Trao quyền tuyển dụng cho hiệu trưởng: Lo “đại bàng thêm cánh”?
(Dân trí) - TPHCM đang thực hiện lộ trình tự chủ nhân sự cho các trường THPT, trong đó hiệu trưởng sẽ nắm quyền trực tiếp trong tuyển dụng giáo viên. Điều này dẫn đến tâm trạng lo ngại "đại bàng" lại có thêm cánh?
Hiệu trưởng nắm quyền tuyển dụng
Tính đến năm 2016, TPHCM đã có 14 trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, trường chuyên biệt, trường mầm non trực thuộc được phân cấp tuyển dụng.
Năm học này, Sở GD-ĐT TPHCM phân cấp trách nhiệm tuyển dụng giáo viên, nhân viên đối với 2 trường THPT chuyên là Lê Hồng Phong và Trần Đại Nghĩa. Hiệu trưởng các trường sẽ được giao quyền chủ động tuyển dụng nhân sự cho đơn vị mình. Theo kế hoạch, từ nay đến 2020, TPHCM tiếp tục phân cấp trong tuyển dụng đối với các trường chuyên, năng khiếu và 24 trường THPT. Để tiến tới, sau năm 2020, 100% các trường THPT sẽ tự chủ về nhân sự.
Các trường là đơn vị trực tiếp sử dụng người lao động họ biết cần tuyển giáo viên có năng lực, phẩm chất như thế nào là phù hợp với hoạt động giáo dục, năng lực học sinh tại trường. Từ đó, chủ động tuyển người, sắp xếp, phân công hợp lý với điều kiện của trường. Việc tiếp nhận phân công công tác từ trên "đổ" xuống có khi trở thành "gánh nặng" cho trường học nếu ứng viên không phù hợp.
Ông Phạm Phương Bình, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Q.Thủ Đức), đánh giá, mỗi trường có chiến lược, kế hoạch phát triển và đặc thù khác nhau. Khi được tự chủ trong tuyển dụng nhân sự, lãnh đạo nhà trường có kế hoạch dài hơi để chủ động trong việc sắp xếp, tổ chức hoạt động trong nhà trường. Đồng thời, hội đồng tuyển dụng của mỗi trường sẽ có những bước thẩm định ban đầu về năng lực khi tiếp xúc trực tiếp với ứng viên là ưu thế so với việc phân công công tác như lâu nay.
Ngoài ra, việc tự chủ nhân sự còn giúp các trường phổ thông chủ động trong vấn đề tạo nguồn, có thể khuyến khích, động viên học sinh có tố chất, năng lực chọn Sư phạm, sau này quay về trường công tác.
"Ông vua con" lại thêm quyền?
Tự chủ trường học là vấn đề được ngành Giáo dục TPHCM ưu tiên thực hiện trong những năm gần gây và những năm tới. Về mặt quản lý và cơ chế, đây là việc phải làm nhằm tạo hành lang pháp lý cho giáo dục phổ thông có sự thay đổi mạnh mẽ về chất lượng đào tạo phù hợp với nhu cầu của thực tiễn.
Tuy nhiên, trước thông tin ngành giao quyền tuyển dụng nhân sự cho hiệu trưởng, nhiều người vẫn không khỏi giật mình khi lo lắng "đại bàng" lại được chắp thêm cánh.
Trong quy mô trường học, từ lâu hiệu trưởng đã được gọi là "ông vua con" với rất nhiều quyền hành. Thậm chí, quyền hành của hiệu trưởng còn có thể làm biến dạng tiếng nói dân chủ ở một số trường học thì lo ngại hiệu trường lạm dụng quyền tự chủ trong tuyển dụng là hoàn toàn có cơ sở.
Một giáo viên ở TPHCM bày tỏ, làm sao để tránh việc hiệu trưởng tuyển người vì những tiêu cực hay được nhắc đến như quan hệ, tiền tệ... là một việc không hề dễ dàng. Ở trên tuyển thì sẽ dựa trên những yêu cầu chung, còn hiệu trưởng nắm quyền tuyển dụng thì ngoài yêu cầu chung đó, liệu có "tiêu chí riêng" hay không?
Ngoài ra, cô cũng lo ngại, hiệu trưởng nắm quá nhiều quyền, nhất là về mặt nhân sự cũng là một thách thức cho người giỏi, những người dám lên tiếng, dám nêu ý kiến...
"Không ít giáo viên giỏi, cá tính, dám lên tiếng trước tiêu cực bị cô lập ở trường học. Họ bám trụ ở lại trường không hề dễ dàng nhưng nhờ là nhân sự trúng tuyển từ trên phân công xuống nên hiệu trưởng chưa dám thẳng "loại". Còn hiệu trưởng nắm quyền thì không biết được thế nào", cô bày tỏ.
Thầy Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó GĐ Sở GD-ĐT TPHCM nhiều lần chia sẻ, việc giao quyền tuyển dụng cho hiệu trưởng, có thể thấy rõ cái được là hiệu trưởng nắm rõ nhu cầu về nhân sự, tiêu chí, điều kiện đáp ứng của ứng viên... với yêu cầu của trường. Từ đó, thuận lợi nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường.
Tuy nhiên, để phát huy những mặt được của việc tự chủ nhân sự này đòi hỏi hiệu trưởng phải vừa hồng vừa chuyên, có đạo đức và có chuyên môn. Nếu hiệu trưởng thiếu chuyên môn, tâm huyết sẽ dễ xảy ra tiêu cực khi quyền hạn nằm trong tay. Họ có thể tuyển theo "tiêu chí" của cá nhân chứ không đặt lợi ích, mục tiêu chung, không đảm bảo được các nguyên tắc khi tuyển dụng. Điều này sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy trong trường học, nhất là vấn đề dân chủ.
Được biết, Sở GD-ĐT TPHCM đã lấy ý kiến của các hiệu trưởng và nhận được sự đồng tình về chủ trương này. Hài hước ở chỗ, ngành lại lấy ý kiến của chính hiệu trưởng về... việc trao quyền cho hiệu trưởng.
Hoài Nam