Một kết quả điều tra tại Trường Tiểu học Thành Công A (Hà Nội) vào cuối năm 2005 cho thấy: Lịch học quá dày đặc, sự kỳ vọng quá lớn của bố mẹ đặt vào con cái đã khiến các em không còn thời gian để thở, trở thành nạn nhân của sự học.
Qua khảo sát 669 học sinh từ lớp 2 đến lớp 5 của trường về việc sử dụng quỹ thời gian ở nhà, kết quả cho thấy 95,5% học sinh phải học vào các ngày nghỉ cuối tuần (trong đó có 48% phải học cả 2 ngày).
Chỉ có 4,5% học sinh không phải học thêm vào những ngày đó. 11% học sinh phải học đến 21 giờ hàng ngày và 51,5% học sinh trả lời là không muốn cô giáo cho bài tập về nhà vào 2 ngày nghỉ và 38% học sinh có nguyện vọng chỉ vui chơi mà không phải học tập.
Tuy vậy, qua khảo sát ý kiến của phụ huynh thì vẫn có tới 71,6% phụ huynh cho rằng con cái họ học thế là bình thường, thậm chí còn có 6,4% phụ huynh cho rằng con họ phải học thêm nhiều nữa. Về phía giáo viên thì cũng có tới 22,2% đồng quan điểm với phụ huynh và cùng cho rằng học sinh vẫn phải tiếp tục học thêm nhiều nữa.
Việc dồn ép các em học hành căng thẳng, không phải phụ huynh không ý thức được điều ấy.
Hãy nghe tâm sự của Chi hội trưởng phụ huynh lớp 1C: “Thường ngày, chúng ta mỗi khi đưa trẻ đến trường, hình ảnh hay nhìn thấy là các cô ấm, cậu ấm đang nhễ nhại trong chiếc cặp sách to quá khổ trên đôi vai bé nhỏ.
Trong đó có gì? Sách giáo khoa và khối lượng kiến thức không nhỏ. Trong đó có gì? Tất cả những gì mà bọn trẻ yêu cầu mua. Trong đó có gì? Một hộp sữa và cả môt cái bánh nữa (Tóm lại trong đó có tất cả những gì mà người lớn yêu cầu phải có).
Hàng ngày, ngoài 2 buổi được học ở trường, tối đến, từ 20 đến 22 giờ, chúng phải học cho đến khi chữ viết những nét cong phải thật tròn đẹp mới được yên tâm đi ngủ. Thứ 7, Chủ nhật, bọn trẻ được bố mẹ cho đi đâu chơi? Không đi đâu cả! Học hành còn chưa vững đâu, tranh thủ thuê gia sư về mà kèm cặp cho con!”
Hầu hết các vị phụ huynh của Trường Tiểu học Thành Công A đều thừa nhận rằng học sinh phải học quá căng thẳng và quá tải chỉnh bởi sự kỳ vọng quá lớn của các bậc cha, mẹ vào con em mình.
Ví dụ: Trong khi lực học của học sinh chỉ ở mức trung bình nhưng các bậc phụ huynh lại muốn con em mình phải là học sinh giỏi nên bắt các em phải học tập quá sức, tạo cho các em một sức ép rất lớn trong học tập để đáp ứng kỳ vọng của cha mẹ.
Trẻ con đang là nạn nhân cho các cuộc “chạy đua” học đường của người lớn. Khi con cái còn đang học tiểu học thì phụ huynh đã phải trăn trở với câu hỏi: Cho con vào học trường nào, lớp nào ở bậc THCS?
Rồi khi đã được xét tuyển vào các trường điểm, phụ huynh lại “hê” con họ chạy sô học thêm vì đã đặt chân vào trường điểm, học trò còn phải tiếp tục “vật lộn” để được ngồi ở lớp đặc biệt.
Mà để ngồi được ở những lớp “đặc biệt” này, nhiều trường đã ra những đề toán rất hóc búa mà người lớn cũng khó có thể giải được như: “Tính lượng sắt thép bị rút ruột ở một công trình xây dựng...” (!?)
Nhiều học sinh học 2 buổi/ ngày, từ 7h45 sáng đến 16h30, phụ huynh lại tiếp tục đưa con đến các trung tâm học thêm từ 17h30 đến 19h mới tan.
Nhìn nhận về thực trạng này, cô giáo Phạm Tố Uyển - Trường Tiểu học Thành Công A đã đưa ra nhận xét như sau: “Một trong những lệch lạc, nhận thức chưa đúng trong tư duy giáo dục dẫn đến tình trạng quá tải, tạo sức ép học tập cho học sinh là quan niệm cho rằng cứ học nhiều, tích luỹ nhiều kiến thức, học ngày học đêm, học hết mọi thứ...
Có học như vậy thì mỗi cá nhân mới có thể thành công, xã hội mới có thể phồn thịnh. Quan niệm không đúng này không chỉ ở trong một số cán bộ giáo dục mà cả trong các bậc phụ huynh và nó chính là nguồn gốc của những thái quá trong giáo dục”.
Và vì thế, sẽ không có gì là lạ nếu có lúc nào đó chúng ta tình cờ được nghe một đứa trẻ nói: “Mẹ ơi, con chán học”!
Mai Minh