Đắk Nông:

Trang giáo án đặc biệt của lớp học giữa rừng

(Dân trí) - Giữa không gian bao la của vùng cao Tây Nguyên, tiếng học sinh vẫn vang lên rộn rã, phá tan cái giá lạnh của đêm mùa khô. Tiếng cô hỏi - trò đáp cứ thế nối tiếp nhau cho đến tận khuya, khi chỉ còn lác đác mấy căn nhà sáng đèn.

Có điều lạ là, giọng đọc của học sinh lại trầm, đục chứ không lảnh lót như những lớp học thường thấy. Đó là bởi, học sinh của lớp là những người có tuổi đời xấp xỉ 60, có người đã lên chức ông bà.

Để dạy những học sinh đặc biệt này, ngoài công việc trên trường trên lớp, hàng ngày các thầy cô giáo còn phải dành thời gian soạn giáo án riêng. Những tiết học thành công, hiệu quả một phần cũng đến từ những trang giáo án được biên soạn, chăm chút, chỉnh sửa cả tuần trời.

Sáng dạy trẻ, tối dạy già

Đều đặn 3 năm nay, cứ mỗi khi học sinh trường PTCS Kim Đồng (xã Long Sơn, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) bước vào năm học mới cũng là lúc người già, người chưa biết chữ của xã rủ nhau đến nhà văn hóa cộng đồng học chữ. Lớp học đặc biệt dành cho những người đã xấp xỉ tuổi 60, có người đã lên chức ông bà, hoặc ít nhất cũng thành cha, thành mẹ. Giáo viên của lớp học đặc biệt này là những thầy cô giáo của trường PTCS Kim Đồng.


Cứ mỗi khi học sinh bước vào năm học mới, người già, người chưa biết chữ lại rủ nhau đến nhà văn hóa cộng đồng học chữ

Cứ mỗi khi học sinh bước vào năm học mới, người già, người chưa biết chữ lại rủ nhau đến nhà văn hóa cộng đồng học chữ

Là người có “thâm niên” giảng dạy tại lớp xóa mù chữ xã Long Sơn, cô Nguyễn Thị Thảo tâm sự, 7 năm trong nghề nhưng đã 3 năm cô đứng lớp dạy chữ cho những học sinh lớn hơn cả tuổi mình. Dù là giáo viên trẻ nhất cả về tuổi đời, tuổi nghề nhưng cô Thảo lại được học sinh yêu mến, đề nghị làm chủ nhiệm từ năm lớp 1 đến lớp 3.

“So với việc dạy học sinh bình thường, thì dạy học cho những học viên có tuổi đời lớn hơn mình có nhiều điều thú vị, cũng là những trải nghiệm đáng nhớ trong cuộc đời làm nghề. Mình vẫn nhớ ngày đầu tiên đi dạy, khác với không khí sôi nổi, hồn nhiên của học sinh 6-7 tuổi, học viên lớp xóa mù chữ đều khá dè dặt, ngại ngùng, thậm chí khi giáo viên gọi đứng lên giới thiệu bản thân, có học viên cứ ngồi lỳ một chỗ, khiến việc tương tác giữa giáo viên và học viên bị hạn chế. Nhưng trải qua hơn 1 tuần làm quen, cả cô và trò đều tìm thấy sự thỏa mái, việc dạy và học đạt hiệu quả hơn”.

Cách lớp học xóa mù chữ của cô Thảo gần 100km cũng có một lớp học tương tự. Lớp học bắt đầu từ lúc 19h tối và kết thúc khi trời đã về khuya, dành cho những học sinh là người đồng bào M’Nông trên địa bàn xã Quảng Tín, huyện Đắk R’Lấp.

Bên cạnh những kiến thức tiếng Việt, Toán thông thường…
Bên cạnh những kiến thức tiếng Việt, Toán thông thường…

Lần đầu đứng lớp dạy chữ cho những học viên đầu đã điểm bạc, cô Đào Thị Nhạn (giáo viên trường Tiểu học Lê Hồng Phong) cho biết, một ngày đứng hai lớp, mỗi lớp có một đặc thù riêng. Buổi sáng dạy trẻ, giáo viên như những người mẹ, quan tâm tới các em từng chút một, nhưng buổi tối, họ không đứng trên cương vị của một giáo viên mà là một người bạn, giúp đỡ những học viên chưa biết chữ.

“Niềm vui của chúng tôi là học viên rất chăm chỉ, chịu khó học tập, trong lớp có nhiều người lớn tuổi nhưng lúc nào họ coi mình như học sinh bé bỏng, song luôn giữ thái độ tôn trọng giáo viên,” cô Nhạn cho hay.

Đưa chăn nuôi, sinh đẻ... vào giáo án

Theo chia sẻ của những thầy cô đứng lớp xóa mù chữ, hiện nay những lớp học này chưa có sách giáo khoa, cũng chưa có tài liệu giảng dạy dành riêng cho giáo viên, tất cả học viên đều học theo chương trình phổ thông hiện hành, tương đương từ lớp 1 đến lớp 3.

