Toạ đàm cùng các Thủ khoa xuất sắc
(Dân trí) - “Nếu có quyền được đề nghị một ý kiến, em sẽ kiến nghị cho phép các doanh nghiệp ngoài nhà nước được bình đẳng tham gia vào các lĩnh vực như điện, viễn thông và công nghệ thông tin...”. Đó là tâm sự của Võ Văn Vinh, Thủ khoa Toán tin ứng dụng, Đại học Bách khoa Hà Nội trong buổi gặp gỡ lãnh đạo thành phố Hà Nội hôm qua.
Tại buổi toạ đàm với gần 100 thủ khoa xuất sắc của các trường ĐH trên địa bàn thành phố, vào chiều qua (19/8) tại Hà Nội, các gương mặt trẻ xuất sắc, đã có dịp được nói lên tâm tư, hoài bão của mình trước những vị lãnh đạo cao nhất của UBND TP Hà Nội. Phóng viên báo Dân trí đã có cuộc trao đổi nhanh với một số Thủ khoa tiêu biểu về các vấn đề giới trẻ đang quan tâm hiện nay.
Trong lý lịch trích ngang của Hà, những thành tích bạn đạt được thật đáng khâm phục: điểm trung bình toàn khoá đạt 9,02, điểm rèn luyện loại xuất sắc, đạt danh hiệu Sinh viên xuất sắc toàn khoá học. Hà thổ lộ nguyện vọng của mình sau khi tốt nghiệp đại học:
“Sau khi tốt nghiệp đại học, nguyện vọng của em là muốn cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và quảng bá “thương hiệu Việt Nam” đến với bạn bè quốc tế. Em thường đặt câu hỏi: tại sao tài nguyên và con người Việt Nam phong phú mà nước ta lại nghèo? Vì vậy, em nghĩ rằng, “nâng Việt Nam lên một tầm cao mới” không chỉ là nguyện vọng của bản thân em mà là nguyện vọng của tất cả các bạn sinh viên và người dân Việt Nam nói chung.
Em mong ước trong thời gian tới sẽ được làm việc trong một môi trường tiến bộ để có thể vận dụng và tiếp tục phát huy những gì mình đã học. Với em, một môi trường tiến bộ là nơi em có thể vận dụng những kiến thức chuyên ngành vào công việc, nơi em có khả năng thể hiện năng lực của bản thân và học hỏi được những kinh nghiệm trong công việc mới.”
Võ Văn Vinh, Thủ khoa Toán tin ứng dụng, Kỹ sư tài năng - Đại học Bách khoa Hà Nội: “Chiến lược công nghệ thông tin của chúng ta còn có những điểm chưa hợp lý”
“Theo em, việc thực hiện chiến lược công nghệ thông tin của chúng ta còn có những điểm chưa hợp lý. Đó là việc sử dụng nguồn nhân lực công nghệ thông tin còn lãng phí; chỉ mới chú trọng vào cơ sở vật chất mà chưa chú trọng đào tạo nhân lực; việc phát triển công nghệ thông tin chưa liên hệ với phát triển các lĩnh vực liên quan.
Em được biết, hiện nay nhiêu nơi các doanh nghiệp sẵn sàng trả lương cao để sử dụng kỹ sư, cử nhân công nghệ thông tin làm kỹ thuật viên. Họ sử dụng những lao động có trình độ này vì không phải mất công đào tạo lại. Tuy nhiên, có thể thấy rõ đây là chiến lược đầu tư theo kiểu “vắt chanh bỏ vỏ”, nó làm thui chột một lực lượng có khả năng tiến xa trong nghề nghiệp. Họ có thể đảm đương được những công việc khó khăn hơn, phức tạp hơn nếu được tạo điều kiện để làm việc.
Hiện nay, nhiều phòng máy tính, phòng mạng sau khi khai trương không có người sử dụng đành đắp chiếu chờ thanh lý. Đó là hậu quả của việc chỉ chú trọng đầu tư vào cơ sở vật chất mà quên đào tạo nhân lực. Nhiều nơi máy móc thiết bị có cấu hình cao chỉ được dùng vào những mục đích đơn giản như tin học văn phòng, ngược lại nhiều cán bộ kỹ sư đang rất cần những phương tiện và công nghệ mới lại không có.
