Trải nghiệm nền giáo dục ở 3 châu lục, 9x Việt muốn góp sức chống xâm nhập mặn

(Dân trí) - Anh Nguyễn Duy Duy có tuổi thơ gắn liền với những cơn bão miền biển Hà Tĩnh. Anh học đại học tại Nga, lấy bằng Thạc sĩ tại Mỹ và đang là Nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Úc. Anh và nhóm nghiên cứu tại Úc muốn ứng dụng mô hình ứng phó với vấn đề xâm nhập mặn tại các đồng bằng của Việt Nam.

Trải nghiệm nền giáo dục ở 3 châu lục, 9x Việt muốn góp sức chống xâm nhập mặn - 1

Anh Nguyễn Duy Duy hiện đang là nghiên cứu sinh Tiến sĩ chuyên ngành thủy lợi tại ĐH Sydney, Úc.

"Phù thủy" săn học bổng

Nguyễn Duy Duy sinh ra và lớn lên tại Hà Tĩnh. Bố và mẹ anh là công chức nhà nước. Anh có em trai hiện đang là bác sĩ nội trú ngành phẫu thuật tim mạch ở Đại học Y Hà Nội.

Anh Duy từng học tại Đại học Bách khoa Saint Petersburg (Nga) chuyên ngành Xây dựng công trình thuỷ. Anh lấy bằng Thạc sĩ tại Đại học Notre Dame (Mỹ), chuyên ngành Xây dựng dân dụng và môi trường.

Hiện tại, anh đang là Nghiên cứu sinh Tiến sĩ và làm việc tại phòng nghiên cứu cơ học chất lỏng của trường và hưởng học bổng toàn phần RTP của Chính phủ Úc tại Đại học Sydney.

Ngoài việc là thành viên nhóm nghiên cứu của trường, anh Duy sẽ là thành viên của hội đồng trường đại học Sydney (Academic board) trong nhiệm kỳ 2020 – 2022.

Trong thời gian là sinh viên, anh Duy từng đoạt các giải thưởng và học bổng của trường, khoa. Sau đại học, anh lọt vào danh sách của học bổng VEF, học bổng Sage Fellowship của ĐH Cornell, học bổng Melbourne School of Engineering Scholarship của Đại học Melbourne... Số lượng học bổng mà Nguyễn Duy Duy "săn" được nhiều tới mức bạn bè gọi anh là "phù thủy săn học bổng".

Anh Nguyễn Duy Duy đã và đang trải nghiệm nền giáo dục của 3 châu lục khác nhau và có những đánh giá thực tế.

Trải nghiệm nền giáo dục ở 3 châu lục, 9x Việt muốn góp sức chống xâm nhập mặn - 2

Anh Duy khi học cao học tại Đại học Notre Dame, Mỹ.

“Tôi đã tự đặt ra một quy tắc cho bản thân là sau 18 tuổi sẽ không còn sử dụng hỗ trợ về tài chính từ bố mẹ nữa. Chính vì thế, ở thời điểm khởi đầu nơi nào cho tôi học bổng toàn phần để thực hiện ước mơ của mình, tôi sẽ chọn nơi đó (cười).

Thêm vào đó, tôi cho rằng không có môi trường giáo dục nào là tốt nhất. Mỗi môi trường sẽ có một điểm mạnh và yếu riêng của nó. Ví dụ, về giáo dục đại học, ở Nga, giáo dục lý thuyết cơ bản sẽ được tập trung và đào tạo rất tốt.

Ở Mỹ, sinh viên sẽ được học và làm quen với ứng dụng, thực hành nhiều hơn. Ở Úc, việc phân rõ các lớp học thực hành, lý thuyết, thực tập khác nhau giúp sinh viên cọ xát và làm việc nhiều hơn với giáo sư và người hướng dẫn của mình”, anh Duy nói.

Anh Duy tiếp lời: “Với giáo dục sau đại học thì sẽ là một câu chuyện khác. Giáo dục sau đại học phụ thuộc nhiều vào lượng tiền mà trường đó được tài trợ.

Nghiên cứu cần rất nhiều tiền đến từ các nguồn khác nhau như chính phủ, đóng góp tư nhân, học phí... để xây dựng phòng thí nghiệm, trả lương cho sinh viên, nhân viên...

Hiện tại, nước Mỹ đang là nước làm tốt điều đó khi các dự án của các trường đại học lớn ở Mỹ được tài trợ nguồn tiền dồi dào hơn so với các nước khác.

Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là một bạn sinh viên chỉ nên chọn Mỹ là điểm đến của quãng thời gian nghiên cứu sinh của mình. Việc nghiên cứu của một sinh viên có thành công hay không phụ thuộc phần lớn vào bản thân người đó, giáo sư hướng dẫn và nhóm nghiên cứu. Một nhóm nghiên cứu mạnh đôi khi lại không đến từ một trường đại học lớn nhất”.

Là một người nghiên cứu khoa học lĩnh vực thủy lợi nhưng anh Duy Duy cũng dành nhiều thời gian tìm hiểu ngôn ngữ, văn học. Anh có thể giao tiếp thành thạo tiếng Việt, Anh, Nga, Pháp.

Bên cạnh đó, anh Duy cũng đam mê âm nhạc, đặc biệt là nhạc cổ điển. Anh có thể chơi không chuyên một số nhạc cụ bộ dây như classical guitar, ukulele, bộ thổi như sáo như harmonica, bộ gõ như piano. Và chiều chủ nhật hằng tuần là thời gian anh dành cho sở thích đi dạo lang thang để vẽ.

