Cuộc thi “Gương mặt vượt khó học giỏi”
Tôn vinh những số phận vượt khó, hiếu học
Sáng 22/4, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, báo Khuyến học & Dân trí long trọng tổ chức tổng kết và trao giải cuộc thi “Gương mặt vượt khó học giỏi”. Theo Ban tổ chức, cuộc thi đã đạt được nhiều thành công và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả.
Tấm gương phấn đấu phi thường
Cuộc thi bắt đầu được phát động từ tháng 7/2002 và kết thúc vào tháng 7/2004. Sau hai năm tổ chức, toà soạn báo KH&DT đã nhận được gần 1.000 tác phẩm dự thi của nhiều tác giả trên mọi miền đất nước. Trong số này, đã có trên 100 tác phẩm được lần lượt đăng tải trên các số báo. Có thể nói ngay từ ngày đầu phát động, cuộc thi đã thu hút được sự tham gia của rất nhiều cây bút chuyên nghiệp và không chuyên từ những thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh... tới những địa phương xa xôi như Sóc Trăng, Quảng Trị.
Tất cả các nhân vật được đề cập trong những tác phẩm dự thi đều là những học sinh, sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị tật nguyền mà không chịu lùi bước, buông xuôi trước sự nghiệt ngã của số phận. Tất cả đều phấn đấu vươn lên, ra sức học để có thể tự thân lập nghiệp. Những tấm gương: “Cô học trò người Khơ - me”, “Đứng vững trên đôi chân tật nguyền”, “Cắt lúa thuê kiếm tiền đi thi đại học”, “Cậu bé nghị lực hiếu thảo”... đều giàu sức thuyết phục và đầy cảm động.
Gần 1.000 bài viết là gần 1.000 nhân vật, mỗi người một hoàn cảnh, một phận đời. Tất cả đều xứng đáng là những tấm gương sáng trong học tập, rèn luyện. Cô gái khiếm thị Nguyễn Thị Thanh Mai (Khiếm thị mà học giỏi tại một trường ĐH ở Mỹ- Vũ Thanh Thế, giải A) là học sinh trường Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội. Với nghị lực phi thường, lại được sự giúp đỡ của thày cô, bạn bè, Mai đã phấn đấu trở thành một trong hai sinh viên ưu tú, xuất sắc nhất của một trường đại học cộng đồng Mỹ (trường South Puget Community College).
Hà Văn Hán (Tấm gương tự học của cậu bé tật nguyền- Vũ Đức Thảo, giải B) ở xã Phú Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hoá là người bị bại liệt cả hai chân từ lúc 5 tuổi. Đến năm lên 11, Hán thèm học quá đành nhờ bạn bè cùng trang lứa dạy kèm tại nhà. Chẳng bao lâu anh biết đọc, viết, làm toán... Giờ thì anh đang là một chủ xưởng mộc ở Hương Sơn - Hà Tĩnh. Chẳng những Hán tự mình tạo dựng được một cuộc sống ổn định với thu nhập khá, mà anh còn giúp cho nhiều người lao động nông nhàn có công ăn việc làm.
Trường hợp của cô bé Thuỷ Tiên (Gương sáng Thuỷ Tiên- Đặng Minh Hân, giải Khuyến khích) ở Phường Tam Hiệp, TP Biên Hoà (Đồng Nai) thì lại có nét đặc biệt khác. Bố mẹ em bị khiếm thị, cả gia đình phải sống trong căn nhà tình thương chật chội. Hoàn cảnh nghèo khó, bần hàn, nhưng em vượt lên tất cả, trở thành một học sinh giỏi toàn diện, một người con hiếu thảo. Ngoài giờ học, Thuỷ Tiên hết lòng chăm sóc bố mẹ, tham gia giúp bố mẹ học chữ nổi Brai. Bố mẹ em trở thành người đọc chữ Brai rất giỏi. Gia đình em được biểu dương là gia đình hiếu học của địa phương...
Tất cả nhân vật trong các tác phẩm tham dự cuộc thi đều xứng đáng được sự quan tâm của cộng đồng, xã hội. Nhưng chính các em cũng là những người sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ người khác. Nguyễn Thanh Tùng (Chuyện một cây tùng nhỏ - Anh Thư, giải C) bị khiếm thị do di chứng của chất độc màu da cam đã phấn đấu trở thành sinh viên khoa Âm nhạc truyền thống và Lý luận- Sáng tác- Chỉ huy của Nhạc viện Hà Nội. Bản thân em rất nhiệt tình tham gia các buổi biểu diễn từ thiện và rất thích được giúp đỡ các bạn nhỏ tật nguyền khác.
Những điều đọng lại
Cuộc thi kết thúc với 1 giải A, 2 giải B, 3 giải C và 9 giải Khuyến khích. Ngay từ ngày đầu phát động, BTC đã nhấn mạnh mục đích của cuộc thi là nhằm tôn vinh, khuyến khích các em học sinh vượt khó, hiếu học, vươn lên có thành tích xuất sắc trong học tập. Có một nét chung, khi viết bài khai thác nhân vật, các tác giả đã cố gắng thể hiện bằng phong cách viết mộc mạc chân phương, nhưng gây xúc động và tạo ấn tượng sâu sắc cho người đọc.
Trong khuôn khổ một bài báo chưa đầy 1.000 từ, người đọc có thể cảm nhận được tất cả những con người phấn đấu một cách phi thường ấy đều là những người bình dị, có tâm hồn và ước mơ trong sáng. Nhà báo Thao Lâm, nguyên TBT báo KH&DT, Trưởng ban tổ chức cuộc thi nói: “Phải nói rằng không chỉ những tác phẩm đoạt giải mới gây xúc động cho người đọc, mà còn rất nhiều bài khác tuy với cách viết mộc mạc nhưng đã nêu lên được những tấm gương người thật việc thật, người tốt việc tốt và đúng là những gương mặt vượt khó học giỏi khá tiêu biểu trong mọi vùng đất nước”.
Cuộc thi kết thúc, Quỹ Nhân ái của báo KH&DT sẽ chọn ra những gương mặt học sinh nghèo vượt khó, học giỏi trong các tác phẩm dự thi để hỗ trợ và tặng quà. Ngay trong buổi tổng kết, ông Phạm Huy Hoàn- TBT báo KH&DT cũng đã chính thức phát động cuộc thi kế tiếp mang tên “Ký ức học đường”. Bài dự thi dài không quá 1.000 từ, đề tài là những kỷ niệm sâu sắc về mái trường, thầy cô, gia đình, bạn bè... có ảnh hưởng sâu sắc tới ước mơ, phẩm cách và sự thành công của bản thân mỗi người, không hạn chế đối tương dự thi.
Ngay từ bây giờ, các bạn có thể gửi bài dự thi về cuộc thi “Ký ức học đường”, Báo Khuyến học & Dân trí, nhà 5, số 2 Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội.
Bảo Trung