TPHCM chấn chỉnh giáo viên “quyền uy” với học sinh
(Dân trí) - TPHCM yêu cầu khắc phục tình trạng quản lý, giáo dục “quyền uy”, áp đặt đối với học sinh. Đặc biệt, các thầy giáo, cô giáo phải có ý thức và trách nhiệm giữ gìn hình ảnh, uy tín của người thầy.
Sở GD-ĐT TPHCM vừa ban hành Kế hoạch triển khai tăng cường công tác quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo.
Đối với cán bộ quản lý, đặc biệt người đứng đầu các cơ sở giáo dục phải gương mẫu, thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở giáo viên, nhân viên, người lao động, người học thực hiện nghiêm túc các quy định về đạo đức, nề nếp, kỷ cương trường học; có biện pháp ngăn ngừa, can thiệp hỗ trợ kịp thời không để xảy ra tình trạng giáo viên, nhân viên và người lao động vi phạm đạo đức.
Giáo viên, nhân viên và người lao động phải nêu cao tinh thần tự học, tự bồi dưỡng, rèn luyện nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức và chuyên môn nghiệp vụ. Khắc phục tình trạng quản lý, giáo dục “quyền uy”, áp đặt đối với học sinh. Đặc biệt, các thầy giáo, cô giáo phải có ý thức và trách nhiệm giữ gìn hình ảnh, uy tín, danh dự “người thầy”; luôn “tự soi”, “tự sửa.
Kế hoạch này yêu cầu Trưởng phòng, hiệu trưởng các đơn vị giáo dục có kế hoạch xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở trong trường học.
Tăng cường tuyên truyền, bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên người lao động về tư tưởng chính trị, đạo đức nhà giáo, kiến thức pháp luật, quy định của ngành, trách nhiệm cá nhân trong việc xây dựng và thực hiện nề nếp, kỷ cương trường học.
Đối với những trường hợp giáo viên vi phạm, tùy theo mức độ và quy định của pháp luật liên quan, tạm dừng việc giảng dạy, bố trí làm công việc khác để chờ xử lý hoặc xem xét đưa vào diện tinh giản biên chế, chấm dứt hợp đồng làm việc/hợp đồng lao động.
Thời gian qua, tại TPHCM xảy ra sự việc giáo viên "quyền uy" chấn động dư luận cả nước, có thể nói là xưa nay chưa từng có. Một giáo viên tại Trường THPT Long Thới, Nhà Bè gần 1 học kỳ lên lớp không hề giảng bài, không nói chuyện với học sinh mà chỉ chép bài lên bảng rồi kệ học sinh.
Sự việc chỉ được biết đến khi khi một nữ sinh trong lớp lên tiếng tại buổi đối thoại với lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM. Sau đó, các cơ quan quản lý đã vào cuộc và cô giáo "quyền uy" này bị đình chỉ lên lớp 1 năm và nhiều người khác như hiệu trưởng, phó hiệu trưởng chuyên môn, giáo viên chủ nhiệm đều bị kỷ luật. Còn nữ sinh lên tiếng về sự việc sau đó đã chuyển sang học trường khác.
Hoài Nam