Hoài bão của chàng trai có tuổi thơ gắn liền với những cơn bão miền biển Trung bộ

Trải nghiệm nền giáo dục ở 3 châu lục, 9x Việt muốn góp sức chống xâm nhập mặn - 3

Nguyễn Duy Duy trình bày về nghiên cứu của anh tại Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu cuối tháng 11/2019.

“Tuổi thơ của tôi gắn liền với biển, với những cơn bão, những trận nắng hạn, gió lào, với những trận lũ lụt kinh niên, và với ý chí quật cường vươn lên của người dân ở mảnh đất miền Trung này.

Từ bé, tôi đã luôn nuôi dưỡng ước mơ có thể hiểu rõ hơn về biển, về khí hậu, về các trận thiên tai đó để có thể đóng góp cho chính quê hương mình.

Năm 2006 có một cơn bão lớn đổ bộ vào Việt Nam. Tôi còn nhớ như in hình ảnh bố tôi tất tả trong gió bão, dùng các bao cát để chắn mái hiên và đắp gạch tạm trước cửa nhà để tránh nước lũ tràn vào.

Hình ảnh đó luôn thôi thúc tôi rằng lớn lên sẽ trở thành kỹ sư môi trường và thuỷ lợi”, Nghiên cứu sinh Nguyễn Duy Duy (Đại học Sydney, Úc) chia sẻ.

Bởi tuổi thơ gắn liền với biển, anh Duy luôn khát khao tìm hiểu về biển. Anh luôn nuôi dưỡng ước mơ một ngày không xa sẽ chinh phục được cội nguồn khổng lồ, mênh mông bất tận ấy.

“Nghiên cứu của mình đang giúp mình đi đúng hướng với ước mơ từ thời thơ ấu”, anh Duy chia sẻ.

Chàng trai sinh năm 1991 này cùng nhóm nghiên cứu tại Úc tập trung  mô hình số để giải quyết các vấn đề trong thuỷ lực dòng chảy và sự hòa trộn.

Nghiên cứu này giúp phát triển các mô hình thuỷ lực thương mại được ứng dụng vào các bài toán môi trường, chẳng hạn như giải quyết vấn đề tảo xanh nở hoa. Đây là hiện tượng xảy ra tại nhiều sông, hồ khiến các sinh vật ngụ cư như cá, tôm… chết hàng loạt.

Anh Duy giải thích: “Khi gặp điều kiện nhiệt độ phù hợp, dòng chảy yếu, sự phân tầng nhiệt tạo điều kiện cho tảo xanh nở hoa, dẫn đến việc ngăn cản ánh sáng, oxy từ trên bề mặt xuống lòng sông hồ, và ngăn cản sự vận chuyển chất dinh dưỡng ở đáy sông hồ lên bề mặt nước.

Tình trạng trên sẽ gây nên cá chết hàng loạt, và nguồn nước bị ô nhiễm, nhiễm độc. Ví dụ như việc các chết được ghi lại ở hơn 1.000km ở sông Darling - Barwon ở Úc”.

Mặt khác, mô hình này cũng sẽ được ứng dụng trong việc giải quyết bài toán xâm nhập mặn, hay ao nhiệt (solar ponds), các bài toán về khí hậu, về việc sử dụng hiệu quả năng lượng trong hệ thống điều hoà của 1 tòa nhà... Đây đều là những trường hợp mà sự phân tầng nhiệt xảy ra rất rõ.

Mô hình ứng phó với xâm nhập mặn - vấn đề bức thiết tại Việt Nam

Trải nghiệm nền giáo dục ở 3 châu lục, 9x Việt muốn góp sức chống xâm nhập mặn - 4

Anh Duy bên poster trình bày về nghiên cứu của anh.

Nghiên cứu này có tính ứng dụng rộng. Với điều kiện tại Việt Nam, anh Nguyễn Duy Duy muốn ứng dụng nghiên cứu này vào trong vấn đề đảm bảo an toàn tài nguyên nước và xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng.

Hai đồng bằng trên là hai khu vực trọng yếu của Việt Nam khi mà nước ta đang nằm trong các nhóm nước chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu.

Tình trạng khô hạn và nước biển dâng dẫn đến việc hai đồng bằng trên đang chịu hậu quả trực tiếp của hai vấn đề tác động song song với nhau: hạn hán và nước biển dâng.

“Mô hình của chúng tôi sẽ giúp Việt Nam có một dự đoán chính xác hơn về các vấn đề đang xảy ra ở hai đồng bằng này.

Nó sẽ là nguồn tài liệu tham khảo giúp các ban, ngành đưa ra chính sách phù hợp hơn trong vấn đề ứng biến với biến đổi khí hậu ở hai vùng đồng bằng nói trên”, nghiên cứu viên này cho biết.

Nghiên cứu sinh ĐH Sydney đã trình bày giải pháp này tại Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu năm 2019 vừa diễn ra cách đây không lâu và nhận được sự ủng hộ, kết nối hợp tác với các nhà khoa học trẻ khác để cùng phát triển đề tài này.

Trong thời gian ngắn trở về Việt Nam, anh Nguyễn Duy Duy và Giáo sư - Tiến sĩ Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện Khoa học Thuỷ Lợi Việt Nam đã gặp gỡ, trao đổi và bắt đầu triển khai ý tưởng hợp tác giữa Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam và nhóm nghiên cứu của anh ở trường Đại học Sydney để cùng nghiên cứu về vấn đề an toàn tài nguyên nước và xâm nhập mặn ở hai đồng bằng sông Cửu Long và sông Hồng.

Mai Châm

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm