Trẻ em điếc hoặc khó nghe dưới 6 tuổi được học ngôn ngữ ký hiệu tại nhà

(Dân trí) - Sáng nay (10/8), đã diễn ra buổi dự thảo “Hỗ trợ trẻ Điếc giao tiếp và được tiếp cận với giáo dục thông qua ngôn ngữ ký hiệu” tại Hà Nội.

Chia sẻ với báo chí, Tiến sĩ Nguyễn Thị Nghĩa – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Dự án giáo dục sẽ giúp hơn 15.000 trẻ Điếc hoặc trẻ khó nghe dưới 6 tuổi được học ngôn ngữ ký hiệu tại nhà, nhằm thiết lập nền tảng kiến thức thiết yếu về sự phát triển ngôn ngữ của trẻ Điếc và các thông tin về giáo dục cho trẻ Điếc trước tuổi đến trường”.

Cũng theo Thứ trường, sau 3 năm triển khai hoạt động, dự án đã đạt được những thành công về thay đổi nhận thức của cộng đồng, nâng cao khả năng học tập của trẻ Điếc và vai trò ngôn ngữ ký hiệu trong giáo dục.

 

111-a1fcb
Thứ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo Trần Thị Nghĩa chia sẻ về chương trình giáo dục cho trẻ điếc và khó nghe

Đặc biệt, chương trình đã giúp hơn 250 trẻ Điếc trên 4 tỉnh – thành phố được làm quen với ngôn ngữ ký hiệu ngay tại nhà.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng, trẻ Điếc có rất nhiều khả năng học tập, hòa nhập với cộng đồng; về mặt trí tuệ, mặt thể thức, cung bậc cảm xúc,… của trẻ Điếc đều phát triển bình thường, chỉ khó khăn và bất tiện về mặt ngôn ngữ giao tiếp bằng các ký hiệu.

Bên cạnh đó, gia đình sẽ là trung tâm giúp để trẻ Điếc trưởng thành, cha mẹ phải cùng tham gia học ngôn ngữ ký hiệu để có thể giao tiếp với trẻ hàng ngày, đặc biệt là tập trung vào lý thuyết và phương pháp luận nhằm khuyến khích nhận thức và ngôn ngữ của trẻ Điếc.

Cũng theo Thứ trưởng, hiện nay, trên toàn quốc có khoảng 15,500 ngàn trẻ em dưới 6 tuổi là trẻ Điếc hoặc nghe khó.

Trong số đó, phần lớn là trẻ không được tiếp cận giáo dục mầm non, trong khi cha mẹ trẻ không có những chuyên môn cần thiết.

Chương trình ‘Tăng cường khả năng sẵn sàng đi học của trẻ Điếc và giúp trẻ Điếc phát triển đầy đủ khả năng nhận thức’ có vai trò quan trọng trong chiến lược quốc gia về phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020, với mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.

Qua đó, phát triển nguồn nhân lực người điếc và người bình thường có kỹ năng về ngôn ngữ ký hiệu cũng bao gồm cả việc tạo việc làm cho người điếc như những giáo dục viên hoặc những người hướng dẫn; giúp họ có khả năng đóng góp cho các thế hệ người điếc và toàn xã hội một tương lai tốt đẹp hơn.

Lê Tú

(Email: lengoctu@dantri.com.vn)