Trẻ dùng Smartphone sớm dễ bị xâm hại
(Dân trí) - Theo thống kê của Quỹ dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, 93% đối tượng xâm hại tình dục trẻ em là người thân quen; Trên thế giới cứ 4 bé gái, một bé bị xâm hại tình dục. Các bé trai cũng không an toàn khi trung bình cứ 6 em, một bị xâm hại. Nhiều phụ huynh vẫn lầm tưởng quấy rối, xâm hại tình dục chỉ xảy ra ở bé gái.
Thông tin trên được ông Nguyễn Huy Tùng, Trưởng phòng Đào tạo, Giảng viên- Trung tâm Phòng chống Tai nạn Thương tích Trẻ em đưa ra tại Hội thảo: “Bảo vệ con khỏi xâm hại, cha mẹ cần làm gì”.
Người thân quen dễ xâm hại trẻ
Mở đầu buổi hội thảo, ông Nguyễn Huy Tùng, Trưởng phòng Đào tạo, Giảng viên- Trung tâm Phòng chống Tai nạn Thương tích Trẻ em, đưa ra hình ảnh một số trẻ bị bạo hành thể xác và tinh thần ngay chính trong gia đình mình- đặc biệt nỗi đau về bạo hành tinh thần.
Cả khán phòng lặng đi, nhiều giọt nước mắt đã lăn trên khuôn mặt của phụ huynh khi một học sinh vừa khóc vừa kể về câu chuyện trong một lần tức giận, trong đêm, bố đã lôi hai con ra giữa sân, bắt quỳ xuống và quát to: “Hai đứa chúng mày không phải là con tao”.
“Có thể lời mắng nhiếc diễn ra trong cơn thịnh nộ của ông bố nhưng cú sốc tinh thần ấy sẽ ám ảnh cuộc đời của hai đứa trẻ sau này”, ông Tùng chia sẻ.
Chưa dừng lại ở đó, trong một lần dạy ở quận Hà Đông, một cô giáo đã đưa cho ông xem cuốn nhật kí của học sinh lớp 5. Em viết: "Bố thường sờ soạng vào người con, con không thích hành động đó của bố, bố là một con dê già". Dẫn giải những câu chuyện này, ông Tùng cho rằng, đối tượng xâm hại trẻ, phần lớn là người thân quen hoặc chính trong gia đình.
Qua thống kê ông Tùng đưa ra, từ năm 2011- 2015, có khoảng 5.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em xảy ra ở Việt Nam. Trong đó, có hàng loạt vụ án nghiêm trọng như, ông cụ 79 tuổi ở Hà Nội lĩnh án 8 năm tù khi dâm ô trẻ 3 tuổi năm. Năm 2018, đối tượng Nguyễn Khắc Thủy ở Vũng Tàu lĩnh án 3 năm tù cũng vì hành vi tương tự.
Đáng sợ nhất là năm 2016, vụ án hai bé gái (9 và 10 tuổi) mất tích tại huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Nhiều tháng sau, nguyên nhân được làm rõ: Gã hàng xóm rủ 2 bé về nhà, cưỡng hiếp, rồi sát hại, giấu thi thể nạn nhân trong vườn. Người xâm hại các bé khá thân quen, ngay gần nhà hai bé. Hắn còn giả vờ cùng gia đình nạn nhân đi tìm kiếm hai bé rất nhiệt tình trong những ngày chưa bị lộ tội ác.
Đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi tại sao trẻ em dễ bị dụ dỗ và đối tượng dụ dỗ là ai, Trung tâm Phòng chống Tai nạn Thương tích Trẻ em đã cho hơn 30.000 trẻ em tại 8 quận ở Hà Nội làm bài kiểm tra. Kết quả cho thấy, khoảng 87% trẻ cho rằng đó là người xa lạ, chỉ 4% là người thân quen.