Thầy Trần Công Minh, Hiệu trưởng Trường PTCS Kim Đồng cho biết, hướng dẫn của chương trình xóa mù chữ cũng rất chung chung, khái quát, các học viên được học theo chương trình sách giáo khoa toàn quốc. Tuy nhiên để phù hợp với độ tuổi cũng như trình độ, tâm lý của học viên, nhà trường phải điều chỉnh lại giáo án giúp họ dễ hình dung và ứng dụng trong thực tiễn hơn.


Giáo viên phải đưa vào bài giảng những kiến thức thực tế, phù hợp với trình độ, tâm lý học viên

Giáo viên phải đưa vào bài giảng những kiến thức thực tế, phù hợp với trình độ, tâm lý học viên

Theo đó, ngoài môn tiếng Việt và làm Toán, các học viên sẽ được học thêm môn Khoa học tự nhiên. Tuy nhiên, nếu như học sinh tiểu học sẽ làm quen với thế giới tự nhiên từ những điều đơn giản nhất thì đối với những học viên lớn tuổi, nội dung giảng dạy sẽ phải thay đổi, mới lạ hoàn toàn.

“Không thể dạy người lớn con gà đẻ ra quả trứng, mặt trời mọc hướng Đông, lặn hướng Tây mà cần mang đến cho học viên những kiến thức mà họ chưa từng tiếp cận như: hệ tuần hoàn, hệ hô hấp, chất dinh dưỡng,vũ trụ, thiết bị di động, giao thông đi lại. Riêng môn Toán, cũng không giáo viên nào lấy ví dụ quả cam, quả táo mà thay vào đó phải là bao cà phê, bao tiêu để buổi học thêm trực quan, sinh động, gần gũi với học viên”, thầy Minh thông tin thêm.

Đặc biệt, xuất phát từ hoàn cảnh thực tế, tất cả các học viên của lớp xóa mù chữ đều là phụ nữ, quanh năm chân lấm tay bùn, sinh sống ở khu vừng rừng núi hoang vu nên trong giáo án, lúc nào cũng có kiến thức về sinh sản, kế hoạch hóa gia đình và sản xuất nông nghiệp.


Do đặc thù của lớp học nên trong bài giảng, giáo viên còn lồng ghép kiến thức trồng trọt, sinh sản (trong ảnh: Học viên phát biểu về cách quan hệ tình dục an toàn)

Do đặc thù của lớp học nên trong bài giảng, giáo viên còn lồng ghép kiến thức trồng trọt, sinh sản (trong ảnh: Học viên phát biểu về cách quan hệ tình dục an toàn)

Cô Nguyễn Thị Thu, Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Hồng Phong chia sẻ, đặc thù của lớp là 100% người đồng bào dân tộc thiểu số, có gia đình vẫn giữ thói quen sinh nhiều con, “đứa trẻ tự sinh, tự sống”, bữa ăn không cần biết đầy đủ chất dinh dưỡng hay không nên giáo viên phải lồng ghép những kiến thức đó vào trong các tiết học. Với những nội dung này, nhà trường sẽ cử cô giáo đi tìm hiểu ý kiến của người có chuyên môn, sau đó sẽ xây dựng thành bài giảng để trình bày trước các học viên.

Nói đên đây, cô Thu hài hước ví von: “Đôi khi chúng tôi còn đảm nhận luôn vai trò của chuyên gia nông nghiệp, bởi trong suy nghĩ của học viên, điều gì giáo viên cũng biết nên họ sẵn sàng đặt câu hỏi nếu thắc mắc điều gì. Điều đó bắt buộc giáo viên chúng tôi phải đọc rất nhiều tài liệu sách báo liên quan đến nông nghiệp, điều gì không hiểu là phải hỏi ngay cán bộ khuyến nông địa phương”.

“Chúng tôi đặt mục tiêu, sau khi hoàn thành 3 lớp đầu tiên, các học viên đều đảm bảo đọc được thư, báo, tạp chí, đọc được đơn thuốc, chỉ dẫn của bác sĩ, hiểu được các hướng dẫn sử dụng phân bón hay thuốc trừ sâu, hiểu kĩ thuật sản xuất mới… Tất cả những kĩ năng rất cần thiết cho cuộc sống của họ, nên chúng tôi phải cố gắng truyền tải thật nhiều kiến thức thực tế trong những tiết học”, Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Hồng Phong cho hay.

Được biết, trong năm 2016, toàn tỉnh Đắk Nông, chỉ có xã Long Sơn (huyện Đắk Mil) và Quảng Tín (huyện Đắk R’Lấp) triển khai các lớp học xóa mù chữ cho người dân địa phương. Số lượng học viên được xóa mù chữ tại hai địa phương này là trên 100 người, tất cả đều là người đồng bào dân tộc thiểu số.

Dương Phong

Dòng sự kiện: Gương sáng giáo dục