Tiêu chuẩn giáo sư mới: Khắc phục sự “cào bằng”, linh hoạt thay đổi hội đồng

(Dân trí) - Giáo sư Nguyễn Hữu Đức – Phó Giám đốc ĐH QGHN cho biết, so với Quy định 174/2008, dự thảo mới về tiêu chuẩn để công nhận và bổ nhiệm chức danh GS, PGS mới đã có nhiều điểm tiếp cận mới, chuẩn cao hơn, thực chất hơn, linh hoạt hơn, minh bạch hơn và thống nhất được sự đa dạng.


Theo quy định mới, các ứng viên GS, PGS phải đạt tổng điểm công trình khoa học quy đổi tương ứng lên 20 và 10 điểm (thay cho 12 và 6 điểm trước đây).

Theo quy định mới, các ứng viên GS, PGS phải đạt tổng điểm công trình khoa học quy đổi tương ứng lên 20 và 10 điểm (thay cho 12 và 6 điểm trước đây).

Bắt buộc ứng viên phải có công bố quốc tế

Là người tiếp cận góp ý quá trình soạn thảo tiêu chuẩn chức danh GS,PGS mới, giáo sư cho biết những điểm mới trong dự thảo?

Theo quan sát và tiếp cận của tôi với TS. Nguyễn Hải Thập (Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo), Ban soạn thảo đã bám rất sát các bất cập đó và thể hiện quyết tâm đổi mới rất cao, mặc dù tiếp cận chưa tạo ra đột phá như nhiều nhóm các nhà khoa học mong muốn, còn phải phân chia lộ trình, phải cân nhắc về sự thống nhất trong đa dạng và tính không đồng đều của các lĩnh vực, nhưng tôi đánh giá đây là quy định đã đưa ra các giải pháp hợp lý.

Sau khi tiếp thu các ý kiến góp ý và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, những ngày này Ban soạn thảo đang rà soát các khâu cuối cùng, một số điểm mới nữa đang tiếp tục được bổ sung chi tiết.

Trước hết, đối với hai điểm tiến bộ đầu tiên, đó là việc nâng chuẩn và tiếp cận quốc tế. Lần này, các ứng viên GS, PGS phải đạt tổng điểm công trình khoa học quy đổi tương ứng lên 20 và 10 điểm (thay cho 12 và 6 điểm trước đây).

Hơn thế nữa, quy định lần này cũng bắt buộc các ứng viên phải có thành tích công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín với số lượng tối thiểu. Đó là tạp chí cụ thể nào sẽ do HĐCDGSNN sau này lựa chọn, nhưng tôi tin là tiếp cận ISI, Scopus và một số hệ thống tạp chí quốc tế khác như Quỹ Nafosted đã tiếp cận sẽ được chấp nhận.

Chuẩn của các thành viên hội đồng cũng sẽ có sự thay đổi nhỏ, cụ thể nhưng căn bản, ví dụ như ghi thêm chi tiết có trình độ ngoại ngữ chuyên môn và khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh như yêu cầu đối với ứng viên. Hoặc cũng có yêu cầu có kết quả nghiên cứu cập nhật được công bố trên tạp chí khoa học có uy tín hoặc xuất bản ở nhà xuất bản có uy tín…

Kiểu thay đổi như vậy đang nhằm đến sự dân chủ và công bằng trong sinh hoạt học thuật giữa các đối tượng tham gia trong quy định và khả năng hoàn thành nhiệm vụ của các bên sẽ toàn diện hơn.

Linh hoạt chuyển đổi tiêu chuẩn

Trong quy định tiêu chuẩn GS,PGS theo quyết định 174 có nhiều điểm khá cứng nhắc như quy định bắt buộc giờ giảng, viết sách, thậm chí có hoạt động được tính điểm nhiều lần…vậy quy định mới có khắc phục được tình trạng này không thưa GS ?

Chắc chắn có thay đổi. Trước đây, có nhiều ứng viên chỉ thiếu vài chục giờ giảng, một ít điểm viết sách là bị loại ngay.

