“Tình cờ” phát hiện những sai sót trong SGK Vật lý

(Dân trí) - Một bộ sách tốt cần phải không có lỗi về kiến thức và in ấn. Để nâng cao chất lượng giáo dục thì sách giáo khoa và sách dành cho giáo viên cần phải hạn chế tối đa những sai sót kiến thức cơ bản, mà trong đó người biên soạn sách đóng vai trò quyết định.

Đây là những tâm huyết của GS Nguyễn Văn Chánh gửi đến những người biên soạn sách giáo khoa khi tình cờ GS phát hiện hầu hết các Sách giáo khoa (SGK)Sách dành cho giáo viên (SGV) ở môn Vật Lý từ lớp 6 đến lớp 9 đều có những sai sót về chuyên môn.

 

Gần đây tôi có nghe nhiều ý kiến, đặc biệt của Viện chiến lược và Chương trình giáo dục đánh giá rất cao về sách giáo khoa đổi mới.


Nhưng khi mua bộ sách về tôi vẫn thận trọng: đọc sách cho kỹ, từ đó chuẩn bị kiến thức để khi các cháu tôi hỏi, tôi trả lời được. Không may cho tôi, càng đọc bộ sách giáo khoa Vật lý đã mua tôi càng thấy có nhiều chỗ sai, sót.

 

Tôi nói là nhiều vì từ xưa khi học văn phạm đã được dạy: Khi nào số lượng bằng hay là lớn hơn hai phải dùng số nhiều. Còn những sai sót đó là lớn hay nhỏ, có trầm trọng không thì tôi chưa dám nói vì còn phải chờ các nhà lý luận về phương pháp dạy học định nghĩa.

 

Tốt nhất là tôi phải trình bày rõ: sách đã viết như thế nào? Thấy sai chỗ nào? Tại sao nói là sai?


Vì phải cụ thể, nói có sách mách có chứng, nên trong phạm vi một bài viết, đối với sách Vật lý ở mỗi lớp, tôi chỉ có thể nói rõ vài chỗ mà tôi cho là sai sót và chỉ nói về sai sót chuyên môn. Nếu có dịp, tôi có thể trình bày thêm hàng loạt sai sót chuyên môn tương tự cũng như những vấn đề không ổn trong việc dùng bộ sách giáo khoa về Vật lý này làm bộ sách giáo khoa "chuẩn" để dạy cho học sinh trong nhiều năm
”.

 

Để làm rõ về những sai sót chuyên môn trong SGK, GS Nguyễn Văn Chánh đã đưa ra một loạt ví dụ về sai sót chuyên môn trong SGK và SGV ở môn Vật lý từ lớp 6 đến lớp 9. Do dung lượng bài viết chúng tôi xin được chuyển tải một số sai sót mà GS Nguyễn Văn Chánh nêu ra:

 

1.Ở sách giáo khoa Vật lý cho học sinh lớp 9 (SHS 9) trang 34 viết:


Kính hiển vi điện tử có số bội giác đến 1.000.000x.

Thắc mắc: Số bội giác của kính hiển vi điện tử là gì? Có tài liệu nào, sách nào nói đến số bội giác của kính hiển vi điện tử không? (Xưa nay người ta chỉ nói đến độ phóng đại của hiển vi điện tử - phải chăng là vì ở chương trình THPT chỉ cho phép nói đến số bội giác nên khi nói độ phóng đại ở kính hiển vi điện tử phải chuyển sang nói số bội giác. Trong sách lại nhấn mạnh số bội giác không phải là số phóng đại. Tại sao bắt học sinh chỉ học số bội giác khi trong thực tế lại dùng độ phóng đại.

2. SHS 9 tr. 145

Con tắc kè hoa (còn gọi là con kỳ nhông) khi leo cây nào sẽ có màu lá của cây ấy. Đó là do cấu tạo đặc biệt của da con kỳ nhông.

Thắc mắc: Trên quả đất này có hay không loại tắc kè hoa khi leo cây nào sẽ có màu lá của cây ấy? Cấu tạo đặc biệt của da con kỳ nhông ấy như thế nào? Tại sao lại nói về con kỳ nhông ở phần học về màu sắc và phản xạ ánh sáng?

3. SGV 9 tr. 283


Một trong những nguyên nhân quan trọng làm cho con kỳ nhông có thể đổi màu khi vào những vùng cây có màu sắc khác nhau là da của nó có những vẩy nhỏ màu trắng tán xạ tới tất cả các ánh sáng màu. Do đó khi vào vùng cây có màu nào, nó sẽ tán xạ màu đó.

Thắc mắc: Da con tắc kè có một ít vảy màu trắng hay toàn bộ chỉ là vẩy màu trắng? Có loại tắc kè nào da chỉ gồm các vảy màu trắng không? Nếu có thì tại sao ta không nhìn thấy tắc kè màu trắng mà nó lại đổi màu khi vào những vùng cây có màu sắc khác nhau. (Vấn đề đổi màu ở da con tắc kè đã có góp ý cụ thể cách đây hơn hai năm nhưng có lẽ các tác giả sách vẫn xem mình đúng nên ở sách tái bản không có sửa chữa).

4. SHS 9, tr. 92

Người ta sử dụng từ trường để nâng các tàu điện chạy trên các đệm từ ... Khi tàu chạy các nam châm điện cực mạnh nhấc nó lên khỏi đường ray. Nhờ thế tàu điện chạy rất êm không tiếng động và không ma sát.


Thắc mắc: Chạy êm thì nghe có lý nhưng có phải không tiếng động và đặc biệt không ma sát không. Nếu là không ma sát thì tàu chỉ còn chuyển động theo quán tính? (Một quyển sách ít có chỗ hay mà nói là không hay cũng có thể gây nhiều tranh cãi ở người lớn còn đối với các em học sinh từ chỗ ít ma sát nói thành không ma sát có thể làm cho các em bị hoang tưởng).

