Tôn vinh 141 nữ GS, PGS được bổ nhiệm năm 2010

(Dân trí) - Sáng nay 14/10, tại Hà Nội, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ ngành giáo dục và Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã tổ chức biểu dương, tôn vinh các giảng viên cán bộ khoa học nữ được bổ nhiệm chức danh Giáo sư và Phó giáo sư 2010.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa, hiện nay trong ngành giáo dục có khoảng hơn 800.000 nhà giáo nữ (chiếm 74,86% số giáo viên, giảng viên trực tiếp đứng lớp). Trong đó, trên 95% nữ giáo viên, giảng viên đạt trình độ đào tạo chuẩn và trên chuẩn. Tỷ lệ nữ giảng viên trong các trường đại học,cao đẳng có trình độ sau đại học là 39,05%. Nhiều chị đang giữ những trọng trách quan trọng trong ngành, trong các nhà trường và cơ sở nghiên cứu khoa học. Đối với nữ giảng viên đại học, cả nước có gần 21.000 người (chiếm 45,8%) trong đó có 18 GS, 211 PGS và gần 1.400 TS đang giảng dạy và nghiên cứu tại 149 trường đại học.
 
Tôn vinh 141 nữ GS, PGS được bổ nhiệm năm 2010 - 1
Những nữ PGS trong buổi giao lưu.

Trong số 141 nữ GS, PGS được bổ nhiệm lần này có những chị đã kiên trì, bền bỉ phấn đấu không mệt mỏi gần 40 năm cho khoa học, cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Đặc biệt, có 16 nữ giảng viên, cán bộ nghiên cứu khoa học nữ được bổ nhiệm PGS khi chưa đầy 40 tuổi. Nhiều thế hệ sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh đã trưởng thành, nhiều công trình nghiên cứu khoa học có giá trị, thành công từ sự tâm huyết, sáng tạo của các chị.

Thứ trưởng Nghĩa khẳng định: “Những nữ GS, PGS được tôn vinh năm 2010, họ là những tinh hoa, tiêu biểu cho trí tuệ, tài năng và là niềm tự hào của phụ nữ ngành giáo dục, của đội ngũ trí thức Việt Nam. Mỗi bài giảng hay, mỗi giáo trình có giá trị, mỗi công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc của chị em chất chứa bao giọt mồ hôi, bao niềm tâm huyết, lòng đam mê khoa học và đặc biệt là nghị lực phi thường trước những thách thức cuộc đời. Bởi phụ nữ vừa phải gánh vác việc nhà, vừa phải lo tròn việc nước, vừa phải chăm sóc gia đình, vừa phải giảng dạy, hướng dẫn sinh viên, học viên, nghiên cứu khoa học và không ít sức ép khác trong cuộc sống”.

Hiện nay, tỉ lệ giảng viên, cán bộ khoa học nữ có trình độ cao GS, PGS và TS trong các trường ĐH,CĐ, các học viện và viện nghiên cứu còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng của họ. Trong các lần bổ nhiệm chức danh GS,PGS, tỷ lệ nữ thường thấp. Tính riêng năm 2010, tỷ lệ nữ được bổ nhiệm GS, PGS chỉ chiếm 20,23% số GS,PGS được bổ nhiệm cùng đợt. Hiện nay, trong các trường đại học, nữ GS chỉ chiếm 7%; nữ PGS chỉ chiếm 11,4%; nữ TS là 21,6%. Số nữ GS và PGS phân bố không đều giữa các khối trường, giữa các vùng, miền và thường chỉ tập trung vào những trường đại học lớn có bề dày truyền thống. Các cơ sở đại học chưa gắn kết nhiệm vụ giảng dạy và nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, do vậy, vẫn chưa đáp ứng các yêu cầu chặt chẽ của việc công nhận chức danh GS, PGS.
 
Tại buổi gặp gỡ, tôn vinh, đại diện cho nhiều GS, PGS phát biểu, PGS Trương Thị Bích Phượng, Trường ĐH Khoa học Huế, cho biết: “Để thành công trong nghiên cứu khoa học, chúng tôi đã phải suy nghĩ để chọn hướng nghiên cứu tốt nhất và có nhiều đóng góp cho xã hội. Tuy nhiên, trang thiết bị ở các phòng thí nghiệm ở trường còn lạc hậu, kinh phí đầu tư cho nghiên cứu rất ít ỏi. Việc nghiên cứu cần phải nhiều thời gian nên không có thời gian dành cho gia đình. Bên cạnh đó, lương của giảng viên hiện nay còn quá thấp gây khó khăn nhiều trong cuộc sống. Nhiều lúc muốn nghiên cứu đề tài khoa học nhưng không có tiền”.

Trước bày tỏ khó khăn của nhiều PGS, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đề nghị các trường đại học, cao đẳng,các học viện và viện nghiên cứu cần xây dựng kế hoạch và có lộ trình hợp lý để đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, cán bộ khoa học nữ có trình độ cao. Gắn nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học trong từng cơ sở giáo dục; tạo môi trường để chị em tiếp tục phấn đấu, cống hiến.

Hồng Hạnh