Trẻ chán học vì ước thành “hotgirl” săn... đại gia
(Dân trí) - Không ít phụ huynh hoảng hốt khi con ở độ tuổi mới lớn bỏ bê việc học hành lo tập trung cho vẻ đẹp bên ngoài. Thậm chí nhiều em còn đặt ra mục tiêu… thành “hot girl” nhằm “cua” đại gia để được ấm tấm thân.
Hoảng vì con mê thành… hotgirl
Từ một nữ sinh trước giờ chỉ lo học, rất hồn nhiên, giản dị nhưng từ đầu năm học này, cô con gái 15 của chị Ngọc Tân (ở Q.Bình Thạnh, TPHCM) thay đổi đến chóng mặt. Vào tuổi dậy thì, cháu cao vọt, dáng người lỏng khỏng, nghe nhiều lời khen giống… người mẫu nên đột nhiên cháu chú trọng “tân trang” vẻ ngoài. Trừ những đồng phục đến trường, chị Tân lo lắng khi thấy con sắm quần áo thời trang, trang điểm, xài nước hoa…
Chị lên tiếng ngăn cản, mắng con đua đòi thì cháu vùng vằng phản ứng và vẫn tìm cách qua mặt mẹ để chưng diện.
Con gái có lợi thế về vẻ ngoài nên từ ngày cháu còn nhỏ, vợ chồng anh Nguyễn Văn Sơn (công tác ở Q.3, TPHCM) đã lấy điều này làm niềm tự hào, nhất là khi nghe nhiều người khen cháu đẹp như hoa hậu. Anh chị đã tạo điều kiện cho con tham dự nhiều cuộc thi sắc đẹp, tài năng ở lớp, trường…
Khi lên cấp 3, có nhiều cuộc thi dành cho tuổi lứa tuổi teen, không chờ bố mẹ đồng ý thì cuộc thi nào như thi ảnh, gương mặt đại diện, thi áo dài, nhan sắc tuổi teen… cháu đều không để lỡ. Để thể hiện mình từng là người từng đoạt giải này giải nọ, cháu rất chăm chút vẻ ngoài như chỉ dùng hàng hiệu, trang điểm đậm, sắm điện thoại đắt tiền để thể hiện đẳng cấp.
Cô gái cũng dốc sức góp mặt trong những cuộc vui chơi, đàn đúm, tụ tập, đi bar vì cho rằng đến những môi trường có có nhiều cơ hội gặp gỡ, làm quen với nhiều người nổi tiếng, thành đạt. Đến khi thấy con tung ảnh gợi cảm lên Facebook, biết con sa đà, ảnh hưởng đến việc học, vợ chồng anh Sơn hoảng hốt tìm cách “chỉnh đốn” lại thì gặp ngay thái độ chống đối của cháu.
Vừa chính thức bước vào tuổi dậy thì đúng một năm, cô con gái 13 tuổi vốn rất ngoan ngoãn, học giỏi đã làm chị Nguyên Thảo, phụ huynh học sinh tại một trường ở Q.10 hoảng hốt vì cháu mê làm đẹp quá mức. Cháu tô vẽ khi đến trường, thích kiểu thời trang khoe hàng, làm móng tay chân, làm tóc… mà chẳng mấy bận tâm đến việc học.
Khi chị nhắc nhở, cháu nói thẳng rằng: “Học làm chi nhiều, chỉ cần đẹp con sẽ thành “hotgirl”, người mẫu để “cua” đại gia thì sẽ có người sắm nhà, sắm xe hơi”. Cháu còn bày tỏ ý định sau này sẽ phẫu thuật thẩm mỹ những điểm chưa vừa ý trên cơ thể.
“Chỉnh” sao cho khéo
Thích khẳng định bản thân là một đặc điểm của tuổi mới lớn, cùng với tác động bởi những hình ảnh lộng lẫy, ăn sung mặc sướng, giàu sang, xài hàng hiệu của một số người nổi tiếng như diễn viên, ca sĩ, người mẫu… nên các chuyên gia cho rằng các bạn trẻ mới lớn ngày nay mong muốn được như vậy không hề hiếm.
BS Đỗ Hồng Ngọc, nguyên Giám đốc Trung tâm truyền thông Giáo dục sức khỏe TPHCM cho hay sự biến chuyển phức tạp của xã hội làm chúng ta đôi khi không kịp giáo dục con trẻ con trẻ hướng đến các nội lực bên trong. Trên thực tế có nhiều người đẹp, ca sĩ ít học hành, thiếu khổ luyện nhưng chỉ thời gian ngắn đã sắm chiếc xe vài tỷ, chiếc túi hàng ngàn đô la nên tác động đến tâm lý độ tuổi mới lớn rất mạnh.
Ở độ tuổi này, các em quan tâm hơn đến hình thức, sắc đẹp thì không nên quá lo ngại. Nhưng các em đã suy nghĩ đẹp thì không cần học, đẹp để cua trai để có cuộc sống hưởng thụ thì cần được chấn chỉnh sớm. Nếu không các em sẽ dễ sa vào lối sống đua đòi, dựa dẫm, dễ bị dụ dẫn bởi tiền bạc, vật chất.
“Cha mẹ gần gũi hơn với con, qua đó chia sẻ với con về những giá trị trong cuộc sống chứ đừng hốt hoảng. Gợi ý cho con những hình mẫu những người nổi tiếng đi lên từ tài năng, khổ luyện…, nhẹ nhàng phân tích nên - không nên để con dần thay đổi suy nghĩ theo hướng tích cực. Tuổi này các em đang nghĩ vậy nhưng 1 - 2 năm sau, các em đã nghĩ khác rồi.
Điều đáng ngại là cũng không ít phụ huynh cũng nghĩ rằng con mình đẹp sau này làm người mẫu, người đẹp để lấy Việt kiều, lấy đại gia thì sướng”, BS Đỗ Hồng Ngọc cho hay.
Theo ThS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, ĐH Sư phạm TPHCM, cha mẹ cần dạy cho trẻ tính tự tôn, săn đại gia nghĩa là "sống bám", tự biến mình trở thành nô lệ của đồng tiền. Ngoài ra, trẻ cần được phân tích cụ thể về hậu quả của mục tiêu “sống bám” đó để trẻ hiểu rằng việc học không đơn thuần chỉ vì nghề nghiệp, để giỏi giang mà còn mang giá trị bản thân.
Thầy Hiếu nhấn mạnh: “Trẻ cần hiểu được rằng việc làm người yêu, cặp bồ với đại gia vì để được bao bọc sẽ không có hạnh phúc một hay kết quả tốt. Khi tháo gỡ khỏi đầu trẻ suy nghĩ đó thì mới có thể hướng trẻ sang những hình tượng đáng học hỏi hay một suy nghĩ đúng đắn hơn”.
Hoài Nam