Lần này, tôi thấy rất linh hoạt, nhưng là sự linh hoạt hướng đến thực chất và chuẩn chất lượng, tạo điều kiện cho các nhà khoa học trẻ tài năng phát triển nhanh.

Tất cả các tiêu chuẩn có thể bị thiếu một phần (tức là kinh nghiệm về hoạt động đó ứng viên phải trải qua, nhưng không được thiếu toàn bộ) và sự chuyển đổi chỉ có thể thay bằng bài báo khoa học quốc tế uy tín.

Ai nhiều bài báo uy tín đủ thay thế được các điều kiện còn thiếu thì xứng đáng quá đi chứ. Cũng xin tiết lộ, đây là ý tưởng và giải pháp mà GS Toán học Lê Tuấn Hoa và tôi đã kiên trì trong thời gian qua.

Một điểm đặc biệt quan trọng của dự thảo, nếu chỉ quan tâm và quá chú trọng tính điểm cho các bài báo khoa học và khuyến khích các bài báo ISI, Scopus thì một số lĩnh vực không có lợi thế, thậm chí là không khả thi.

Ví dụ như các ngành công nghệ nên khuyến khích các bằng sáng chế, giải pháp hữu ích; lĩnh vực KHXH-NV phải là sách chuyên khảo; trong lĩnh vực nghệ thuật và huấn luyện thể dục thể thao đó phải là các giải thưởng quốc gia, quốc tế của thầy và trò. Lần này các tất cả các yếu tố đặc thù như vậy đã được đưa vào trong văn bản một cách chính thức và chuẩn hoá phù hợp giữa các lĩnh vực.

Bên cạnh đó, trước đây, thành tích hướng dẫn NCS, chủ trì các đề tài nghiên cứu các cấp đều được tính điểm. Nếu tinh ý thì có thể nhận thấy ngay là khi đã đứng tên hướng dẫn NCS, có rất nhiều khả năng nếu hướng dẫn tốt cả thầy và trò sẽ công bố được các bài báo đồng tác giả và thầy cũng được kê khai để tính điểm rồi, nếu tính cả thành tích và số lượng đào tạo NCS nữa thì quả là được hưởng lợi nhiều lần quá.

Tương tự như vậy, khi có điều kiện chủ trì đề tài nghiên cứu thì ứng viên đã có khả năng có nhiều sản phẩm khoa học hơn người khác rồi. Vậy nên lần này, hướng dẫn NCS và chủ trì đề tài chỉ còn là tiêu chuẩn về điều kiện, không tính điểm nữa.


GS.TS Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc ĐH QGHN

GS.TS Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc ĐH QGHN

Khắc phục tình trạng "đa số phục tùng thiểu số"

Dự thảo vừa qua khi vừa được lộ ra trong cộng đồng cũng đã có một vài ý kiến phản biện về cách đánh giá còn "cào bằng" đối với một vài tiêu chí. GS có nghĩ thế không?

Lần này, văn bản mới đã quy định tác giả chính của mỗi công trình đã được tính trước 1/3 số điểm rồi. Sau đó, số điểm còn lại được chia theo giá trị đóng góp của mỗi người tham gia kể cả tác giả chính.

Ngoài ra, còn quy định phải căn cứ thêm cả chỉ số trích dẫn của bài báo. Tiếp thu dư luận nêu trên, rất có thể phải bổ sung thêm việc cộng thêm điểm cho các bài báo xuất sắc, công bố trên tạp chí có chỉ số ảnh hưởng hoặc (và) chỉ số trích dẫn vượt trội. Tôi đồng tình với phản biện đó.

Vừa qua, một số bất cập trong công tác xét đạt chuẩn GS, PGS bị phàn nàn liên quan đến hoạt động của các hội đồng. Vấn đề này đã được khắc phục thế nào, trong quy định mới thưa GS?

Cần phải giải quyết hài hoà hai khâu: đạt tiêu chuẩn cứng và sự tín nhiệm của chuyên gia đánh giá; giữa lượng và chất và giữa thiểu số và đa số. Do đó, giải pháp lần này trước hết là phải đưa ra được các quyết định nên dựa trên tỷ trọng hài hoà hơn.

