư phạm có đào tạo giáo viên Mầm non tổ chức (chương trình bồi dưỡng tối thiểu 120 tiết, trong đó có ít nhất 45 tiết thực hành tại cơ sở Giáo dục Mầm non).
Ngoài các yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ, giáo viên người nước ngoài thực hiện cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh đáp ứng các yêu cầu hiện hành quy định về người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
2.2. Cơ sở vật chất và số trẻ/lớp:
- Cơ sở Giáo dục Mầm non tổ chức cho trẻ em làm quen với tiếng Anh ít nhất phải bảo đảm mức tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu theo quy định của Bộ GD&ĐT; có hệ thống đồ chơi, tranh ảnh trực quan gần gũi, phù hợp; trang thiết bị nghe nhìn tối thiểu để hỗ trợ tổ chức các hoạt động giáo dục cho trẻ làm quen với tiếng Anh;
- Số trẻ/lớp thực hiện theo quy định tại Điều lệ trường Mầm non.
2.3. Tài liệu, học liệu
- Tài liệu, học liệu sử dụng để triển khai chương trình phải được Bộ GD&ĐT thẩm định, phê duyệt;
- Các cơ sở Giáo dục Mầm non được phép lựa chọn các tài liệu, học liệu đã được thẩm định hoặc phê duyệt để tổ chức hoạt động làm quen với tiếng Anh theo nhu cầu và điều kiện triển khai thực tế.