5. SHS 8 tr. 23

C8 - Hãy giải thích các hiện tượng sau:

d - Mặt lốp ô tô vận tải phải có khía sâu hơn mặt lốp xe đạp.
SGV trang 41 (trả lời cho bài tập C8)

d. Khía rãnh ở mặt lốp ô tô vận tải phải có độ sâu hơn mặt lốp xe để tăng độ ma sát với mặt đường. Ma sát này có lợi để tăng độ bám của lốp xe với mặt đường lúc xe chuyển động. Khi phanh, lực ma sát giữa mặt đường và bánh xe đủ lớn làm xe nhanh chóng dừng lại. Ma sát ở trường hợp này là có lợi.

Thắc mắc: Tại sao khía rãnh ở mặt lốp ô tô vận tải phải có độ sâu hơn mặt lốp (?) để tăng độ ma sát với mặt đường. Vận dụng lý thuyết nào đã học để nói là có khía rãnh là tăng độ ma sát?


Tại sao nói khi phanh lực ma sát giữa mặt đường và bánh xe lại đủ lớn làm xe nhanh chóng dừng lại? Vậy khi phanh xe ô tô cái má phanh tác dụng vào đâu?


6. SHS 8 tr 92

C1. Tại sao dùng bếp than lại lợi hơn dùng bếp củi

SGV 8 tr. 137

Vì than có năng suất toả nhiệt lớn hơn củi. Ngoài ra có thể nêu những lợi ích khác của việc dùng than thay củi khác của việc dùng than thay củi như: đơn giản, tiện lợi, góp phần bảo vệ rừng v.v…

Thắc mắc: Than ở câu hỏi là than gì? Than củi, than đá hay than tổ ong? Lợi nhiều hay lợi ít ở câu hỏi là lợi về mặt gì? Lợi về tiền, lợi về thời gian, lợi về mặt thuận tiện, lợi về bảo vệ môi trường, lợi về bảo vệ rừng, lợi về năng suất toả nhiệt hay lợi về tất cả các mặt?

 

Đây là câu hỏi cho học sinh vùng rừng núi, vùng có nhiều mỏ than đá, học sinh ở nông thôn, học sinh ở thành thị hay là học sinh nói chung trong toàn quốc. Ra câu hỏi này nhằm mục đích gì? Đánh giá trả lời câu hỏi này như thế nào?


Nếu trả lời: Dùng bếp củi lợi hơn dùng bếp than hoặc dùng bếp than hay bếp củi đều không có lợi. Thì có sai không?


(Ra câu hỏi rất chủ quan, cứ buộc học sinh phải nghĩ là xét về lợi hại của cái bếp chỉ có một tiêu chuẩn phải xét là năng suất toả nhiệt).

7. SGV 7 tr. 139


22.1. Tác dụng nhiệt của dòng điện là có ích trong hoạt động của nồi cơm điện, ấm điện.
- Tác dụng nhiệt của dòng điện là không có ích trong hoạt động của quạt điện máy thu hình và máy thu thanh.


Tuyệt đa số máy thu hình hiện nay là dùng màn hình CRT. Vậy ở máy thu hình, tác dụng nhiệt của dòng điện để nung nóng các sợi đốt cho phát ra, nhiệt điện tử, có tia này mới có được hình trên màn hình. Vậy ở đây tác dụng nhiệt của dòng điện có phải là không có ích hay không?


(Không nghĩ cho thấu đáo khi ra câu hỏi và trả lời).

 

 8. SHS 6 tr. 59

C5. Ở đầu cán (chuôi) dao, liềm bằng gỗ thường có một đai bằng sắt, gọi là cái khâu dùng để giữ chặt lưỡi dao hay lưới liềm. Tại sao khi lắp khâu người thợ rèn phải nung nóng khâu rồi mới tra vào cán?


Nếu trả lời là để cho khi cái khâu nguội thì co lại giữ chặt như ở SGV 6 thì trả lời cho học sinh thế nào khi học sinh hỏi: Em thấy thợ rèn nung đỏ cái chuôi dao, chuôi liềm để đóng vào cán gỗ sau khi cái cán gỗ đã được đóng cái khâu. Vậy thì khi nguội cái dao, cái liềm bị lỏng cán ngay có phải không? Làm thế nào trả lời?


(Cán liềm, cán dao không mấy khi làm bằng gỗ thật tốt và cũng khó gọt rũa cho thật chính xác. Thợ thủ công thường dùi thủng gỗ bằng cách dùng dùi sắt hơ nóng đỏ cắm vào gỗ cho sắt nóng làm cháy gỗ. Tương tự việc lắp cái khâu cũng vậy. Cũng như vấn đề tán đinh rivê, sự co vì nhiệt không có vai trò gì đáng kể, bản thân cái khâu rất nhỏ.)

...

 

Mặc dù những góp ý của GS Chánh là khá tâm huyết với nền giáo dục nước nhà, nhưng chưa một cơ quan chức năng nào tiếp thu.

 

Trước đây tôi đã nêu hàng chục sai sót, nhưng sau đó không thấy phản hồi phía Bộ Giáo dục. Còn đến trăm chỗ nữa theo tôi là sai sót ở bộ sách giáo khoa Vật lý Trung học Cơ sở (tôi chưa nói đến SGK Vật lý Trung học phổ thông)”,  GS Chánh chia sẻ.

 

Hoài Phương
(Lược ghi Thư góp ý SGK của GS Vật lý Nguyễn Văn Chánh)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm