Tranh cãi quanh quy định cho phép hút thuốc lá ở trường đại học
Trong dự thảo Hướng dẫn thực hiện quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá của Bộ Y tế không cấm hút thuốc ở giảng đường đại học, khuôn viên trường đại học.
Nhiều ý kiến nói rằng, việc đưa ra quyết định này vừa không cần thiết vừa có thể cổ vũ tình trạng nghiện thuốc lá.
Không cấm
Nội dung không cấm hút thuốc với các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp có khối tích trên 5.000m3 trong dự thảo Hướng dẫn thực hiện quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá của Bộ Y tế đang nhận nhiều ý kiến trái chiều.
Theo Điều 2 của dự thảo Hướng dẫn thực hiện quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá quy định, các địa điểm sau đây bị cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên, bao gồm: cơ sở y tế; cơ sở giáo dục, trừ cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp có khối lớp học có khối tích trên 5.000m3.
Các địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà, bao gồm nơi làm việc của cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và nơi làm việc trong nhà khác; cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp có khối lớp học có khối tích dưới 5.000m3.
Như vậy, các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp có khối tích trên 5.000m3 sẽ không bị cấm hút thuốc hoàn toàn.
Quy định sẽ không bị cấm hút thuốc hoàn toàn đối với các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp có khối tích trên 5.000m3 khiến lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng khá bất ngờ. Những vị lãnh đạo này nói rằng, cần kiên quyết và cấm tuyệt đối khói thuốc lá trong cơ sở giáo dục.
TS Trần Thanh Thưởng, Trưởng phòng Công tác Sinh viên trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM cho rằng nên cấm hút thuốc ở tất cả các cơ sở giáo dục, không phân biệt trường đại học, cao đẳng hay tiểu học, mầm non và không phân biệt không gian lớn hay nhỏ.
Nhiều trường cấm
Theo TS Trần Thanh Thưởng, tại trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP. HCM, việc cấm hút thuốc được đưa vào nội quy nhiều năm qua. Nếu sinh viên vi phạm sẽ có hình thức xử lý. Cụ thể, vi phạm lần đầu thì sẽ nhắc nhở. Lần 2 bị khiển trách, lần 3 cảnh cáo và phải làm cam kết không tái vi phạm.
Hiện nay, trong khung xử lý kỷ luật các vi phạm của sinh viên trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP. HCM thì hút thuốc có thể bị xem xét kỷ luật từ mức cảnh cáo đến buộc thôi học nếu tái phạm. Cụ thể, lần 1 cảnh cáo, lần 2 đình chỉ học tập 1 năm, lần 3 buộc thôi học.
Còn trường ĐH Công nghệ TP. HCM, từ năm 2011 đã có thông báo cấm hút thuốc lá trong khuôn viên trường. Đây cũng là một trong những trường xây dựng thành công mô hình "Ngôi trường nói không với thuốc lá".
Hằng ngày, trường ĐH Công nghệ TP. HCM sẽ có tổ theo dõi và kiểm tra đột xuất việc hút thuốc lá. Sinh viên nào vi phạm sẽ chịu hình thức kỷ luật là buộc thôi học.
"Việc cấm sinh viên, giảng viên, cán bộ nhân viên hút thuốc lá trong trường được thực hiện theo chỉ thị 56/2007/CT-BGDĐT của Bộ GD - ĐT về việc tăng cường công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá trong ngành giáo dục. Kết quả tích cực từ hoạt động này chính là một không gian học tập trong lành, thoáng đãng, chuyên nghiệp dành cho sinh viên", đại diện trường ĐH Công nghệ TP. HCM nói.
Hàng năm, trường ĐH Công nghệ TP. HCM đều tổ chức cho toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, sinh viên học tập Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá. Trong công tác giáo dục chính trị, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, nhà trường đều lồng gắn nội dung tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về phòng chống tác hại của thuốc lá, kế hoạch phòng chống tác hại của thuốc lá của tỉnh, tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người...
Bên cạnh đó, Ban Giám hiệu giao nhiệm vụ cho các phòng, ban, khoa, các đoàn thể như Công đoàn, Đoàn thanh niên quán triệt sâu rộng đoàn viên thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá.
Kết hợp với công tác tuyên truyền giáo dục trực tiếp, nhà trường còn chú trọng hình thức tuyên truyền trực quan như tổ chức treo băng rôn, khẩu hiệu về tác hại của thuốc lá tại các ban, khoa, phòng làm việc, phòng học của sinh viên và những vị trí dễ nhìn thấy trong hành lang, sân trường.
Chứa hơn 4.000 loại hóa chất, trong đó có 200 loại độc hại và có ít nhất 69 loại gây ung thư, các nghiên cứu đã chứng minh khói thuốc lá là mối nguy cơ lớn đối với sức khỏe cho tất cả những người tiếp xúc trực tiếp hút thuốc và cả những người thụ động hít phải khói thuốc. Điều 22 luật Giáo dục có hiệu lực từ 1/7/2020 quy định, hút thuốc là một trong những hành vi nghiêm cấm trong các cơ sở giáo dục.