Tôi đi coi thi tú tài

Đến hẹn lại lên, mỗi khi tháng 6 về, đội ngũ giáo viên sống trong sự nao nao bâng khuâng của một người đã qua thời thi cử và giờ lại làm công tác giám thị. Những người mà đôi lần trong những "bài thi lạ", “thi sĩ phòng thi” đã viết: "Ngày xưa giám thị cũng đi thi/Cũng cười cũng khóc cũng copy".

Cũng như bao đồng nghiệp khác, tôi cũng khăn gói đi coi thi ở một hội đồng thi tổ chức tại một xã vùng sâu của một tỉnh miền Tây Nam Bộ. Đây là một trong hai điểm trường thường có những tiêu cực ngấm ngầm hoặc công khai trong những kỳ thi trước đây. Tiếng tăm của hội đồng này làm ngán ngại những giám thị đến đây vì áp lực trên đe dưới búa.

 

Coi thi dễ thì bị Thanh tra ủy nhiệm của Bộ lập biên bản. Coi thi khó thì dễ bị chặn đường về, bị rạch yên xe hoặc nguy hiểm hơn nữa là có thể bị hành hung. Chính vì vậy mà đến với hội đồng này, lo nhiều hơn mừng.

 

“Kịch” trong phòng thi

 

Có những niềm vui rất riêng của những người đi coi thi mà có thể về sau, nhiều năm nữa, họ vẫn nhớ lại và tủm tỉm cười. Đây là một "đoạn phim ngắn" xảy ra vào buổi thi môn Hóa trong ngày thi thứ hai. Giám thị một phòng thi số 7 gọi giám thị 3: "Chị ơi, em này muốn ra ngoài". Giám thị 3 bước tới: "Em muốn đi nhà vệ sinh hả?". Thí sinh mặt nhăn nhó: "Em đói bụng quá, cô cho em ra ngoài đi ăn đi cô". Giám thị 3 trố mắt: "Em muốn đi ăn?". Thí sinh càng thiểu não: "Hồi sáng em thức dậy trễ, sợ vô trễ nên em chưa ăn sáng, cô cho em ra ngoài đi ăn đi cô".

 

Đoạn kết của màn bi hài kịch này là cảnh tượng thầy giáo làm thư ký hội đồng thi đem 2 cái bánh dừa đến tận phòng thi cho thí sinh ăn, sau đó, lại đích thân thầy đem đến ly nước đun sôi cho trò uống. Thí sinh ăn uống xong thì vừa đến giờ giám thị 1 mang đề thi xuống phòng. Các giám thị hành lang cứ cười tủm tỉm và nói với nhau: "VIP đến vậy là cùng".

 

Chủ tịch hội đồng thì nhân hậu: "Học trò nào cũng học trò mình mà, không lo cho em đó, nó xỉu không làm được bài thì tội nghiệp nó". Khi nói điều đó, tôi trông thấy nét mặt hiền từ và ánh mắt nhân hậu của người thầy. Tự nhiên, chợt thấy ấm lòng. Ai nói giáo viên chúng tôi chỉ biết có tiền, chỉ biết chạy theo thành tích và luôn "chơi bẩn" với trường bạn trong những kỳ thi.

 

Còn đây là một vở kịch có 2 hồi diễn ra trong buổi thi môn Toán.

 

Hồi 1:

- Em cho cô coi dưới chân em có cái gì vậy?

- Đâu có gì đâu cô, giày em mà cô.

- Thì nhấc chân lên cho cô coi.

- Có gì đâu cô... có chút xíu tài liệu hà...

Cả phòng thi cười ầm ĩ, giám thị cũng muốn cười theo nhưng cố làm mặt nghiêm:

- Trời, nguyên cuốn vậy mà nói chút xíu hả? Lập biên bản thí sinh mang tài liệu vô phòng thi!

- Em xin lỗi cô, em hứa không dám vậy nữa. Với lại... em chưa... coi mà cô!

Thí sinh nam mà... thút thít, giám thị vỗ về:

- Thôi, làm bài đi, không lập biên bản đâu.

 

Hồi 2:

Kết thúc buổi thi, giám thị đi bộ ra bến xe ôm, thí sinh suýt bị lập biên bản chạy xe đạp ngang: "Cô ơi, lên em chở ra chỗ xe ôm". Giám thị thoáng ngỡ ngàng rồi cũng ngồi lên. Thí sinh cười bẽn lẽn: "Cô ơi, tại hồi tối em học bài hoài mà chưa thuộc được chương đó nên em mới... em xin lỗi cô nghe". Giám thị nhìn bàn chân còn có ngón dính phèn của thí sinh, tự nhiên thấy bùi ngùi. Vẫn còn đó, niềm tin vào sự hướng thiện của tâm hồn học trò.

 

Tuy nhiên, những niềm vui như thế rất ít ỏi. Còn bao nhiêu điều khác, day dứt, băn khoăn hơn nhiều trên những nẻo đường làm giám thị.

 

Những "kiến thức" vượt ngoài tầm tưởng tượng

 

Hội đồng thi có 15 phòng với trên 300 thí sinh dự thi. Vẻ bình yên bên ngoài không che lấp nổi những tiêu cực ngấm ngầm bên trong. Sẽ là sự thất vọng lớn lao cho những ai muốn đi tìm sự trong sạch tuyệt đối ở một kỳ thi nghiêm túc thực sự. Đây là một xã vùng sâu, điều kiện học tập khó khăn.

