Tránh những nỗi lo không đáng có trong phòng thi

(Dân trí) - Nhiều sĩ tử lo lắng đến mức hình dung giám thị hay bạn thi cùng phòng là “sát thủ”, thấy là run. Hay có thí sinh chưa thi đã nản khi khư khư cho rằng thi khối C có nhiều tiêu cực…

Đối mặt với kỳ thi quan trọng, sĩ tử khó tránh được những sự hồi hộp, lo lắng. Tuy nhiên, có những nỗi lo hoàn toàn các em tự tạo ra cho mình, có thể ảnh hưởng xấu đến kết quả thi.

Yên tâm về kiến thức của mình, nhưng điều em Lê Thị Lan (ngụ ở Q.6, TPHCM) lo nhất lại là khối thi mình chọn. Lan hình dung đủ thứ tiêu cực ở khối C thi tự luận sẽ có quay cóp, chấm thi không công bằng… Ngoài than phiền với thầy cô, bạn bè, về nhà Lan còn làm bố mẹ cũng nhấp nhổm theo.

Đừng để những yếu tố bên ngoài ảnh hưởng đến tinh thần thi cử của mình.

Đừng để những yếu tố bên ngoài ảnh hưởng đến tinh thần thi cử của mình.

Hai mẹ con Lan đã tìm đến rất chương trình tư vấn mùa thi, hỏi về việc “tiêu cực trong khối C”. Dù trực tiếp nghe nhiều chuyên gia giải thích độ nghiêm túc ở kỳ thi tuyển sinh đại học, không nên lo lắng điều này mà ảnh hưởng đến tâm lý nhưng mẹ con họ vẫn không yên tâm. Đến sát ngày thi, nữ sinh này vẫn buồn bã: “Gia đình kỳ vọng ở em rất nhiều. Em học tốt nhưng chọn khối C chắc gì đỗ nổi”.

“Bác sĩ ơi, cả tháng nay em học không vô. Ngồi vào bàn học là trước mặt em hiện ra cảnh ở phòng thi sắp tới. Nào là thanh tra, giám trị, các thí sinh xuất sắc khác… họ như những “sát thủ” vậy. Chỉ nghĩ đến là em mất tinh thần rồi, bước vào phòng thi chắc em xỉu quá!”, một sĩ tử gửi thắc mắc đến một chương trình tư vấn.

Câu hỏi tưởng như rất ngô nghê nhưng nhiều chuyên gia tâm lý khẳng định, đây là lo lắng mà đến đâu tư vấn họ cũng gặp trong mùa thi. Nhiều em kiến thức rất vững, học tốt mà chỉ nghĩ đến việc bước vào phòng thi là bị “khớp”, run rẩy muốn bỏ cuộc. Riêng việc nghĩ ngợi, lo lắng thái quá này cũng đã làm các em thiếu sự tập trung ôn luyện.

Theo TS Huỳnh Văn Sơn (Trưởng bộ môn Tâm lý học, ĐH Sư phạm TPHCM), việc thí sinh lo lắng đủ thử trước ngày thi thực chất đó những áp lực xuất hiện khi con người thực hiện nhiệm vụ hoặc hướng đến một mục tiêu. Có những cá nhân khi đặt mình vào việc thực hiện những nhiệm vụ cụ thể ở một hoàn cảnh cụ thể hay cảm thấy căng thẳng và không làm chủ được chính mình.

“Để khắc phục, các em cần tập những kỹ năng và thói quen cần thiết như điều khiển sự chú ý theo tiêu điểm (tránh chú ý vào giám thị, thí sinh khác làm quá nhanh, ồn ào khi thi), tăng khả năng tập trung cao để tỉnh táo và nhớ bài. Không khí trong phòng thi là thách thức hoàn toàn có thể thích nghi”, chuyên gia này nhấn mạnh.

TS Huỳnh Văn Sơn chia sẻ thêm một số thủ thuật giúp thí sinh tự tin bước vào phòng thi như không nên học dồn ép trước giờ thi, tận dụng 5 phút đầu tiên khi chưa phát đề để nhớ lại kiến thức chính hoặc có thể ghi lại kiến thức trên giấy nháp đã được giám thị ký tên, hít thở thật sâu để trấn an tâm lý, nhẩm một câu nói ấn tượng như “Mọi thứ sẽ vượt qua thôi!”, “Mình làm được!”.

Sự vững vàng về tâm lý luôn là một trong những yếu tốt quyết định thành bại của bài thi. Tuy nhiên, không ít sĩ tử và người thân các em nhiều khi lại tự tạo ra cho mình những áp lực.

Học tủ, học nhồi trước ngày thi có thể làm thí sinh tăng thêm sự lo lắng. (Ảnh minh họa)

Học tủ, học nhồi trước ngày thi có thể làm thí sinh tăng thêm sự lo lắng. (Ảnh minh họa)

Để biết “vận” thi cử của con, còn kịp thời tìm cách “giải hạn”, không ít gia đình bắt con đi xin xăm, xem bói trước ngày thi. Điều này tạo áp lực rất lớn cho các em vì nếu kết quả xấu thì các em dễ bị hoảng loạn, mất hết tinh thần với việc thi cử. Có những thí sinh chưa đến ngày thi mà nghe thầy phán “Số con học tài thi phận, thi kiểu nào cũng khó đỗ”, thì xem ra lời phán này sẽ thành sự thật không phải vì thầy “phán đâu đúng đó” mà do thí sinh tự hại mình.

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc (Trưởng bộ môn Khoa học hành vi và Giáo dục sức khỏe, ĐH Y Phạm Ngọc Thạch) cho rằng, để kỳ thi thành công, bên cạnh việc chú ý sức khỏe, kiến thức ôn thi thì việc giải tỏa áp lực tâm lý cho thí sinh rất quan trọng.

Trước hết, người thân phải tạo cho các em tâm lý nhẹ nhàng, đỗ hay chưa đỗ cũng chưa nói lên được điều gì với cuộc đời các em. Bố mẹ đừng vì sự ích kỷ của bản thân ép con phải thi đỗ mà hãy động viên con hãy cố gắng hết mình sẽ giúp thí sinh vững vàng hơn nhiều.

Còn bản thân thí sinh đừng tự tạo ra những áp lực không đáng có mà hãy tập trung ôn tập hợp lý, hiệu quả. Cần tránh việc học tủ, học nhồi nhét, học dồn… để đi thi với một tâm trạng thoái mái nhất.

Hoài Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm