Trao giải thưởng “Tri thức trẻ vì giáo dục”
Cuộc thi "Tri thức trẻ vì giáo dục" thu hút 267 công trình sáng kiến về đổi mới dạy học, sáng kiến chế tạo đồ dùng dạy học... thu hút các giáo viên, đoàn viên, nhân dân quan tâm tới giáo dục tham gia, tác giả nhỏ tuổi nhất có tác phẩm dự thi mới 12 tuổi đến từ Lạng Sơn.
Tối 14/11, tại Hà Nội đã diễn ra lễ trao giải thưởng “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2016 với sự góp mặt của 16 tác giả, nhóm tác giả có công trình, sáng kiến xuất sắc nhất được lựa chọn vào chung khảo. Chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” được tổ chức nhằm cổ vũ, khuyến khích đoàn viên, thanh niên, đặc biệt là các trí thức trẻ đóng góp cho sự nghiệp đổi mới giáo dục và đào tạo thông qua các công trình, sáng kiến.
Phát biểu tại lễ trao giải, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh: “Chương trình là một sân chơi trí tuệ cho những người trẻ, những người thanh niên có tâm huyết với ngành giáo dục, để có nhiều sáng kiến, phương pháp mới để phục vụ cho dạy và học, và có những đổi mới trong việc chế tạo thiết bị, giáo cụ trực quan và những nghiên cứu khoa học phục vụ cho công tác giảng dạy trong nhà trường. Đồng thời thông qua đó chúng ta tôn vinh những tấm gương là thanh niên, học sinh, sinh viên, giảng viên, giáo viên… đã có nhiều sáng kiến góp phần vào sự nghiệp giáo dục đào tạo. Tôi được biết, có nhiều công trình của các em học sinh mới chỉ 12, 16 tuổi mà đã được áp dụng tại trường học và nhiều địa phương. Phải nói rằng sức sáng tạo của con người là vô hạn, và trong thời điểm này, ngành giáo dục rất cần những người trẻ tài năng như vậy để nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục”.
Ba công trình, sáng kiến tiêu biểu đã được lựa chọn từ 16 công trình, sáng kiến của vòng chung kết là: sáng kiến “Sự cần thiết của việc xây dựng chương trình và đưa giáo dục giới tính vào trường học” của tác giả Lê Thị Bé Nhung - Trường THPT Phan Ngọc Tòng, Bến Tre; Công trình “Ứng dụng Công nghệ mô phỏng Thực tại ảo 3D xây dựng hệ thống hỗ trợ công tác giảng dạy, học tập, nghiên cứu cho sinh viên và giảng viên khối ngành khoa học sức khỏe” của nhóm tác giả: Lê Văn Chung, Trịnh Hiệp Hòa, Lê Khắc Triều Hưng, Nguyễn Minh Đức, Nguyễn Lương Thọ, Trường Đại học Duy Tân, Đà Nẵng; Công trình “Thiết kế, chế tạo một số thiết bị thí nghiệm mới phần cảm ứng điện từ để sử dụng trong dạy học Vật lý ở trường phổ thông” của tác giả Nguyễn Quốc Huy, trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Đây là các công trình, sáng kiến được ban giám khảo đánh giá cao về sự mới mẻ, thiết thực và có khả năng ứng dụng rộng rãi vào hoạt động dạy học, hướng tới mục tiêu đổi mới GD-ĐT. Theo các thành viên ban giám khảo, trong số các công trình, sáng kiến được lựa chọn vào chung kết, nhiều công trình, sáng tạo đã có cả tính thương mại. Có nghĩa đó là những sản phẩm có thể nhân rộng được ở ngoài thị trường, ứng dụng rộng rãi vào hoạt động dạy học.
