Tọa đàm về “Công nghệ thông tin và tiếng Việt”

(Dân trí)- Ngày 7/9, Hội Trí thức KH&CN Trẻ VN (VAYSE) phối hợp của Viện Nghiên cứu Ứng dụng Công nghệ trực thuộc Trường Đại học FPT tổ chức buổi tọa đàm “Công nghệ thông tin và tiếng Việt” nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai ngành CNTT và ngôn ngữ học ở Việt Nam.

Tham dự buổi tọa đàm, nhiều chuyên gia đầu ngành thuộc các lĩnh vực khác như Vật lý, Hoá học, Triết học, Kinh tế, Sinh học… và lãnh đạo một số ban ngành như Hội Ngôn ngữ học Việt Nam và Hội Cựu Giáo chức Việt Nam, Công nghệ thông tin, Bộ GD-ĐT, Viện Từ điển học & Bách khoa thư, Viện Nghiên cứu Hán - Nôm, Viện Nghiên cứu Dân tộc cùng Khoa Ngôn ngữ học - Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Hà Nội.

Đây cũng là dịp mà các nhóm nghiên cứu về xử lý ngôn ngữ tại Việt Nam như Vietwin, Vietkey, Vietbit, BKED, Vietres, Cadpro, VnDOCR... ngồi lại với nhau để cùng ôn lại lịch sử về tiếng Việt trên môi trường máy tính và cùng chia sẻ, trao đổi với các chuyên gia ngôn ngữ học về những triển vọng còn tiếp tục phải làm.

Hội Trí thức KH&CN Trẻ VN (VAYSE) là một trong các cơ quan đã đề xuất với Bộ GD-ĐT về việc phải xây dựng chuẩn tiếng Việt trên môi trường CNTT và ấn bản giáo dục. Theo lãnh đạo Hội VAYSE, cần phải thừa nhận các ký tự F, J, W, Z vì thực tế là nó đã quen thuộc và không thể thiếu với người sử dụng máy tính. Tuy nhiên, khi đã thừa nhận thì chúng phải được ghi vào bảng chữ cái theo đúng thông lệ quốc tế kèm theo những giải thích rõ ràng để tránh những sự nhầm lẫn và lạm dụng.

TS Quách Tuấn Ngọc - Cục trưởng Cục CNTT Bộ GD-ĐT, cho biết: “Mối quan hệ giữa CNTT và Ngôn ngữ học là việc cần phải làm rõ để thấy được rất nhiều việc phải làm. Việc cần thừa nhận 4 ký tự F, J, W, Z cho tiếng Việt với CNTT chỉ là chuyện nhỏ trong tổng thể đó”.

Theo TS Dương Kỳ Đức - Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, CNTT và ngôn ngữ chính là 2 mặt không thể tách rời của một tờ giấy. Mặc dù trong nhiều đề tài nghiên cứu về lĩnh vực này đã có sự tham gia của các chuyên gia ngôn ngữ học. Nhưng sự hợp tác chính thức cần phải được mở ra và cần phải có một cơ quan đầu mối của Chính phủ hay Quốc hội để chủ trì và điều phối không chỉ cho việc hợp tác với ngành CNTT.

Ông Trần Quang Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ Bộ Thông tin & Truyền thông cho biết: “Nhiệm vụ “Xử lý tiếng Việt” của Đề án đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT mà Thủ tướng Chính phủ đã ban hành cách đây gần 1 năm là một vấn đề không hề đơn giản và tất yếu không thể thiếu được vai trò của ngành ngôn ngữ học. Vì thế, lãnh đạo Bộ Thông tin & Truyền thông lắng nghe và chắc chắn Bộ Thông tin & Truyền thông cũng sẽ phải tổ chức một hội thảo chính thức về vấn đề này để cùng bàn về định hướng cùng những công việc cần phải triển khai cho nhiệm vụ “Xử lý tiếng Việt”.

Hồng Hạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm