Tình yêu nước Nhật trong tôi
Những ngày giữa tháng Ba năm ấy - 2011, trời Hà Nội mưa lầy lội và rét căm căm. Nhưng hình ảnh không phai mờ trong tôi là tại các trụ sở quyên góp ủng hộ nạn nhân Nhật Bản vẫn đầy ăm ắp những hàng người, từ các em bé tiểu học đến người về hưu, từ những thương gia cho đến người làm lao công trên phố.
Tất cả bắt đầu từ ngày 11/03/2011 – ngày nước Nhật tang thương, ngày cả thế giới đau buồn cùng thảm họa kép động đất sóng thần nơi đây và là ngày tôi bắt đầu hiểu những thầm kín, sâu sắc trong lòng mẹ về một vùng đất tôi chưa hề đặt chân. Ngày ấy bắt đầu cho một sự thay đổi nhận thức trong tôi.
Hôm ấy mẹ tôi đi làm về muộn hơn thường lệ với vẻ mặt buồn rười rượi khác hẳn những ngày thường. Mẹ không ăn tối mà lặng lẽ ngồi bật tivi. Mẹ vừa xem vừa khóc nức nở. Tôi đến bên mẹ, lén nhìn màn hình tivi và thấy một thảm cảnh kinh hoàng về một trận động đất sóng thần tại Nhật Bản. Mẹ ôm lấy tôi và đó là lần đầu tiên tôi thấy mẹ yếu đuối cần sự chở che của tôi như một người đàn ông. Trong suốt buổi tối hôm đó và những ngày sau đấy, mắt mẹ đỏ hoe mỗi khi nghe thông tin về Nhật Bản. Và mẹ đã kể cho tôi về tình yêu đặc biệt với mảnh đất mà mẹ đã gắn bó suốt 3 năm đào tạo sau đại học.
Mẹ bảo nước Nhật không chỉ cho mẹ kiến thức, mẹ còn chịu ảnh hưởng lớn từ nhân cách của dân tộc này. Mẹ kể cho tôi về con người Nhật, về sự vĩ đại của một dân tộc có khả năng lớn lên kiên cường từ một đống tro tàn sau chiến tranh Thế giới thứ hai, chưa đầy nửa thế kỷ đã trở thành một đất nước hùng cường với đầy trách nhiệm quốc tế, một quốc gia kỉ cương, trật tự, nề nếp hàng đầu thế giới…. Mẹ kể về những người thầy, người bạn Nhật mà mẹ đã gắn bó cho đến tận bây giờ và mãi mãi sau này, về những trăn trở và nỗ lực của mẹ để làm sao đóng góp được nhiều hơn cho đất nước đã trang bị cho mẹ thêm kiến thức để phát triển sự nghiệp ngày hôm nay.
Mẹ ngưỡng mộ sự chăm chỉ, nhẫn nại, khiêm nhường, yêu thích văn hóa, ý thức cộng đồng đã đạt đến đẳng cấp văn minh của người Nhật khiến cả thế giời phải ngưỡng mộ. Mẹ đã dạy cho tôi hiểu rằng, thói quen xếp hàng nơi công cộng; thói quen nhường nhịn lẫn nhau; thói quen tôn trọng tập thể; thói quen đúng giờ, giữ uy tín và nền nếp… tất cả là nền tảng cần thiết để tạo nên một xã hội văn minh và an toàn.
Những ngày giữa tháng Ba năm ấy - 2011, trời Hà Nội mưa lầy lội và rét căm căm. Nhưng hình ảnh không phai mờ trong tôi là tại các trụ sở quyên góp ủng hộ nạn nhân Nhật Bản vẫn đầy ăm ắp những hàng người, từ các em bé tiểu học đến người về hưu, từ những thương gia cho đến người làm lao công trên phố. Họ lặng lẽ xếp hàng đến trao gửi những đóng góp nhỏ bé của mình cho nhân dân Nhật bản. Nhiều người nước ngoài đã nghẹn lòng chứng kiến hành động nhường cơm sẻ áo đong đầy nghĩa tình đó của người dân một nước còn nghèo như Việt Nam. Mẹ cùng các cựu lưu học sinh của trường bên Nhật đã đóng góp một phần không nhỏ (so với thu nhập hàng tháng của mình) để chia sẻ với người dân vùng bị nạn với dòng nhắn gửi “Nihon no mina-san – gambatte kudasai” (Cố lên, những người bạn Nhật của tôi). Tôi hiểu rằng, so với những gì người Nhật cần vào lúc ấy, thì những đóng góp của nhân dân Việt Nam là vô cùng nhỏ bé. Nhưng thứ cần nhất mà chúng tôi muốn gửi gắm đến người dân Nhật Bản vào lúc hoạn nạn này chính là tình cảm chân thành, là truyền thống ân nghĩa, thủy chung, là niềm an ủi rằng họ không hề đơn độc trong cuộc giành giật sinh tử và đứng lên sau thảm họa.