Với riêng em, nếu có quyền được đề nghị một ý kiến, em sẽ kiến nghị cho phép các doanh nghiệp ngoài nhà nước được bình đẳng tham gia vào các lĩnh vực ích nước lợi nhà như điện, viễn thông và công nghệ thông tin... Em biết hiện nay chúng ta đã mở cửa để chuản bị hội nhập WTO, tuy nhiên, nếu mở cửa quá hẹp thì thật khó để lách qua, lúc đó chính người dân và những kỹ sư trẻ nhưng chúng em sẽ phải gánh chịu hậu quả”
|
Nguyễn Cẩm Tú, Thủ khoa ngành Công nghệ thông tin, Đại học Công nghệ - Đại học QGHN: “Hà Nội cần đẩy nhanh việc thông qua hành lang pháp lý cho thương mại điện tử”
“Là một người được sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, em luôn có mong muốn được góp một phần sức lực nhỏ bé của mình để góp phần xây dựng Thủ đô, trái tim của cả nước. Theo em, nếu mỗi người tự làm tốt công việc của mình cũng đã góp phần xây dựng đất nước, Thủ đô văn minh, giàu đẹp.
Là một cử nhân công nghệ, em rất vui mừng khi những năm gần đây Thủ đô Hà Nội quyết tâm đưa công nghệ thôn tin thành một ngành kinh tế mũi nhọn. Đặc biệt là sự ra đời và từng bước hoàn thiện của Hà Nội Portal. Tuy nhiên, để Hà Nội dẫn đầu cả nước trong việc tin học hoá hệ thống hành chính và xây dựng chính phủ điện tử theo em còn nhiều vấn đề mà lớp trẻ như chúng em quan tâm.
Đầu tiên và quan trọng nhất là TP cần đẩy nhanh thông qua hành lang pháp lý cho thương mại điện tử. Tiếp theo là làm gọn nhẹ bộ máy hành chính rườm rà, mở đường cho tin học hoá các thủ tục hành chính. Thứ ba là làm thế nào để dịch vụ internet đến được với người dân và các doanh nghiệp (hiện nay tỷ lệ sử dụng internet ở Việt Nam chưa đến 10%, trong khi Hàn Quốc là 70%). Thứ tư, thành lập các tổ chức sẽ giữ vai trò chịu trách nhiệm trung gian trong việc giao dịch điện tử. Thứ năm, việc đào tạo nguồn nhân lực cần có trọng điểm và thực tế, cần phải định hướng đào tạo và đặt chỉ tiêu để các trường đại học chủ động tuyển đúng nguồn vào và số lượng, tránh tính trạng nhiều ngành hiện nay quá thừa thãi trong khi nhiều lĩnh vực khác lại không có cán bộ thay thế.”.
Phát biểu trước các Thủ khoa đại diện cho tầng lớp tri thức trẻ của Thủ đô, ông Lê Quang Nhuệ, Giám đốc Sở Nội vụ cho hay, những SV tốt nghiệp thủ khoa xuất sắc tại các trường ĐH nếu có nguyện vọng làm việc tại Hà Nội sẽ được tiếp nhận ngay và sẽ được nhập hộ khẩu dễ dàng. Ngoài ra, đối với các thủ khoa xuất sắc đủ điều kiện du học nước ngoài UBND TP Hà Nội sẽ hỗ trợ kinh phí đào tạo. Khi họ tu nghiệp xong và tốt nghiệp trở về sẽ được miễn hoàn toàn hoặc một phần kinh phí đã ứng trước tuỳ theo loại bằng xuất sắc, khá hay trung bình của các Thủ khoa. Ngược lại, nếu họ đi tu nghiệp về nhưng không có tấm bằng tốt nghiệp sẽ phải đền toàn bộ số kinh phí đã ứng trước. |
Trần Đức - Bảo Trung