Tốt nghiệp xong không chịu đi làm vì bận ở nhà mở công ty
(Dân trí) - Ra trường, thay vì bận rộn gửi CV đi xin việc thì một số bạn trẻ lại chọn cách ở nhà khởi nghiệp. Giấc mơ làm ông, bà chủ tưởng như xa vời với những cô, cậu cử nhân vừa tốt nghiệp, nhưng lại được nhiều SV ĐH FPT biến thành sự thật.
Không cần có số vốn khủng, nhiều sinh viên ĐH FPT vẫn khởi nghiệp thành công bằng những ý tưởng khác biệt. Họ đều là những CEO quyết đoán, dám từ bỏ các cơ hội việc làm hấp dẫn trước mắt để chọn đi con đường của riêng mình. Nhìn vào câu chuyện thực tế của những cựu sinh viên bước ra từ ngôi trường này, các bạn trẻ được truyền thêm niềm cảm hứng, nhưng cũng không quá "tô hồng" giấc mơ khởi nghiệp.
Bỏlương 2.000$ để được ăn cả ngã về không
Hoàng Phương Nga (cựu sinh viên chuyên ngành Kỹ thuật phần mềm, ĐH FPT) từng từ bỏ mức lương 40 triệu đồng/tháng để theo đuổi một dự án dạy lập trình cho trẻ em. Thời điểm ấy, vừa tốt nghiệp Nga được một công ty Nhật Bản mời về làm việc với mức lương cao ngang ngửa mức thu nhập của những cán bộ quản lý, lãnh đạo tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Năng lực xuất sắc cùng với thành tích ấn tượng trong suốt 4 năm đại học đã giúp Nga lọt vào mắt xanh của nhiều nhà tuyển dụng.
Năm 2017, cô được nhận danh hiệu Nữ sinh Công nghệ thông tin tiêu biểu do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp cùng Bộ Khoa học và Công nghệ trao tặng. Ra trường, thành tích của Nga thuộc vào hàng Á khoa, không ít doanh nghiệp rộng cửa đón cô với thu nhập hấp dẫn. Thế nhưng, dù những cơ hội đến với Nga hấp dẫn là thế, cô vẫn không chọn "an phận" làm thuê.
Nga đam mê việc dạy lập trình cho trẻ em và muốn trở thành một trong những người tiên phong phát triển dự án này. Ở một số nước phát triển, mô hình dạy lập trình cho trẻ em đã xuất hiện. Còn tại Việt Nam thì điều này vẫn còn khá mới mẻ, không có một trung tâm nào đi trước để học theo. Bằng vốn tiếng Anh và tiếng Nhật có được nhờ chăm chỉ học tập ở trường, cô cựu sinh viên ĐH FPT nghiên cứu tài liệu và các chương trình nước ngoài. Cô tự biên soạn giáo trình, lên nội dung bài giảng, nghiên cứu mở khóa học, gọi vốn đầu tư, học cách điều hành nhân sự...
Một năm sau khi tốt nghiệp, Nga sở hữu 5 cơ sở dạy lập trình cho trẻ em. Doanh thu mỗi tháng như một con số không thể chạm tới với những cử nhân mới ra trường 1-2 năm. Lúc này, nữ CEO 9x không còn phải "sợ mắc sai lầm" khi bỏ mức lương ngàn đô để rẽ hướng khởi nghiệp nữa.
Không có vốn, "thấm thía" giấc mơ làm ông chủ
Thời đi học, Hùng nhận ra bạn bè xung quanh mình có nhu cầu khá cao về việc học thiết kế để phục vụ cho công việc. Thế nhưng nhiều người ngần ngại vì đi học ở trung tâm học phí quá cao, hơn nữa những khóa học chuyên sâu trong một thời gian dài không đáp ứng được nhu cầu "cần biết ngay" của những bạn trẻ mới đi làm. Hùng nảy ra ý tưởng mở một khóa học thiết kế ngắn hạn với mức học phí thấp, lại có tính ứng dụng cao. Đối tượng Hùng hướng đến là học sinh, sinh viên và một bộ phận người đã đi làm có thu nhập thấp.
Không có tiền trong tay, Hùng đánh liều đi vay 10 triệu về để hiện thực hóa giấc mơ khởi nghiệp. 10 triệu không phải là con số lớn đối với một doanh nghiệp. Vì thế, Hùng phải làm tất cả mọi thứ có thể làm, mượn những gì có thể mượn. Cậu thiết kế giáo trình, truyền thông khóa học, chiêu mộ học viên, thuê phòng học, mua sắm bàn ghế... Những việc mà ở những trung tâm khác cần một nhóm nhân sự cùng thực hiện thì Hùng làm một mình. Khi ấy, Hùng vẫn là sinh viên nên vừa đi học cậu vừa sắp xếp công việc, lại vừa lo về khoản nợ 10 triệu đồng treo lủng lẳng trên đầu. Hùng xác định, cậu sẽ dành toàn bộ tâm huyết cho dự án khởi nghiệp của mình, nếu thất bại thì đi làm thuê để trả nợ.
Chỉ sau vài tháng, dự án khiến cậu "bạc mặt" này đã thu hút nhiều học viên và mang lãi về cho "ông chủ 9x". Hùng không dừng lại hài lòng, cậu tiếp tục cải thiện khóa học và áp dụng những kiến thức học được ở trường để xây dựng các công cụ số hỗ trợ việc quản lý trung tâm.
Đến khi tốt nghiệp, trong khi bạn bè đang bận tâm đến việc làm ở đâu với mức lương bao nhiêu thì chàng cựu sinh viên ĐH FPT đã có một công ty riêng đứng tên mình và đi tuyển dụng nhân sự.
Có thể nói, Nguyễn Việt Hùng và Hoàng Phương Nga là hai trong số nhiều bạn trẻ của ĐH FPT dám theo đuổi khởi nghiệp và đạt được thành công. Dù trên con đường tự vẽ ra có rất nhiều chông gai mà người ngoài cuộc không nhìn thấy, nhưng những 9x này không hề bỏ cuộc, mà còn kiên trì đi tới cuối cùng. Tinh thần này rất cần có ở cả những người trẻ khởi nghiệp và những người chọn đầu quân vào các công ty, doanh nghiệp sau khi ra trường.
Trần Mai - Trường Thịnh