TPHCM: Nhiều khoản chi mập mờ ở ngôi trường có hiệu trưởng bị kỷ luật
(Dân trí) - Không chỉ sai phạm trong việc hiệu trưởng không đứng lớp vẫn nhận hàng chục triệu đồng tiền phụ cấp, Trường tiểu học Phước Vĩnh An (huyện Củ Chi, TPHCM) còn có nhiều khoản thu chi hết sức mập mờ, khó hiểu.
Mới đây, UBND Củ Chi, TPHCM đã có kết luận thanh tra toàn diện trường tiểu học Phước Vĩnh An. Đây là ngôi trường nơi xảy ra việc hiệu trưởng Q.T.Y.V. không đứng lớp trong năm 2015 mà vẫn nhận hàng chục triệu đồng tiền phụ cấp mà Dân trí đã thông tin.
Nhà trường chi tiêu “mạnh tay”
Kết luận thanh tra cho thấy, trường tiểu học Phước Vĩnh An chi tiêu rất mập mờ trong nhiều khoản mua sắm cho hoạt động của nhà trường. Nhiều mặt hàng nhà trường chọn những nơi cung cấp có giá cao hơn so với mặt bằng.
Có thể kể như trường đặt mua nước tại một cửa hàng tạp hóa như gần 91.000 đồng/thùng và 49.000 đồng/bình (giá của công ty hãng nước này tại cùng thời điểm là chỉ hơn 71.000 đồng/thùng và 30.000 đồng/bình). Biết rõ giá của cửa hàng này cao nhưng theo lý giải của bà Ng. Th. L. A., Trưởng ban mua sắm do cửa hàng tạp hóa này vận chuyển một cách nhanh chóng, gọi điện thoại là có nên vẫn chọn.
Bà A. cũng là giáo viên chủ nhiệm lớp 5/2. Lớp mà bà hiệu trưởng V. giải trình là mình có phụ trách đứng lớp môn Khoa học 2 tiết/tuần và được bà A. ký xác nhận có đứng lớp. Có ngày thứ 7 là ngày nghỉ nhưng bà L.A. vẫn ký xác nhận hiệu trưởng đứng lớp.
Không chỉ hàng hóa, khoản chi từ nguồn thu tiền dạy thêm - học thêm cho hiệu trưởng do hiệu trưởng quyết định cũng cao hơn mặt bằng quy định.
Bà Y.V. quyết định định mức chi cho hiệu trưởng 60% trong 15% chi cho công tác quản lý dạy thêm học thêm hè 2015. Quyết định này không thông qua tập thể và cũng không xây dựng trong quy chế chi tiêu nội bộ.Theo bà V., do hiệu phó không tham gia, hiệu trưởng thực hiện luôn cả phần nhiệm vụ của hiệu phó nên quyết định tự chi...cho mình (35% của hiệu trưởng và 25% của hiệu phó)
Tự mua hàng, tự tay viết hóa đơn
Trường tiểu học Phước Vĩnh An còn vướng nhiều sai phạm tài chính, đáng chú ý là việc người đứng ra mua hàng tự tay viết hóa đơn và nhiều khoản không vô sổ sách chứng từ.
Bà Ng.Th.L.A. đi mua nhiều mặt hàng cho trường nhưng nhiều mặt hàng không có hóa đơn và nhiều mặt hàng do bà A.tự viết. Bà A. lý giải nhiều cửa hàng không có hóa đơn và nhiều cửa hàng thì bận không có thời gian viết hóa đơn nên đưa hóa đơn cho cô A. về tự tách ra (mỗi hóa đơn dưới 200.000 đồng) viết.
Về thu hộ - chi hộ tiền đồng phục, tiền sách giáo khoa trong năm học 2015-2016 của trường cũng không có chứng từ, không có sổ theo dõi. Bà Y.V., hiệu trưởng giải thích đây là nguồn thu hộ - chi hộ cho phụ huynh học sinh có nhu cầu nên trường không quản lý theo dõi thu chi.
Ngoài ra,còn có các nguồn thu như tiền điện bán trú, tiền thu tiếng Anh bản ngữ, cho thuê phòng học, cho thuê mặt hàng lên đến hàng chục triệu đồng nhưng trường không hạch toán vào sổ sách kế toán.
Được biết, UBND huyện Củ Chi đang xem xét luân chuyển công tác đối với bà Q.T.Y.V.
Hoài Nam