Tôi đi coi thi đại học

Lần đầu tiên (cũng là lần duy nhất) tôi đi coi thi ĐH bắt đầu bằng một “sự cố” nho nhỏ. Buổi thi đầu tiên là môn văn, khoảng năm phút sau khi phát giấy thi cho thí sinh, một TS hỏi tôi cách ghi số báo danh.

Tôi nhìn và suýt bật cười vì cách ghi hết sức ngô nghê của thí sinh (TS) này: 0247... -  hai nghìn bốn  trăm bảy mươi... Hóa ra không chỉ một TS mà có đến chín TS ghi sai do không chịu đọc hoặc đọc nhưng hiểu không đúng.

 

Tất nhiên, chúng tôi phải thu lại những tờ giấy ghi sai số báo danh ấy, phát giấy thi mới và hướng dẫn TS ghi lại cho đúng.

 

Giám thị cũng... lệ tuôn rơi!

 

Làm giám thị trong phòng thi tuy không phải di chuyển quá nhiều nhưng ba tiếng chờ đợi cho đến khi TS cuối cùng nộp bài sao mà dài lê thê! Gặp môn TS làm bài được không nói, những môn nào TS không làm bài được thì  ngay cả giám thị cũng muốn gục xuống mà ngủ. Nhất là trong buổi thi môn lịch sử, nhiều TS không làm bài được cứ gục xuống ngủ rồi ngồi dậy hí hoáy viết gì đó, rồi lại… nhìn về một nơi nào xa xăm. Và hình thức giải trí phổ biến nhất trong phòng thi là ký tên và làm thơ.

 

Chỉ sau một giờ đồng hồ kể từ khi bắt đầu tính thời gian làm bài môn lịch sử, một nữ TS đã hỏi tôi: “Cô ơi, cho em ra được không cô?”. Tất nhiên, theo qui chế, giám thị không thể cho TS này rời khu vực thi. Cô bé không biết làm gì trong phần thời gian còn lại nên... cặm cụi ký tên. Và chỉ chờ đến khi vừa hết hai phần ba thời gian làm bài, cô cầm bài thi lên nộp, rụt rè đưa cho tôi giấy nháp và đề thi rồi ra về. Mà không rụt rè sao được khi tờ đề thi và giấy nháp đặc kín chữ ký của cô, có cả hai câu thơ dường như nhắn gửi cho các giám thị:

 

Giám thị nhìn em giám thị cười

Em nhìn giám thị lệ em rơi

 

Cũng có TS vì không làm bài được nên làm hẳn một bài thơ dài trong giấy nháp:

 

Biết nói gì đây Chúa ơi!

Làm bài không được cũng thảnh thơi

Đề hôm nay rất dễ

Nhưng con không thể làm được

Trước kia toàn bộ con đã thuộc

Nhưng giờ đây đầu óc con rỗng không

Ba tiếng dài đăng đẳng

Con chẳng biết làm gì

Cái mặt con bí xị...

 

TS này sau khi tức cảnh sinh “thơ thẩn” bèn chuyển sang vẽ vời: một đôi chim bồ câu đang tung cánh, kèm theo chú thích “hãy là cánh chim nhân gian đem đến tình yêu cho tất cả loài người”!

 

Nhưng dù gì các TS trên vẫn còn “sáng suốt” khi chỉ làm thơ trên giấy nháp. Hai trường hợp bị đình chỉ thi tại hội đồng mà tôi tham gia coi thi còn đường hoàng sáng tác ngay trong giấy thi của mình:

 

Đi không há lẽ trở về không

Lẽ gì cũng phải được điểm không

Năm này lỡ đi thi chẳng đậu

Quyết chí năm sau sẽ thi bù.

 

TS này “tâm sự” trong bài thi rằng mình có học gì đâu mà thi với cử. Thế nên suốt hai phần ba thời gian làm bài, TS này toàn làm thơ và viết tự sự về hoàn cảnh của mình. Xin ghi lại nguyên văn bài thơ thứ hai của TS này:

 

Tấp tểnh người thi tớ cũng thi

Cũng giấy cũng bút cũng đi thi

Bố mẹ lận lưng cho chục triệu

Sờ bụng chẳng ra được chữ gì!

 

Trở thành “áp tải viên” bất đắc dĩ

 

Kết thúc môn thi cuối cùng, tất cả giám thị, giám sát viên, trật tự viên đều tập trung tại phòng hội đồng thi. Tại đây, tôi nghe các thầy cô giám thị ở phòng khác râm ran về một TS “mạnh dạn” đề xuất về việc nên ra đề thi như thế nào. Về cơ bản, TS này đề nghị rằng đề thi môn địa lý nên có thêm một câu hỏi trình bày những hiểu biết về tình hình kinh tế - xã hội của địa phương mà TS đang sinh sống; môn văn nên cho mỗi TS tự phân tích một bài văn hoặc bài thơ…

 

Đã từng đi thi ĐH, đến khi chính mình đứng ở vị trí giám thị coi thi, tôi thấy mình may mắn đã vượt qua được kỳ thi ĐH năm đó. Có TS đi thi môn văn lại đem theo máy tính, trong khi nhiều TS đi thi môn địa lý lại chẳng hề đem compa, máy tính. Đến khi làm bài thi cứ loay hoay nhìn hết bên này sang bên kia để mượn compa nhưng không dám mở lời vì sợ giám thị đánh dấu bài.

 

Trong suốt ba buổi thi, nhiều TS do căng thẳng quá nên bị đau bụng cứ xin đi vệ sinh. Trong số đó nhiều TS chỉ bị đau bụng do tâm lý, nhưng có TS do ăn uống bất cẩn nên bị… tào tháo rượt. Một nữ giám sát viên kể cô đã phải tháo giày chạy theo một nam TS khi đưa TS này đi vệ sinh. Buổi thi môn lịch sử, cô lại phải đưa một nữ TS từ tầng 4 xuống tầng trệt đi vệ sinh. Nữ TS này còn đứng ở trong nói vọng ra, nhờ “cô múc giùm em xô nước”! Sau 10 lần lên xuống đưa các TS đi vệ sinh, nữ giám sát viên này đã đổi ngay một đôi giày đế thấp để đi cho tiện (!).

 

Tại phòng thi của tôi, 5 phút trước khi bóc đề thi môn văn, hai nữ TS cũng đồng loạt xin đi vệ sinh vì: “Em căng thẳng quá! Cô cho em đi rửa mặt nha cô!”. Một nữ giám sát viên khác vốn là SV năm cuối tâm sự rằng cô bị một nam TS lườm một cái “hết hồn” vì cô nhắc TS này bỏ bút xuống ngay khi hết thời gian làm bài thi.

 

Các giám sát viên còn kể cho tôi nghe câu chuyện một nam TS bị mất điện thoại di động (ĐTDĐ) trong buổi thi cuối cùng (môn địa lý). Phát hiện nam TS này để ĐTDĐ trong túi quần, các giám thị yêu cầu TS để điện thoại bên ngoài rồi mới được vào phòng thi. Nhưng vì không đem theo cặp nên TS này gửi ĐTDĐ của mình cho một TS khác. Hết giờ làm bài, TS này ra tìm chủ nhân chiếc cặp - người mà cậu gửi điện thoại - thì cả người lẫn cặp đều... không cánh mà bay!

 

Theo Thư Nguyễn

Tuổi Trẻ