Số phiếu đồng ý lần này chỉ còn 2/3, thậm chí có quy trình chỉ cần 1/2. Như vậy có thể khắc phục được cái mọi người hay nói là "đa số phục tùng thiểu số" tức là muốn nói chỉ một vài phiếu không đồng ý của một thiểu số ủy viên lại quyết định tất cả.

Thêm vào đó, hội đồng ngành trước đây có nhiệm kỳ quá dài, thành phần lại cố định, trong khi đó số lượng và tỷ lệ chuyên ngành của các ứng viên thay đổi hàng năm rất nhiều.

Vai trò của hội đồng ngành lần này vẫn được xác định rất cao, rất quan trọng trong việc đánh giá chuyên môn của các ứng viên, nhưng sẽ được tổ chức linh hoạt hơn, hiệu quả phải cao hơn và được HĐCDGS Nhà nước điều chỉnh hàng năm.

Đánh giá năng lực ngoại ngữ của từng ứng viên

Quy định và đánh giá ngoại ngữ lâu nay tỏ ra rất chặt chẽ, nhưng vận dụng lại quá tùy biến. Liệu quy định mới có đánh giá được khách quan, thực chất trình độ ngoại ngữ của ứng viên?

Về nguyên tắc thì đối với các nhà khoa học, ngoại ngữ thực hành, ngoại ngữ chuyên môn mới là quan trọng. Tuy nhiên, dù có biện hộ đến đâu nhà khoa học cũng phải diễn đạt được và viết được chuyên môn của mình ở mức cơ bản.

Điểm xuất phát ở nước ta thấp hơn, chậm hơn nên có thể du di một vài khâu, nhưng những điểm cốt lõi nhất quyết phải đảm bảo. Tôi ví dụ, trước đây quy định về “Giao tiếp được bằng tiếng Anh” là chỉ diễn đạt được những điều muốn trình bày cho người khác hiểu và hiểu được người khác nói bằng tiếng Anh.

Cách yêu cầu như vậy làm cho dư luận hiểu là đó chỉ là tiếng Anh “Hello”. Lần này nội hàm chắc phải cần rõ ràng và cụ thể hơn, phải yêu cầu giao tiếp được cả những thông tin chung nhất, đại cương nhất về chuyên môn của ứng viên.

Đặc biệt, cách tổ chức hội đồng như hiện nay không đủ khả năng và tư cách để đánh giá ngoại ngữ. Lần này, quy định sẽ yêu cầu Hội hội đồng cơ sở phối hợp với cơ sở giáo dục đào tạo để tổ chức đánh giá năng lực ngoại ngữ phục vụ công tác chuyên môn và khả năng giao tiếp tiếng Anh của từng ứng viên.

5 năm đánh giá lại giáo sư, phó giáo sư

Về vấn đề hậu bổ lâu nay không được chú trọng, quy định mới có đánh giá chất lượng giáo sư, phó giáo sư sau khi được bổ nhiệm?

GS, PGS vừa là một sự tôn vinh, nhưng đồng thời là một chức danh nghề nghiệp. Sự tôn vinh cần gắn liền với mức độ xứng đáng với chức danh nghề nghiệp ấy, vị trí ấy. Do đó cần phải được đánh giá hàng năm và chu kỳ.

Trong quy định lần này, đối với các đối tượng đang còn làm việc tại các cơ sở giáo dục thì sau 5 năm được đánh giá lại, nếu không còn đạt chuẩn sẽ không được bổ nhiệm tiếp. Quy định như cũng sẽ giúp tạo thêm động lực và trách nhiệm để các GS PGS cống hiến hiệu quả hơn.

Xin trân trọng cảm ơn GS!

Theo quy định của dự thảo mới GS, PGS, sẽ thực hiện công khai hồ sơ của ứng trên Trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục đại học (nơi nhận hồ sơ của ứng viên) và trên Trang thông tin điện tử của Hội đồng Giáo sư nhà nước để nhân dân biết, giám sát.

Hồng Hạnh (thực hiện)