TPHCM bỏ cộng điểm nghề vào lớp 10: Tiếc nhưng phải buông!
(Dân trí) - Kỳ tuyển sinh lớp 10 vào tháng 6/2019 tới, học sinh ở TPHCM sẽ không còn được cộng điểm nghề. Không ít người tỏ ra tiếc nuối nhưng cùng cần phải buông trước một hoạt động học phần lớn chỉ vì lấy điểm cộng, không thực chất.
Theo thông tin từ Sở GD-ĐT TPHCM, kỳ tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019-2020, TPHCM sẽ không áp dụng chính sách cộng điểm chứng chỉ nghề phổ thông. Quy định này thực hiện theo quy định của Bộ GD-ĐT đã được thông tin từ năm trước nên học sinh, giáo viên không còn bất ngờ. Tuy nhiên, việc phải cắt 0,5-1,5 điểm (tùy xếp loại chứng chỉ nghề) cũng làm nhiều học trò tiếc nuối.
Nhiều học sinh chia sẻ, việc cộng điểm nghề vào xét tuyển lớp 10 đã được áp dụng từ lâu và học sinh nhiều thế hệ đã xem điều này như hiển nhiên. Việc mất đi số điểm này ít nhiều cũng làm học trò hụt hẫng, nhất là đối với nhiều em có thể nói điểm nghề cũng vớt vát thêm cơ hội vào học lớp 10 công lập với sự cạnh tranh rất gay gắt ở TPHCM.
Thầy Nguyễn Long, giáo viên THCS ở TPHCM cho hay, khi đối mặt vời kỳ thi căng thẳng, nhiều học sinh bị áp lực không làm bài được hết khả năng, việc cộng điểm nghề có thể vớt vát, giải tỏa áp lực chút ít cho các em.
Chưa kể, theo thầy Long, việc bỏ điểm nghề nói là để tránh việc học vì điểm cũng chưa chính xác. Điểm vào lớp 10 sẽ căn cứ vào điểm của các môn thi, nếu không có điểm nghề thì các em chỉ còn có thể học bất chấp các môn còn lại để đạt điểm đỗ vào trường chứ không thể chờ vào điểm nghề. Như vậy, việc học sẽ càng chạy theo mục tiêu vì điểm số.
"Qua những việc như thế này chúng ta cần nhìn nhận, thay đổi liên quan đến thi cử nhiều, thiếu tính ổn định thì học sinh, phụ huynh và cả giáo viên đều sẽ rất mệt mỏi, ảnh hưởng đến các hoạt động và chất lượng học tập. Thay đổi là cần thiết nếu tốt hơn nhưng cần mang tính bền vững", thầy Long nói.
Tiếc cũng đến lúc buông!
Chị Nguyễn Thanh Trang, có con học ở quận 1, năm nay thi vào lớp 10 nhưng bản thân chị ủng hộ việc bỏ điểm cộng cách đây từ nhiều năm vì việc học nghề quá hình thức. Như con chị và các bạn trong lớp đều học tin học để thi nghề vì trường dạy mỗi tin học, học chỉ đơn thuần để lấy điểm cộng thì quá uổng phí, không thực chất. Hơn nữa, hầu hết tất cả học sinh đều được cộng nên việc bỏ điểm cộng cũng không ảnh hưởng trực tiếp đến học sinh nào.
Cô Tô Thụy Diễm Quyên, nguyên giáo viên Trường THCS Minh Đức, Q.1, TPHCM kể, con trai chị cũng từng học nghề nấu ăn, cháu được loại giỏi và được cộng 1,5 điểm. Để đạt được loại giỏi, con chỉ cần chăm chỉ đi học để điểm danh. Hôm thi viết, cháu được dặn học đúng những bài đề sẽ hỏi để viết đúng công thức nấu. Còn thực hành, cháu xung phong mang chén bát, muỗng, đũa. Chỉ vậy thôi và không cần nấu được món nào vì các cháu làm theo nhóm, có bạn làm thay cho cả rồi.
Theo cô Quyên, không phủ nhận có những trường nghề dạy và học rất nghiêm túc và hiệu quả. Nhiều trường nghề đã tổ chức dạy và thi đánh giá đúng khả năng của các em, nhờ học nghề ở phổ thông mà biết làm điện cho nhà vô cùng hiệu quả.
"Việc dạy nghề nếu được tổ chức tốt, mục tiêu hướng đến kỹ năng người học thì hoàn toàn nên ủng hộ. Chúng ta chỉ bỏ đi quy định cộng điểm để quy định này không làm méo mó mục đích của dạy nghề phổ thông mà thôi", cô Quyên nói.
Một quản lý tại trường THCS Nguyễn Du, Q1, TPHCM chia sẻ, nhiều năm qua với hình thức khuyến khích học nghề bằng điểm cộng dẫn đến việc một số nơi dạy nghề theo hướng hình thức, cho có, dù dạy thế nào đi nữa thì học sinh cũng sẽ học. Thế nên việc bỏ điểm cộng để mọi người cùng nhìn lại ý nghĩa thực sự của việc học nghề.
Theo thầy, việc học nghề cần duy trì nhưng khi bỏ điểm cộng đòi hỏi các trường, các cơ sở đào tạo nghề cần tìm ra nhiều giải pháp ,mô hình hay cho việc dạy nghề và phân luồng học sinh.
Trước tâm tạng "vừa tiếc vừa buồn" của nhiều học sinh đã đăng ký học nghề, ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TPHCM cho hay, những trường hợp học rồi thì theo quy định, từ kỳ thi năm 2019 vẫn sẽ không được cộng điểm. Trong trường hợp này, thầy cô cần trao đổi với học sinh, gia đình hiểu rõ mục tiêu thật của học học nghề là là trang bị cho học sinh có kiến thức cơ bản một nghề như điện, chụp ảnh hay nấu ăn để phục vụ cuộc sống sau này.
Hoài Nam