ĐH Sư phạm Hà Nội:

Toán, Sử nhiều điểm dưới trung bình

(Dân trí) - Hội đồng chấm thi đại học trường ĐH Sư phạm Hà Nội mới qua 2 ngày chấm, tuy không gặp phải nhiều lỗi “ngớ ngẩn” trong các bài thi như những năm trước, nhưng các thầy cô giáo khá bất ngờ vì điểm thi rất thấp.

Lịch sử: 700 bài thi chỉ có vài bài trên trung bình

 

PGS.TS Nguyễn Ngọc Cơ, Phó trưởng khoa Lịch sử trường ĐH Sư phạm cho biết: “Qua 1 ngày chấm thi, chúng tôi chấm khoảng 700 bài thì chỉ có 3 đến 5 bài đạt điểm 5 trở lên, còn lại toàn điểm dưới trung bình. Đặc biệt, năm nay không có điểm liệt vì có câu 1 (2 điểm) học thuộc nên thí sinh nào cũng làm được bài”.

 

Theo thầy Cơ thì đề thi Lịch sử năm nay nằm trong chương trình, phù hợp với trình độ của học sinh. Bài thi Lịch sử năm nay không có lỗi “ngớ ngẩn” như các năm trước, không có bài thi viết bậy, vẽ bẩn vì đã có sự sàng lọc ở kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua.

 

Tuy nhiên, cách diễn đạt trong các đề thi làm học sinh hiểu nhầm và khó có điểm cao:

 

Câu 2 phân hóa học sinh khá rõ. Tuy nhiên, cách ra đề làm cho nhiều học sinh hiểu lầm và làm lặp lại và không đạt điểm tuyệt đối câu này.

 

Câu 3 thì mang tính chất thuộc bài rất dễ nhưng lại không có em nào làm được.

 

Đối với 2 câu Lịch sử thế giới, đề không hay làm học sinh khó hiểu, không xâu chuỗi được các sự kiện trong cách làm bài.

 

Cũng theo thầy Cơ, đối với học sinh phổ thông thì không nên ra câu hỏi lịch sử thế giới như thế này, cần có sự thống nhất và sự kiện phải tồn tại trong thời gian dài thì học sinh mới hiểu được. Tuy tất cả những kiến thức này học sinh đều đã học qua nhưng không thể trình bày nổi. Thậm chí với câu hỏi Lịch sử thế giới các giáo viên vùng sâu, vùng xa cũng không thể làm được vì thông tin ở đó không được cập nhật.

 

Những bài điểm dưới trung bình thường là viết lung tung, tràn lan, thậm chí có bài 8 trang giấy nhưng giáo viên không lọc ra được ý nào, thể hiện trình độ tổng hợp, phân tích của học sinh quá kém - thầy Cơ cho biết.

 

Toán: 30% điểm thi dưới 5

 

Thầy Trần Quang Vinh, Phó trưởng khoa Toán ĐH Sư phạm I cho biết: “Sau hơn ngày chấm được 2.000 bài tuy điểm 0, 1 giảm nhiều nhưng lại không có điểm cao, thậm chí trong 2.000 bài thi chúng tôi mới tìm ra có 2 điểm 10, và 30% bài thi dưới 5 điểm. Điểm thi không cao là do câu 5A, 5B khó, phân loại được học sinh”.

 

Theo thầy Vinh đề thi hay, đã khống chế được “mưa” điểm 10 như năm trước nên năm nay điểm thi của môn Toán sẽ không cao.

 

Nếu trong năm tới Bộ GD-ĐT tổ chức thi trắc nghiệm toàn bộ thì e rằng sẽ mất đi vẻ đẹp suy luận sắc sảo của thí sinh đối với môn Toán vốn khô khan này.

 

Văn học: Điểm phổ biến là 5 - 6

 

Thầy Đinh Văn Thiện, giảng viên ĐH Sư  phạm Hà Nội cho biết: “Qua chấm 2.000 bài thi thì chỉ có 1 điểm 8 còn lại phổ biến là điểm 5-6. Do thí sinh không có điểm là sự bất hợp lý trong đề thi là khá nặng, đáp án chấm thi phân bố không đều, không hợp lý bị lặp lại nhiều đặc biệt câu 2 - “Tràng giang của Huy Cận là bài thơ mang vẻ đẹp vừa cổ điển vừa hiện đại. Anh/ chị hãy phân tích bài thơ Tràng giang để làm sáng tỏ nhận xét trên”.

 

Theo thầy Thiện, do sự bất hợp lý như vậy nên nhiều giáo viên chúng tôi không chấm theo đáp án mà nghiêng về sự sáng tạo và phân tích của học sinh.

 

Điểm Văn không cao cũng do một phần lỗi ở Bộ GD-ĐT. Trong khi Bộ liên tục thông tin là đề thi chủ yếu nằm ở chương trình lớp 12 thì đề văn ở các khối B,C,D đều nằm ở chương trình lớp 11.

 

Hồng Hạnh