Là một trong 3 tác giả giành giải thưởng xuất sắc của chương trình, tác giả Lê Thị Bé Nhung, giáo viên trường THPT Phan Ngọc Tòng, huyện Ba Trị, tỉnh Bến Tre với công trình “Sự cần thiết của việc xây dựng chương trình và đưa giáo dục giới tính vào trường học” chia sẻ: “Khi mình còn là 1 học sinh, mình thấy có một số người bạn nữ mang thai, làm mẹ khi còn ở tuổi thành niên. Đến khi mình đã trở thành giáo viên, mình nhận thấy rằng việc lồng ghép giảng giải những kiến thức về giáo dục giới tính với môn Sinh học mà mình đang giảng dạy, hoặc các môn học khác như Giáo dục công dân, các buổi sinh hoạt ngoại khóa trong nhà trường thì vẫn chưa giải quyết hết được vấn đề thiếu kiến thức giới tính của học sinh. Đó chính là những trăn trở và cũng là động lực thúc đẩy mình làm dự án này".
Đánh giá các tác phẩm dự thi, ông Nguyễn Sỹ Dũng, Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, thành viên Ban giám khảo – cho biết: “Về mặt quản lý nhà nước, để ứng dụng các công trình, nhà nước có thể cấp thêm kinh phí bên cạnh các nguồn lực xã hội. Sau khi tìm ra các sản phẩm có tính mới và thực tiễn, nhà nước – trước hết là Bộ Giáo dục & Đào tạo nên giao bộ phận chuyên môn để nghiên cứu thêm về những sản phẩm này. Các cuộc thi này là một nguồn để tạo làn gió mới cho giáo dục vì thu hút người trẻ với tính sáng tạo cao và thu hút cả những người ngoài ngành với nhiều ý tưởng mới mẻ”.
TS Võ Văn Thành Nghĩa – Tổng GĐ Tập đoàn Thiên Long; Phó trưởng ban chỉ đạo cuộc thi - cho biết: “Hơn 260 bài dự thi trong năm đầu tiên là một tín hiệu rất đáng mừng và tích cực. Tích cực vì đây là cơ hội để tri thức trẻ thể hiện tâm huyết của mình đối với sự nghiệp giáo dục, đặc biệt trước những vấn đề nóng của giáo dục hiện nay rất cần được giải quyết trên cơ sở khoa học và có sự nghiên cứu thấu đáo. Nội dung của những tác phẩm dự thi rất phong phú, đề cập đến giải pháp đối với việc thiếu hụt các sáng chế dụng cụ học tập, các phương pháp học hiệu quả, những bất cập về giáo dục giới tính trong học đường, bệnh thành tích trong giáo dục...”.
“Tri thức trẻ vì giáo dục” là chương trình do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức. Năm 2016 là năm đầu tiên chương trình được triển khai trong giai đoạn 2016 - 2020 nhằm cổ vũ, khuyến khích đoàn viên, thanh niên, đặc biệt là các trí thức trẻ đóng góp cho sự nghiệp đổi mới giáo dục và đào tạo thông qua các công trình, sáng kiến.
Được phát động vào ngày 28/4/2016, "Tri thức trẻ vì giáo dục" thu hút 49 đơn vị tham gia với 267 công trình sáng kiến. Trong có 108 công trình sáng kiến tập trung vào đổi mới phương pháp dạy học trong các nhà trường từ mầm non cho đến đại học; 92 sáng kiến chế tạo các đồ dùng, thiết bị dạy học và 67 công trình nghiên cứu trong giáo dục có thể ứng dụng nhiều bậc học.
Nhiều tác giả dự thi là giáo viên, đoàn viên thanh niên trẻ công tác trong ngành giáo dục. Nhưng cũng có người làm việc ở các lĩnh vực khác quan tâm đến việc đổi mới giáo dục. Đặc biệt, có 20 công trình của tác giả là học sinh, sinh viên, tác giả nhỏ nhất tham gia mới 12 tuổi ở Lạng Sơn. Bên cạnh đó, trong 16 tác giả lọt vào chung khảo chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục”, tác giả trẻ tuổi nhất năm nay 16 tuổi, đến từ Hậu Giang. Em là em Phạm Nguyễn Anh Ngữ (16 tuổi), học sinh trường THPT Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang với sáng chế phần mềm “Trợ thủ học tập” ứng dụng trên di động.