Tuy nhiên, theo thống kê của Quỹ dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, 93% đối tượng xâm hại tình dục trẻ em là người thân quen; trên thế giới cứ 4 bé gái, một bé bị xâm hại tình dục. Các bé trai cũng không an toàn khi trung bình cứ 6 em, một bị xâm hại. Nhiều phụ huynh vẫn lầm tưởng quấy rối, xâm hại tình dục chỉ xảy ra ở bé gái.
Người lớn dễ phát hiện tình trạng bé gái bị xâm hại hơn so với bé trai. Điều này gây hậu quả trẻ không muốn tiếp xúc người khác giới, tự thu mình lại, lệch lạc giới tính.
Theo diễn giả này, từ 3 tuổi, cha mẹ cần dạy con bài học về kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục từ quy tắc lòng bàn tay, quy tắc đồ lót, lâu dần trẻ sẽ có khả năng tự vệ. Con cần hiểu cơ thể là riêng tư, không ai được phép động chạm vào, kể cả bố mẹ nếu con thấy khó chịu và đau đớn.
Dạy con nói “không” và kĩ năng kêu cứu
Cũng theo ông Tùng: "Trong một lần giảng dạy ở quận Cầu Giấy, một bé kể cho tôi nghe câu chuyện bé đi thang máy cùng chú hàng xóm, là bố của bạn Vân, bạn thân cháu.
Chú bảo con, sao con cùng tuổi con chú mà con phổng phao vậy? Con có tập thể dục hay chơi môn thể thao nào không? Nói rồi, chú xin vạch áo xem ngực con xem thế nào để về nhà hướng dẫn bạn Vân tập thể dục.
Mãi sau này, con mới biết đấy chính là hành vi xâm hại tình dục. Người mẹ của cô bé không chỉ sốc mà gần như suy sụp sau khi nghe câu chuyện tôi kể lại về con chị. Cũng may, đây là trường hợp sớm phát hiện ra, nếu để kéo dài, không biết sự thể sẽ đến đâu”, ông Tùng kể lại.
Ông Tùng cho rằng, đối với các hành động quấy rối trực tiếp như trên đây, cha mẹ cần dạy con nói không, về kể ngay với người thân cận hoặc mạnh hơn là kêu cứu và chạy đến chỗ gần nhất, đông người để được bảo vệ.
Cha mẹ cần hướng dẫn con một số “mẹo thoát hiểm” đơn giản. Chẳng hạn, khi bị nắm tay kéo đi, trẻ cần quẫy đạp vào chân đối tượng, miệng vừa kêu cứu thật to. Hoặc khi trẻ bị túm tóc thì cần làm gì để chạy trốn…
“Độ tuổi dậy thì của bé gái từ 9-11 tuổi. Do đó, cần dạy con các kỹ năng bảo vệ thân thể cần thiết ngay từ khi 3 tuổi, nếu không sẽ quá muộn”, ông Tùng nói.
Kĩ năng "thoát hiểm" khi trẻ bị kẻ xấu túm tóc phía trước.
Chia sẻ về các nguyên nhân, hành vi dễ dẫn tới dụ dỗ xâm hại trẻ em, ông Tùng cho biết, hiện khoảng hơn 50% bé gái bị dụ dỗ thông qua các trò chơi được yêu thích là làm bác sĩ. Trò chơi này dẫn đến cả hai phía tiếp xúc, động chạm vào cơ thể, trong khi trẻ không biết đây là hành vi sai trái.
Việc cho trẻ sớm dùng Smartphone hoặc các thiết bị điện tử hiện đại thường có nguy cơ rất cao bị xâm hại bởi dễ có đường link phản cảm, ấn phẩm xấu gửi đến mạng xã hội.
Chỉ một lần click vào, trẻ sẽ bị lôi cuốn và cuối cùng bị ép hoặc dẫn dụ trẻ quan hệ tình dục, gây ra nhiều hệ lụy, gây sang chấn tâm lý nặng nề.
Mỹ Hà