 

Nhưng thật kỳ lạ, trong những năm gần đây, tỷ lệ đậu tú tài của trường luôn cao nhất nhì tỉnh. Thậm chí cao hơn cả những trường chuyên, trường điểm nơi đầu vào của học sinh cao hơn hẳn. Là vì thầy trò nơi đây giỏi hơn hay vì lý do gì?

 

Thực sự, có những lý do không nói ra nhưng ai cũng ngầm hiểu. Một trong những lý do đó là tình trạng coi thi lỏng lẻo nơi đây. Từng có thời điểm, nơi này diễn ra "hội đồng cứu thi", giáo viên giải đề và học sinh được tuồn tài liệu vào phòng để làm bài.

 

Trong buổi coi thi môn Toán, tôi đã giật mình nhận thấy có ít nhất 5 thí sinh không biết khảo sát và vẽ đồ thị hàm số. Một sự ngạc nhiên và thất vọng lớn lao bao trùm tôi. Bởi vì một điều đơn giản, phần khảo sát và vẽ đồ thị hàm số luôn là phần kiến thức mà 100% giáo viên toán đều "tủ" để các em kiếm điểm.

 

Đáng thất vọng hơn nữa, trong giờ coi thi Anh văn, tôi càng ngỡ ngàng khi thấy khá đông học sinh không làm được cả những câu ngữ pháp đơn giản nhất. Còn giờ Sử thì có thí sinh đã ghi tên Tổng thống Mỹ là "Chôn son", "Nít sân". Có em còn hồn nhiên ghi tên Tổng thống Mỹ đã thực hiện chiến tranh đặc biệt ở VN là... "Ngô Đình Diệm".

 

Trong buổi thi thứ tư, môn Sử, ngồi ở vị trí giám thị chốt nhà vệ sinh, tôi đếm được trong 75 phút có đến 156 lượt thí sinh đi vô nhà vệ sinh. Vào nhà vệ sinh để làm gì, hẳn 100% giám thị đều biết. Sau buổi thi, tôi cũng bắt chước thí sinh vào nhà vệ sinh và nhận thấy trong đó có hàng đống tài liệu. Có tài liệu photocopy thu nhỏ, chữ lí nhí như con kiến mà một giám thị cận thị như tôi chỉ còn biết khóc thét chứ không thể đọc được. Có tài liệu là nguyên cuốn tập văn 12 vứt dưới đất. Một cảnh tượng thật đáng buồn và lo lắng.

 

Cuối buổi thi Anh văn, có thí sinh đã giơ nắm đấm lên dọa giám thị phòng mình: "Thầy coi chừng thầy đó!". Dẫu có bị đánh trên đường về hay không thì tôi nghĩ trong lòng người thầy đó, sự đau đớn cũng đã ngập tràn. Bên ngoài hội đồng thi, cha mẹ thí sinh đứng đợi con, buông tiếng chửi thề: "Bà m. ông thầy coi thi khó làm con tôi làm bài không được gì hết trơn".

 

Sự yên bình giả tạo ở hội đồng thi vùng sâu

 

Sự yên bình giả tạo của một hội đồng thi dẫn đến những báo cáo về quá trình thi luôn "sạch, đẹp" nhưng trên thực tế, chất lượng của những kỳ thi luôn là điều đáng bàn. Có một luật bất thành văn ở tỉnh tôi là hễ giám thị từ huyện ra tỉnh coi thi thì luôn luôn khó khăn, gắt gao với lý do là: "Học sinh ở tỉnh giỏi". Thí sinh chỉ cần nghiêng người là bị nhắc nhở, thậm chí bị lập biên bản. Giám thị bắt được thí sinh của các trường điểm quay cóp thì đương nhiên lập biên bản.

 

Trong khi đó, cũng những giám thị ấy, coi thi ở huyện thì mặc nhiên tha bổng như thể "bắt cóc bỏ dĩa", thí sinh đang quay cóp cứ bị lấy tài liệu đem lên rồi... thôi. Một lý do để các giám thị biện minh cho việc làm đó là "vì thí sinh ở huyện điều kiện khó khăn". Thế nhưng, thực tế, họ không nhớ rằng thí sinh ở huyện đã được ưu tiên đến 1,5 điểm so với thí sinh ở trung tâm tỉnh lỵ.

 

Một số hội đồng thi trong tỉnh (trong đó có hội đồng thi của tôi coi thi) đã mặc nhiên cho phép thí sinh được trao đổi bài với nhau, miễn là đừng xem tài liệu và nghiễm nhiên hỉ hả với nhau là mình đã hoàn thành kỳ thi nghiêm túc.

 

Hầu hết các hiệu trưởng khi được làm chủ tịch hội đồng thi đã ngại ngần khi làm "đúng nguyên tắc" bởi vì nhiều thứ áp lực thầm lặng, từ địa phương sở tại, từ áp lực thành tích của tỉnh và cũng từ thành tích của chính trường mình. Vì một lẽ đơn giản, hôm nay mình, mai người ta, nếu căng quá, đến lượt người ta làm chủ tịch hội đồng mình sẽ không tránh khỏi.

 

Cuối cùng thì một thực tế vẫn diễn ra ở tỉnh tôi là kỳ thi tú tài vẫn diễn ra bình yên tốt đẹp và tỷ lệ đậu cao ngất. Lãnh đạo Sở vẫn cười hể hả và được tỉnh tặng bằng khen. Trong khi đó, những bài thi văn kiểu "Chị Dậu là vợ Chí Phèo", bài thi toán kiểu thí sinh này mắng thí sinh khác là "số 8 mà cũng không biết, bày đặt ghi nằm ngang" vẫn tồn tại và làm thành những giai thoại trong làng giáo tỉnh nhà.

 

Hạ Anh (Thanh niên)