Hiểu biết và tình yêu nước Nhật trong tôi lớn dần theo năm tháng. Từ manga, thế giới của Conan, Naruto, Doreamon hay OnePiece huyền bí, tôi bắt đầu tìm đọc về nước Nhật qua những tác phẩm văn học và những bài nghiên cứu. Tôi ngưỡng mộ tinh thần võ sĩ đạo của người Nhật qua hình ảnh của những Samurai - biểu tượng cho nhân cách cao thượng của các trang nam nhi với sự hội tụ đầy đủ Nhân – Nghĩa – Lễ – Trí – Tín.
Đất nước, con người Nhật Bản luôn khiến tôi ngưỡng mộ (Ảnh minh họa)
Tôi cảm phục người Nhật khi họ biết học hỏi, tiếp thu những văn hóa tiến bộ từ bên ngoài nhưng vẫn đảm bảo duy trì bản sắc dân tộc, họ biết duy trì sự hài hòa giữa các tôn giáo, đặc biệt là 3 tôn giáo chính tạo nên cơ sở, nền tảng xã hội của người dân xứ hoa anh đào, đó là Thần Đạo của Nhật Bản, Phật Giáo của Ấn Độ và Khổng Giáo của Trung Hoa. Tôi ngưỡng mộ hồn Nhật, một tâm hồn đầy yêu thương, lãng mạn và phiêu lưu với những trà đạo, vũ điệu dân gian… cùng những “Rashomon”, “Tuyết”, “Ngàn cánh hạc”… của nhà văn Kawabata Yasunari.
Người Nhật đã biến những cái hầu như không thể thành có thể. Tôi hy vọng những giọt nước mắt đau khổ xót thương nước Nhật của mẹ tôi vào những ngày tháng 3 định mệnh năm ấy sẽ được biến thành những giọt nước mắt hạnh phúc khi trong cuộc đời này mẹ có thêm một tình yêu ruột rà với nước Nhật trong tôi. Tôi đã từ bỏ giấc mơ du học Mỹ hay Châu Âu để trở về với tình yêu hoa Anh đào và đất nước mặt trời mọc của mẹ, để có cơ hội học được thêm cốt cách và tinh thần Nhật Bản - hành trang mà mẹ tin là sẽ giúp tôi thành công trong cuộc đời mình.
Ít ai biết rằng, biến cố thảm họa động đất sóng thần tháng 3/2011 như một định mệnh đã gây xúc động mạnh trong tôi, khởi nguồn cho tình yêu, sự ngưỡng mộ những tâm hồn Nhật suốt những năm tôi học phổ thông trung học. Và đến giờ, nó đã quyết định sự lựa chọn tương lai của tôi.
Đã 4 năm trôi qua, giờ đây khi ngồi viết những dòng này, tôi vẫn cảm nhận như in một chiếc cầu tình cảm đã được những người Việt ở rất xa bắc qua sự hoang tàn và đổ nát nơi nước Nhật, để cùng truyền hơi ấm và tình yêu thương cho nhau. Giai điệu bài hát viết riêng cho những nạn nhân sau thảm họa hồi ấy trong “Pray for Japan - We are all one” của tác giả Dominic Petzold “Million thoughts are with you, You are not alone” (Chúng tôi luôn ở bên bạn / Các bạn không đơn độc đâu) như những đốm lửa nhỏ, những ấm áp san sẻ để kéo gần hơn những tấm lòng, tình người không biên giới…
Phạm Quang Hưng
(Phổ thông chuyên Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội)
Theo Vietnamnet