Câu chuyện giáo dục:

Trả lại của rơi, xin ít tiền chuộc?

(Dân trí) - Chị vui mừng khi nghe quản lý nhà hàng báo tin bảo vệ nhặt được chiến điện thoại chị làm rơi và mời người mất đến nhận lại. Người mẹ “chớp” ngay cơ hội nói chuyện về người thật việc thật không ham của rơi với đứa con nhỏ.

Cuối tuần, sau buổi tiệc liên hoan cuối học kỳ với nhà trường tại nhà hàng tiệc cưới N.B. (quận Tân Phú, TPHCM), khi trở về nhà, chị - một giáo viên tiểu học - mới nhận ra mình mất điện thoại. Chị lục tung túi xách đồ đạc, đặt ra mọi tình huống, lục lại trí nhớ… và gần như chấp nhận chiếc điện thoại đã bị mất. Đã tự an ủi "của đi thay người" nhưng nghĩ đến việc mất rất nhiều dữ liệu cũng như sẽ phải sắm chiếc điện thoại khác với thu nhập nhà giáo eo hẹp, chị không khỏi nặng lòng.

Khi bình tâm lại, chị gọi điện vào số của nhà hàng dù không mấy hy vọng. Sau khi nghe chị trình bày, quản lý nhà hàng ghi nhận và cho biết sẽ xác minh để sớm thông tin lại. Chưa đầy nửa tiếng sau, người quản lý gọi lại cho hay bác bảo vệ nhà hàng nhặt được ở bãi gửi xe. Hiện họ đang giữ chiếc điện thoại như mô tả của chị, mời người bị mất xuống nhận lại.

Chị thở phào, trút được nặng nề trong lòng. Rồi chị “chớp” ngay cơ hội nói chuyện người thật việc thật không ham của rơi với đứa con nhỏ. Nào là mẹ mất điện thoại, đang buồn thì may mắn gặp được người tốt; chị còn tự vẽ ra trước mắt con bác bảo vệ lương chắc không bao nhiêu nhưng không ham của rơi...


Giáo dục về đạo đức, lòng tốt cho con trẻ ngày nay rất khó khi mà các giá trị sống nhiều khi bị đảo lộn. (Trong ảnh: Một chuyên gia trong lĩnh vực công tác xã hội đang trò chuyện với trẻ em nghèo)

Giáo dục về đạo đức, lòng tốt cho con trẻ ngày nay rất khó khi mà các giá trị sống nhiều khi bị đảo lộn. (Trong ảnh: Một chuyên gia trong lĩnh vực công tác xã hội đang trò chuyện với trẻ em nghèo)

Là một nhà giáo, chị hiểu rằng đối với trẻ nhỏ, một tình huống thực tế trong đời sống có giá trị hơn hàng vạn bài học đạo đức, giáo huấn từ sách vở. Chị còn dẫn cháu đi theo đến lấy điện thoại để cho con niềm tin người tốt có thật quanh ta. Trong sự phấn khởi của mình cũng như để bày tỏ lòng cảm kích, chị vòng vào siêu thị chọn một món quà nhỏ để gửi tặng bác bảo vệ thật thà, tốt bụng.

Đến nơi, hai mẹ con chị được quản lý nhà hàng đón tiếp rất nồng nhiệt. Sau khi xác nhận chiếc điện thoại đang giữ là của chị, người quản lý đưa ra một cuốn sổ, ghi chép cẩn thận ngày giờ trả lại điện thoại cho khách. Đồng thời, đưa tay chỉ cho chị thấy phần cột ghi rõ “Khách thưởng” và đề nghị chị gửi lại tiền “cảm ơn”.

Chị bần thần trong chốc lát và rồi cũng kịp hiểu mình phải trả tiền để chuộc điện thoại. Chị rút một khoản tiền được xem là “tự nguyện”, gượng gạo nhận lại chiếc điện thoại. Đến việc chị mong được gặp mặt bác bảo vệ cũng bị quản lý nhà hàng từ chối. Ra về, con gái chị cứ hỏi liên hồi: Vì sao mẹ lại phải đưa tiền mới lấy lại được điện thoại? Nhặt được của rơi phải đòi người khác đưa tiền rồi mới trả lại? Rồi cháu cầm túi quà chị chuẩn bị sẵn để cảm ơn bác bảo vệ: Cái này mình không tặng nữa ha mẹ?...

Chị nghẹn ngào không biết phải trả lời con thế nào. Không biết phải bù đắp niềm tin vào cuộc sống, vào lòng tốt cho con bằng cách nào khi mà lòng chị cũng đang đổ vỡ.

Người mẹ và cũng là một cô giáo, chị thật sự hoang mang khi nhìn cuốn sổ dày cộm đã rất nhiều khách phải trả tiền để nhận lại đồ vật của mình tại nhà hàng này chị hiểu đó là luật bất thành văn nơi đây. Nhặt được của rơi đòi ít tiền chuộc - điều bất bình thường, vô đạo đức như thế lại được một nhà hàng đặt ra như một quy định.

Những bài học về đạo đức, về lòng tốt, về tình người, về sự nhân ái… cho con trẻ dường như chỉ là lý thuyết. Và chị thêm thấm thía rằng, việc giáo dục nhân cách con trẻ của gia đình và nhà trường hiện nay vô cùng khó khăn khi mà dạy điều tử tế cho trẻ nhiều khi giống như đang diễn hài trước mắt các em.

Chị còn nghĩ, giá như mình không tìm lại được chiếc điện thoại; giá như lúc đó chị cân nhắc hơn, không chấp nhận bỏ tiền chuộc để tiếp tay cho hành vi xấu... thì cô con gái đã không phải trải qua bài học người thật việc thật về lòng tốt chua chát thế này.

Nguy hiểm lớn nhất của giáo dục không phải là học sinh không giải được những bài toán khó, không viết được những bài văn lấy nước mắt mà là con trẻ mất niềm tin vào con người, vào lẽ phải, vào các giá trị sống đang bị đảo lộn.

Hoài Nam

(Hoainam@dantri.com.vn)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm