"Tôi có cảm giác giáo dục cũng bắt chước bầy đàn”
- Đã có sự thái quá và vận dụng khiên cưỡng khi triển khai việc đổi mới thi cử. Đó là quan sát của các nhà giáo trước hiện tượng đưa các sự kiện "nóng" vào đề thi phổ thông.
Ông Trần Hinh, giảng viên khoa Văn học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội): Lạm dụng sẽ làm méo mó
Tôi nghĩ, chúng ta cũng nên thông cảm cho hiện tượng có vẻ như “thái quá” này. Ở môn Ngữ văn có lẽ, vì một thời gian dài, đề thi có phần “cũ kĩ”, xa rời cuộc sống, “trích cú, tầm chương”, nên bây giờ khi được “tháo cũi, xổ lồng”, mọi người cảm thấy hứng khởi. Vì thế, một số thầy cô, ngoài việc đầu tư cho đổi mới giảng dạy, đồng thời cũng tìm mọi cách đổi mới việc ra đề. Về phía học sinh, có vẻ như họ cũng rất hồ hởi với lối ra đề mới này, ra theo hướng mở.
Là một giáo viên dạy văn, tôi ủng hộ hướng học hành, thi cử theo hướng đổi mới đó. Tuy nhiên, tôi cho rằng, từ một góc nhìn khác, sự “lạm dụng thái quá” cách ra đề theo hướng mở như trên, nếu không tiết chế và khoa học, nó cũng góp phần làm “méo mó” cách học và thi.
Bởi vì, trước hết, cứ nhìn cách báo chí hết lời khen các đề thi “mở”, rồi mỗi ngày, đọc trên báo chí, xuất hiện đều đều các đề thi như thế, tôi có cảm giác, giáo dục của ta bây giờ cũng bắt chước theo kiểu “bầy đàn”, giống như người ta đi lễ hội - thấy đông vui thì đi, hay như một vài "sô" truyền hình thực tế trên truyền hình - thấy người ta thi thì thi, chứ không suy nghĩ rằng không phải ai, và không phải cái gì mình cũng có thể “a dua” được.
Thứ hai, những câu chuyện của giới giải trí, hay cả những chuyện “nóng rẫy” trên truyền hình là công việc của họ. Trong khi theo tôi, giáo dục nói chung và giáo dục môn Ngữ văn nói riêng, lại cần có những nguyên tắc và quy luật riêng của nó.
Từ tận thời cổ đại, người ta đã khẳng định rằng, với giáo dục, với những gì được đưa vào trường học, nó phải chính thống, phải classique (cũng có phần bắt nguồn từ chữ classe – lớp học). Giáo dục không thể chạy theo những cái nhất thời, những gì chỉ vừa mới xảy ra, chưa được kiểm chứng, nhất là những cái “xô bồ”, có thể nó “sống động”, nhưng lại không hề phù hợp với “cái đầu non nớt” của học sinh phổ thông.
Thứ ba, cứ cho là đề thi mở theo hướng “thời sự”, nhất thời hấp dẫn được một số người, nhưng tôi thấy phần lớn người ra đề chỉ chọn lựa và đưa lên những vấn đề có tính gây “sốc” (kiểu như các nhân vật Ngọc Trinh, Bà Tưng hay phim "Hậu duệ mặt trời").
TS Nguyễn Cam, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM: Tích hợp máy móc, gượng gạo là không nên
Vấn đề sử dụng những thông tin từ truyền thông để tạo thành những câu hỏi trong học đường ở các nước phương Tây đã làm từ lâu. Có điều, trách nhiệm cuối cùng vẫn là trách nhiệm của học đường, tức là trách nhiệm của khoa học.
Tôi cho rằng, tất cả những chuyện này phải xem xét ở hai khía cạnh khoa học và văn hóa. Ở khía cạnh khoa học, những thông tin này có đúng không. Ở khía cạnh văn hóa, có phù hợp không. Vì vấn đề học đường đòi hỏi phải có chuẩn mực, chính xác. Hơn nữa, vấn đề câu hỏi trong học đường phải cân nhắc kĩ lưỡng.
Như tôi đã nói, trách nhiệm cuối cùng vẫn là những người làm giáo dục.
Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang rất nhấn mạnh về vấn đề dạy tích hợp. Tức là liên kết nội dung của môn học này, với các môn học khác, cũng như đời sống thực tế. Việc định hướng này là đúng, nhưng với những tình trạng xảy ra là do không nắm vững nguyên tắc về tích hợp, không hiểu rõ về tích hợp.
Ý tưởng gắn khoa học với đời sống thực tiễn, hơi thở cuộc sống là điều cần làm. Đây là khiếm khuyết không nhỏ của giáo dục phổ thông hiện nay. Nhưng chưa hiểu vấn đề này chính xác, đầy đủ dẫn đến chuyện tích hợp máy móc, gượng gạo là không nên. Muốn tích hợp tốt, phải tăng thêm nội dung khoa học của môn học.
Thầy Huỳnh Văn Thế, giáo viên Trường THPT Măng Thít, Vĩnh Long:
Tôi cũng suy nghĩ về vấn đề này rất nhiều. Khi học sinh vào THPT, tức các em sắp bước cuộc sống. Học sinh không thể thờ ơ với những sự việc xung quanh mình.
Nắm bắt tâm lý này, Bộ GD-ĐT từng cho những đề thi định hướng, những vấn đề liên quan đến đời sống văn hóa, xã hội như giàn khoan 981… Từ xu hướng này, giáo viên hay chọn những vấn đề nóng bỏng của xã hội như hạn mặn, thần tượng để ra đề thi. Hình như, giáo viên hiện nay cũng đang lo, sợ rằng Bộ sẽ cho những dạng đề thi gần như vậy nên nhanh chóng cập nhật cho học trò.
Theo VNN