Trải nghiệm của cô gái Việt Nam giành học bổng tại Liên Hiệp Quốc

Vượt qua những ứng cử viên nặng ký, Tôn Nữ Tường Vy là một trong 75 bạn trẻ trên thế giới giành được học bổng toàn phần tham dự Khóa học hè của UNAOC (United Nations Alliance of Civilizations – Tổ chức Liên minh các nền văn minh của LHQ) và EF (Education First) từ ngày 16 - 23/8/2014.

Tường Vy đã có những trải nghiệm đáng quý tại New York cùng những người bạn quốc tế. Cô bạn trẻ cá tính này đã chia sẻ khá nhiều điều thú vị từ khóa học về các lĩnh vực xây dựng hòa bình, doanh nghiệp xã hội, đàm phán và vận động chính sách.

 

Thế giới rất xa mà rất gần

 

Tôi nghĩ mình khá may mắn vì đã qua “ải visa Mỹ” khá dễ dàng, nhưng không phải ai cũng vậy. Trên facebook group, chúng tôi theo dõi từng ngày cập nhật tình hình xin visa của anh bạn ở Palestine ngay trong khu vực bị chiếm đóng. Cuối cùng bạn thất vọng thông báo không đi được.

 

Vậy là chúng tôi chung tay với bạn theo nhiều cách: Thảo luận về xung đột ở Gaza, trên newsfeed tràn ngập những hình ảnh và thông điệp hòa bình cho Gaza.

 

Trải nghiệm của cô gái Việt Nam giành học bổng tại Liên Hiệp Quốc



Trong lúc ở New York, chúng tôi tranh thủ thời gian viết các tấm bảng màu và chụp gửi về cho các bạn không có được visa: “Tụi mình luôn ở bên các bạn”, và chia sẻ những điều bổ ích  mà chúng tôi học được. Qua những việc nhỏ ấy, chúng tôi đã xích lại gần nhau hơn và sự quan tâm lẫn nhau giúp cho khoảng cách địa lý không còn là vấn đề nữa.

 

Tinh thần trẻ

 

Một điều nổi bật trong khóa học, là đa phần các bạn tham dự đều là thành viên hoặc chủ các tổ chức xã hội dân sự. Chúng tôi có một buổi triển lãm về dự án cá nhân.

 

Tôi đã trình bày cho Đặc phái viên Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc về Thanh niên Ahmad Alhendawi về Câu lạc bộ Học thuật Lan tỏa tôi thành lập ở Tp. Hồ Chí Minh từ tháng 2/2014. Ông quan tâm đến cách chúng tôi tổ chức tự học với vai trò cá nhân được đề cao trong quá trình tự tìm hiểu, hướng dẫn, phản biện nội bộ và tổ chức đề tài học thuật hàng tháng.

 

Tại trụ sở Liên Hiệp Quốc, tôi là một trong số ít người may mắn được chọn để đặt câu hỏi cho Phó Tổng Thư ký UNAOC Jan Eliasson. Câu hỏi của tôi là làm thế nào thanh niên các quốc gia vốn có xung đột lâu dài với nhau có thể giảm bớt mối nghi kị và thù ghét, mà trong một số trường hợp lại vội vã và thiếu suy xét đa chiều.

 

Câu trả lời của ông Jan Eliasson là tập trung vào sức mạnh của truyền thông xã hội. Ông nhấn mạnh rằng tuổi trẻ có ba vũ khí: kiến thức, công nghệ và nhiệt huyết. Với mạng xã hội, người trẻ có thể bày tỏ thiện ý của mình để lan truyền đến cộng đồng, không những trong nước mà cả quốc tế.

 

Trong chuyến đi này, tôi đã có một cuộc gặp riêng với Tiến sĩ William F. Vendley, Tổng Thư ký tổ chức Tôn giáo vì Hòa bình, trong buổi ăn trưa tại trụ sở Liên Hiệp Quốc.

 

Sau khi gặp nhau tại một Hội thảo về Tôn giáo và ASEAN ở Thái Lan năm 2012, chúng tôi vẫn giữ liên lạc thường xuyên qua email. Hôm ấy, dù có chuyến công tác khẩn, nhưng bác vẫn tranh thủ sắp xếp thời gian đến nói chuyện với tôi.

 

Bác muốn xem tôi trưởng thành thế nào, còn tôi  muốn biết bác vẫn an toàn và khỏe mạnh khi phải đến những trận địa xung đột sinh tử gang tấc. Điều này khiến tôi rất xúc động. Mối quan hệ với những người có vị trí xã hội cao không nhất thiết phải được tạo nên bằng kỹ thuật ngoại giao, mà là sự chân thành và quan tâm thực sự về nhau.

 

EF Việt Nam và giấc mơ cho giáo dục



EF Việt Nam và giấc mơ cho giáo dục

 

Trước khi đạt học bổng khóa học hè năm nay, tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ có ngày được đặt chân đến thăm trụ sở Liên Hiệp Quốc.

 

Tuy không được chọn ở khóa học năm 2013, nhưng EF và UNAOC đã tạo động lực cho tôi không từ bỏ ước mơ khi ai cũng có cơ hội như nhau. Năm ngoái, tôi có một chút không tự tin về bản thân lắm khi được biết chỉ 100 người được chọn trong 20.000 đơn trên toàn thế giới, còn năm nay là 75/15.000.

 

Nhưng tôi vẫn tiếp tục theo đuổi học bổng vì nhận thấy định hướng về giáo dục của EF Việt Nam giống với mình: muốn các bạn trẻ Việt Nam đều có cơ hội tiếp cận với một trong những nền giáo dục tiên tiến nhất trên thế giới.

 

Biết tôi còn nhiều lo lắng vì chưa từng đến xứ cờ hoa, các anh chị bên EF Việt Nam đã cung cấp nhiều thông tin bổ ích về nước Mỹ, tổ chức UNAOC, EF và một số điều cơ bản để tham dự khóa học hè hiệu quả.

 

Hơn nữa, khi tôi ở New York, EF Việt Nam vẫn thăm hỏi, động viên và tôi cập nhật hàng ngày tình hình học tập của mình trong suốt khóa học. Có thể nói EF Việt Nam đã đồng hành cùng tôi trong suốt chặng đường trước khi đặt chân đến Mỹ cho đến sau khi trở về, để chuyến đi này thực sự hữu ích, hiệu quả.

 

Tôi tin rằng với sự tận tâm và tầm nhìn cho giáo dục, không chỉ EF Việt Nam mà còn nhiều tổ chức khác, sẽ là những người truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ dám dấn thân, kết nối và đóng góp được nhiều hơn cho tương lai của Việt Nam.

 

Theo Tôn Nữ Tường Vy
Giáo dục thời đại